07/10/2009 - 08:07

Khẩn trương tìm kiếm, cứu chữa nạn nhân và hỗ trợ thiệt hại do bão số 9

* Bão số 9 (Ketsana) mạnh nhất trong vòng 40 năm qua: 163 người chết, 11 người mất tích, 629 người bị thương

* TPCT: 337 triệu đồng giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt

* Cả nước có 9.652 ca nhiễm cúm A (H1N1) tại 59 tỉnh, thành phố

* Dịch lở mồm long móng trên gia súc vẫn diễn biến phức tạp

Tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại cũng như khẩn trương khôi phục các công trình cơ sở hạ tầng hư hỏng, phục hồi sản xuất... là những nhiệm vụ cần tiếp tục tập trung thực hiện để khắc phục hậu quả bão số 9. Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được thể hiện tại Thông báo số 306/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, ngày 6-10-2009. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt chú ý tập trung triển khai mọi biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, cứu trợ lương thực, nước uống thuốc chữa bệnh cho nhân dân 13 xã bị chia cắt của tỉnh Kon Tum. Không để người dân bị đói do thiếu lương thực, bố trí nơi ở tạm cho những gia đình bị mất nhà cửa. Ngay sau khi nước rút, làm vệ sinh môi trường, đề phòng dịch bệnh. Khẩn trương sửa chữa, khôi phục lại các cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng như hệ thống cung cấp điện, các công trình cấp nước sạch, hệ thống thông tin liên lạc, bệnh xá, trường học.

Về các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất, Thủ tướng yêu cầu các địa phương vùng bị lũ lụt do bão số 9 gây ra cần tận thu những trà lúa có thể còn thu hoạch được; đồng thời chủ động nguồn vật tư nông nghiệp để cung cấp cho nhân dân, kiên quyết canh tác thắng lợi vụ Đông năm 2009.

Thực hiện Quyết định số 1559/QĐ-TTg ngày 2-10-2009, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nhanh chóng triển khai thực hiện trích 460 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2009 và xuất, cấp không thu tiền 10.000 tấn gạo từ nguồn Dự trữ quốc gia, hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão số 9.

* Chiều 6-10, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương phối hợp với Chương trình phát triển LHQ (UNDP) và Tổ chức lương thực thế giới (FAO) tại Việt Nam tổ chức họp báo, đánh giá mức độ thiệt hại do bão Ketsana (bão số 9) gây ra cho các tỉnh, thành phố miền Trung và khu vực Tây Nguyên của Việt Nam.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương: Kể từ năm 1969, bão Ketsana là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 40 năm qua tại Việt Nam (cường độ gió cấp 12, giật cấp 14-15), đổ bộ vào 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi trưa 1-10-2009, vùng ảnh hưởng của gió mạnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, gồm các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum, gây thiệt hại rất lớn cho các tỉnh này.

Do trước bão đã có mưa rất to ở vùng bị ảnh hưởng nên tình trạng lũ trên các sông ở miền Trung và Tây Nguyên lên rất nhanh và ở mức cao xấp xỉ lũ lịch sử, một số sông vượt lũ lịch sử như ở Trà Bồng (Quảng Ngãi), sông PôKô và Đăkbla (Kon Tum).

Song nhờ công tác thông báo bão chính xác, cảnh báo và dự báo sớm nên đã giảm thiểu được mức độ thiệt hại do bão Ketsana gây ra. Tuy vậy, bão Ketsana đã làm 163 người chết, 11 người mất tích và 629 người bị thương; 21.614 nhà bị sập, trôi; 258.264 nhà hư hại và 294.711 nhà bị ngập. Ngoài ra bão lũ còn gây rất nhiều thiệt hại về nông nghiệp, thủy sản, giao thông, điện, thủy lợi...với tổng thiệt hại ước tính 14.014 tỉ đồng.

Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ khẩn cấp 460 tỉ đồng và 10.000 tấn gạo cho các vùng bị thiệt hại. Các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, các thành phần kinh tế đã tổ chức quyên góp hỗ trợ nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

* Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ, các địa phương, đơn vị trong thành phố đã tổ chức phát động trong cán bộ, công nhân viên, nhân dân ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên bị lũ lụt. Đến chiều 6-10-2009, Ủy ban MTTQVN thành phố đã tiếp nhận hơn 337 triệu đồng, 1.000kg gạo và 30 thùng mì từ 86 đơn vị, cá nhân đóng góp. Trong đó, Công ty TNHH Cấp thoát nước Cần Thơ đã đóng góp được hơn 57 triệu đồng; Ủy ban MTTQVN quận Cái Răng đã đóng góp được 25 triệu đồng; Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ đóng góp 22 triệu đồng; Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ đóng góp 20 triệu đồng; Công ty TNHH Liên doanh thuốc lá VINASA đóng góp 20 triệu đồng... Hiện nay, các địa phương, đơn vị tiếp tục tổ chức quyên góp trong cán bộ, công nhân viên, nhân dân để giúp đỡ đồng bào các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

* Cục Y tế dự phòng và môi trường cho biết: Tính đến 17 giờ ngày 6-10, số ca dương tính với cúm A (H1N1) ở nước ta đã lên tới 9.652 trường hợp, 20 trường hợp tử vong. Dịch bệnh này đã xuất hiện tại địa bàn 59 tỉnh, thành phố ở nước ta, trong đó thành phố Hồ Chí Minh vẫn là nơi tập trung số ca dương tính đông nhất cả nước. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 1.118 ca phải điều trị trong bệnh viện, các cơ sở y tế, phần lớn các ca bệnh đều đã khỏi và ra viện.

Từ cuối tuần trước đến nay, số ca dương tính với cúm A (H1N1) phát hiện trong ngày đã giảm nhiều so với những ngày trước đó. Riêng trong ngày 6/10, chỉ phát hiện thêm 44 ca dương tính trong cả nước. Số ca mới phát hiện đã được cách ly và có phương án điều trị kịp thời theo phác đồ của Bộ Y tế đã ban hành.

Tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, nhất là thời gian mùa đông sắp tới, dự báo đỉnh dịch tại Việt Nam là khoảng tháng 11-2009. Để tránh các biến chứng do sử dụng thuốc không đúng cách, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng vi rút (Tamiflu) khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế.

* Theo báo cáo của ngành y tế TP Cần Thơ, đến chiều ngày 6-10-2009, thành phố ghi nhận 2 trường hợp có biểu hiện của cúm A (H1N1), đang được cách ly, chăm sóc tại bệnh viện. Trong đó, 1 trường hợp đã được điều trị Tamiflu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, 1 trường hợp chỉ theo dõi, chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ. Như vậy, tính đến 15 giờ ngày 6-10-2009, TP Cần Thơ ghi nhận 48 trường hợp dương tính với virus cúm A (H1N1), tất cả các trường hợp đều đã khỏi bệnh, xuất viện.

* Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 6-10, Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh cho biết: dịch lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc vẫn diễn biến phức tạp tại các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Trong 2 tuần qua (từ 23-9 đến 6-10), dịch LMLM tiếp tục phát sinh ở các tỉnh: Hà Giang, Đăk Lăk, Nghệ An, Yên Bái và Quảng Ninh. Như vậy, hiện cả nước có 11 tỉnh là: Quảng Nam, Đăk Nông, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Đăk Lăk, Nghệ An, Yên Bái, Sơn La và Quảng Ninh có dịch LMLM chưa qua 21 ngày. Dịch cúm gia cầm và dịch tai xanh không phát sinh ổ dịch mới trong hai tuần qua. Hiện cả nước còn tỉnh Bạc Liêu có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày.

NHÓM PV TTXVN-THANH THY-B.TÂM

Chia sẻ bài viết