05/10/2024 - 07:07

Nhà nghiên cứu Nhâm Hùng

Khăn rằn là văn hóa biểu trưng của đất và người Nam Bộ 

 

Hôm nay, ngày 5-10, tại Nhà sách Phương Nam Cần Thơ, nhà nghiên cứu Nhâm Hùng tổ chức ra mắt sách “Văn hóa khăn rằn” (NXB Văn học). Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Nhâm Hùng xung quanh chiếc khăn vốn dĩ rất quen thuộc với người Nam Bộ.

 

* Dường như ông có tình yêu rất đặc biệt với chiếc khăn rằn?

- Đúng vậy! Vốn sinh quán ở miền Tây, ngay thời nhỏ, tôi đã biết sử dụng khăn rằn. Những họa tiết ô màu trắng đen quen thuộc, cùng mồ hôi của nội tôi, cha tôi, mẹ tôi... gắn liền với đời sống, sinh hoạt thường nhật và công việc làm ăn của gia đình, qua bao nẻo đường đời, dù trong thời chiến hay khi hòa bình, tôi không thể nào quên.

Tôi cứ nghiền ngẫm hoài, về cội nguồn của chiếc khăn rằn, tính thông dụng, giá trị của nó, để đi tìm lời đáp cho câu hỏi: Vì sao khăn rằn trở thành “nguời bạn” đường thân thiết của các dân tộc bản địa, từ xa xưa và cả hôm nay? Và tôi háo hức bước vào công việc nghiên cứu chiếc khăn rằn, một vật dụng đơn sơ, “trọng tuổi”, mang vẻ đẹp chân quê thuần khiết, hồn hậu.

Khăn rằn cùng nông dân Nam Bộ ra đồng. Ảnh: DUY KHÔI

* Thưa ông, hành trình của chiếc khăn rằn Nam Bộ phải chăng cũng là hành trình của đất và người nơi đây?

- Tôi đồng ý với điều này. Thử nhìn lại mà xem, khi những nhát cuốc, lưỡi cày mở đầu công cuộc mở đất, cấy trồng thì khăn rằn đã có mặt cùng người lao động, như “vật bất ly thân”! Lúc chợ, phố hình thành, mua bán nhộn nhịp trên sông, khăn rằn thành nét duyên cùng người bạn thương hồ... Rồi khăn rằn như ngọn lửa ấm gia đình, kết nối tình làng, nghĩa xóm; kể cả cuộc hiếu, hỷ, chốn tôn nghiêm. Bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến gian khổ, khăn rằn lại đồng hành cùng đội quân tóc dài, các chiến sĩ thân thương, góp phần làm nên lịch sử!

Khi đời sống hiện đại, cứ ngỡ khăn rằn đã hoàn thành vai trò lịch sử, chuẩn bị xếp lại, nằm yên trong tủ, kệ của bảo tàng. Nhưng không ngờ, cùng chiếc áo bà ba, khăn rằn bỗng phục hồi, tiếp bước trên chặng đường mới: Lung linh trên ánh đèn sân khấu, sân chơi thời trang, cuộc thi nhan sắc. Đáng kể, khăn rằn đã tạo được vị thế vững vàng, hòa nhập vào không gian du lịch miệt vườn, sông nước Cửu Long.

Trong hành trình ấy, người Nam Bộ đã kiến tạo nên văn hóa khăn rằn. Điều này được thể hiện trong cách dệt, công dụng, cách dùng, và cả những biến tấu đầy sáng tạo. Nói điều này rất dài, tôi đã trình bày trong sách, chỉ xin đơn cử một ví dụ, là cách dùng khăn rằn, rất phong phú. Từ quấn khăn (có người gọi là bịt khăn), tới cột khăn, chàng khăn, đội khăn, vắt khăn, quàng khăn… Mỗi cách đều có những động tác, tác dụng khác nhau, rất điệu nghệ. Cùng với áo bà ba và nón lá, chiếc khăn rằn kết nên mối duyên lành gắn bó với người phương Nam hàng trăm năm qua.

* Qua nghiên cứu, ông có đánh giá gì về sức sống của chiếc khăn rằn hiện nay?

- Rất phong phú và rất tiềm năng. Mấy ai ngờ, giữa dòng sông Tiền mênh mông, trên đất cù lao Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, có một làng nghề dệt choàng (khăn rằn) hình thành hơn trăm năm. Sau nhiều biến động, thăng trầm, vượt bao khó khăn, đáng kể là nhờ cải tiến cách dệt, thay đổi mẫu mã, đến nay vẫn khẳng định chỗ đứng vững vàng. Nghề dệt choàng Long Khánh cũng đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong làng nghề ấy, có những người trẻ, như nghệ nhân Hồ Ngọc Nữ, luôn nặng lòng gìn giữ di sản quê hương. Còn có nhiều nhà may, nhà thiết kế, cơ sở kinh doanh nặng lòng với chiếc khăn rằn, áo bà ba Nam Bộ, như nhà thiết kế Huệ Thi, nhà may Phương Nam, tiệm Cô Ba Tây Đô… ở TP Cần Thơ. Hay là những cô gái trẻ, hiện đại nhưng rất yêu khăn rằn, văn hóa khăn rằn, như người đẹp Huỳnh Thúy Vi, Phan Lê Kim Ngọc… Họ là những người trẻ yêu văn hóa khăn rằn, chung tay làm nên sức sống cho khăn rằn.

Hướng về tương lai, chúng ta có đủ niềm tin, hy vọng rằng, văn hóa khăn rằn sẽ đi mãi cùng năm tháng, sẽ mãi là bạn đồng hành, là “mối duyên” không bao giờ phai nhạt với đất và người phương Nam.

* Xin cám ơn ông!

ĐĂNG HUỲNH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết