14/12/2011 - 09:28

Khai mạc phiên họp thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Sáng 13-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ tư (từ 13-16/12). Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau của các dự án Luật: Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Phòng, chống rửa tiền; Bảo hiểm tiền gửi; Bộ luật lao động (sửa đổi); Giá; Tài nguyên nước (sửa đổi). Hai pháp lệnh được cho ý kiến tại phiên họp này là: Pháp lệnh pháp điển hệ thống pháp luật và Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật. Liên quan đến hoạt động giám sát, UBTVQH sẽ thực hiện hai giám sát chuyên đề: Việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu. UBTVQH sẽ xem xét, quyết định phương án phân bổ 2.097 tỉ đồng vốn đầu tư cho các dự án, công trình cấp bách và 820 tỉ đồng vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch của các địa phương...

Nội dung mở đầu phiên họp thứ tư của UBTVQH là đánh giá kết quả kỳ họp thứ hai và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII. UBTVQH cơ bản nhất trí: Với công tác chuẩn bị chu đáo, đổi mới, tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, dân chủ, trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra trong kỳ họp thứ hai. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã có những cải tiến trong việc chuẩn bị kỳ họp, điều hành các phiên họp, bảo đảm phát huy trí tuệ tập thể, tinh thần trách nhiệm của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và từng đại biểu. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được cải tiến, đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, thu hút sự quan tâm của cử tri, dư luận xã hội và nhân dân cả nước. Các phiên chất vấn thực sự dân chủ, thẳng thắn nhưng không căng thẳng, thể hiện tinh thần xây dựng, vì lợi ích chung; tính tranh luận, đối thoại cao hơn...

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh yêu cầu đặt chất lượng lên trên số lượng đối với tất cả những nội dung trình Quốc hội. Để đạt được yêu cầu này, quan trọng nhất là công tác chuẩn bị, cần đảm bảo các yếu tố: Đúng thời gian quy định của pháp luật; quy trình làm việc của các cơ quan chuẩn bị, cơ quan thẩm tra, UBTVQH... Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ theo chương trình, bố trí việc cho ý kiến, chuẩn bị báo cáo, gửi báo cáo đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng; không để tình trạng gửi, trình văn bản sát ngày, giờ; dứt khoát không trình những dự án, tờ trình không đảm bảo thời gian, chuẩn bị vội vàng, gấp gáp. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Hội đồng dân tộc, các UB của Quốc hội tích cực, chuyên nghiệp, khẩn trương hơn nữa trong công tác chuyên môn, kết nối với các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, chuyên gia trong quá trình thẩm tra, cho ý kiến, thu hút những đề xuất, phân tích sâu sắc, chất lượng, tham mưu cho Quốc hội.

Báo cáo UBTVQH về một số vấn đề để tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh quan điểm: Mặc dù thu nhập từ thuế thuốc lá hàng chục ngàn tỉ cũng khó có thể bù đắp những thiệt hại về sức khỏe và tính mạng của người dân. Ban hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá là giải pháp vừa tăng ngân sách (do tăng thuế thuốc lá) vừa bảo vệ được sức khỏe của nhân dân và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất và trồng thuốc lá.

UBTVQH cơ bản nhất trí với những vấn đề về tính khả thi của dự án Luật; về in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá; xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá. Riêng vấn đề Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá còn ý kiến khác nhau. Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đồng tình với ý kiến không thành lập Quỹ vì lo ngại việc hình thành nhiều quỹ, chia cắt ngân sách, khó bảo đảm tính công khai, minh bạch về tài chính.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Chính phủ giải trình rõ thêm mục đích sử dụng của Quỹ, cơ chế quản lý tốt, đảm bảo minh bạch, rõ ràng để sử dụng có hiệu quả. Vấn đề này sẽ được tiếp thu, giải trình để Quốc hội quyết định.

Chiều 13-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII (UBTVQH) tiếp tục phiên họp thứ 4 thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND).

THANH HÒA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết