18/01/2010 - 21:53

Khai mạc phiên họp 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII

Sáng 18-1, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, trong hai ngày 18-19/1, UBTVQH sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn của các dự án Luật: trọng tài thương mại; thi hành án hình sự; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; an toàn thực phẩm; bưu chính; người khuyết tật.

Báo cáo do Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba trình bày nêu rõ 6 vấn đề lớn xin ý kiến UBTVQH dự thảo Luật trọng tài thương mại về: Phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài thương mại; tiêu chuẩn Trọng tài viên; Trọng tài có yếu tố nước ngoài; thẩm quyền của Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Đăng ký phán quyết Trọng tài vụ việc; Thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài thu thập chứng cứ và Tòa án hỗ trợ Hội đồng Trọng tài thu thập chứng cứ. Các ủy viên UBTVQH và đại biểu dự họp cơ bản nhất trí với những vấn đề nêu trong báo cáo của UB Tư pháp, đồng thời cũng mở rộng thêm một số ý cho việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật.

Các ý kiến đều tán thành với phương án 1 của Dự thảo Luật về phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài thương mại. Theo đó, Trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại, tranh chấp phát sinh giữa các bên, trong đó ít nhất một bên liên quan đến hoạt động thương mại và tranh chấp giữa các bên phát sinh không từ hoạt động thương mại nhưng được quy định ở các luật khác. Lý do là hiện nay, khái niệm “hoạt động thương mại” hiện đã được mở rộng phạm vi, mặt khác cũng để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của pháp luật. Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý: Hoạt động trọng tài là hoạt động còn mới, chưa phổ biến, thực tế giải quyết các vụ việc còn chưa nhiều; hiệu lực, hiệu quả chưa thực sự cao, do đó cũng cần căn cứ thực tế để quy định phù hợp. Xử lý các tranh chấp thông qua các thiết chế phi tòa án, nhấn mạnh yếu tố hòa giải... là hướng cần ủng hộ, tuy nhiên, trao thẩm quyền đến đâu cũng cần căn cứ vào thực lực. Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng đặt vấn đề: Những tranh chấp trong hợp đồng dân sự khác khi các bên thỏa thuận phương thức giải quyết là thông qua trọng tài thì có được phép không, trình tự, thủ tục như thế nào ?

Việc quy định cụ thể tiêu chuẩn trọng tài viên cũng nhận được sự đồng tình, cho rằng như vậy là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và giúp cho việc quản lý nhà nước được về trọng tài được chặt chẽ. Mặt khác việc này là nhằm tăng thêm uy tín và độ tin cậy của khách hàng đối với Trọng tài viên và các tổ chức trọng tài. Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần cân nhắc thận trọng, bàn kỹ thêm về việc giao thẩm quyền cho Hội đồng Trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

UBTVQH đã xem xét về việc bổ sung dự án Luật đầu tư công và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 về công trình, dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010.

Thẩm tra của UB Pháp luật tán thành với việc bổ sung dự án Luật đầu tư công vào Chương trình nhằm điều chỉnh các hoạt động liên quan đến việc đầu tư ngân sách nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, tăng cường quản lý, chống thất thoát, lãng phí trong việc sử dụng vốn nhà nước.

THANH HÒA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết