25/08/2020 - 10:19

Khắc phục sạt lở ở Thốt Nốt 

Gần đây, tình trạng sạt lở trên địa bàn quận Thốt Nốt diễn ra ngày càng phức tạp, gây thiệt hại nhiều tuyến đường giao thông, ảnh hưởng đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân. Quận Thốt Nốt nỗ lực khắc phục sạt lở và rất cần sự hỗ trợ từ các ngành, các cấp của TP Cần Thơ và Trung ương.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (bên trái, hàng đầu) cùng đoàn công tác khảo sát tình trạng sạt lở ở cù lao Tân Lộc và tìm giải pháp khắc phục.

Hiểm họa sạt lở

Chỉ tay về hướng khu vực đầu cù lao Tân Lộc, ông Trương Tiến Lực, Trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, cho biết: “Trước đây, đầu cù lao Tân Lộc cách điểm hiện tại khoảng 1km. Nhưng do sạt lở, điểm đầu cù lao cứ lấn dần vào đất liền, nhiều ao nuôi cá tra, đất sản xuất nông nghiệp của người dân trôi xuống sông Hậu và tình trạng này tiếp tục diễn ra cho đến nay”.

Cù lao Tân Lộc có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng, với tổng chiều dài 6,23km, làm mất dần diện tích đất, ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất, tài sản và tính mạng của người dân. Trong đó, nghiêm trọng nhất là điểm sạt lở tại đầu cù lao thuộc khu vực Long Châu chiều dài 4km, làm sạt hoàn toàn 6,05ha đất của 15 hộ dân nuôi cá tra, 3 hộ có đất trồng cây ăn trái và nhiều nhà cửa của người dân trong khu vực. Ðiểm sạt lở này vẫn đang diễn ra và được xác định mỗi năm xói lở lấn sâu vào đất liền khoảng 7m. Còn điểm sạt lở tại khu vực Tân An có chiều dài 2km, đe dọa sạt lở nhà cửa của 8 hộ dân và 20 ao nuôi cá tại khu vực. Ðiểm sạt lở khu vực Ðông Bình có chiều dài 550m, ăn sâu vào đất liền 10m, làm sụp hoàn toàn 3.000m2 đất sản xuất nông nghiệp và 100m đường giao thông nông thôn… Tình trạng sạt lở tại các khu vực trên tiếp tục diễn ra.

Ông Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, cho biết: Có 3 nguyên nhân gây sạt lở ở cù lao Tân Lộc là do cát dưới đáy sông bị mất cân bằng, dòng chảy thay đổi và các hoạt động khai thác cát của con người. Theo tính toán của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, trung bình mỗi năm sạt lở làm mất từ  1-1,2ha đất ở cù lao Tân Lộc, khiến diện tích của cù lao ngày càng thu hẹp dần và tác động mất đất này ngày càng thấy rõ ở khu vực đầu cù lao.

Giải pháp khắc phục

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, hiện tượng sạt lở ở cù lao Tân Lộc cũng như những cù lao khác ở ÐBSCL, khác so với sạt lở trong đất liền. Theo đó, các cù lao trên sông được hình thành do quá trình kiến tạo của dòng sông, một khi bị sạt lở, rất khó để trở lại hình dáng ban đầu. Vì vậy, việc bảo vệ các cù lao ở ÐBSCL, trong đó có cù lao Tân Lộc trước nguy cơ sạt lở là hết sức cần thiết và cấp bách để bảo vệ tài nguyên của đất nước. Ông Nguyễn Nghĩa Hùng cho biết: “Nếu không có giải pháp chủ động bảo vệ ngay từ bây giờ thì sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Khi cù lao mất đi, chúng ta sẽ không khôi phục được và sẽ không còn được ngắm nhìn cảnh quan đặc sắc ở cù lao cũng như cơ hội phát triển trong tương lai của các cồn…”.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định tình hình sạt lở tại cù lao Tân Lộc nghiêm trọng và sẽ tiếp tục diễn ra nếu không có giải pháp hạn chế. Viện sẵn sàng phối hợp cùng thành phố khảo sát, xây dựng các công trình ứng phó, hạn chế sạt lở tại cù lao Tân Lộc.

Theo UBND quận Thốt Nốt, trên địa bàn quận còn có 38 điểm có nguy cơ sạt lở cao, với tổng chiều dài trên 12km, trong đó có 266 căn nhà có nguy cơ bị ảnh hưởng, cần di dời đến nơi an toàn… Hiện nay, quận Thốt Nốt tăng cường công tác phòng chống sạt lở, thiên tai theo phương châm “Bốn tại chỗ” và “Ba sẵn sàng”; nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống thiên tai, nhằm hạn chế và giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Ông Võ Văn Tân, Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, cho biết: “Thốt Nốt là một trong những địa phương của TP Cần Thơ chịu ảnh hưởng nặng nề của sạt lở. Do đó, khắc phục sạt lở bờ sông, kênh, rạch bằng dự án, công trình kiên cố là giải pháp hữu hiệu, rất cần sự hỗ trợ của thành phố và bộ, ngành Trung ương”.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng yêu cầu địa phương tăng cường giải pháp hạn chế sạt lở, vận động người dân di dời đến nơi ở an toàn… Chi cục Thủy lợi thành phố phối hợp quận Thốt Nốt, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khảo sát toàn tuyến bờ của cù lao Tân Lộc, xác định khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở để tìm ra nguyên nhân. Từ đó xây dựng kế hoạch, giải pháp hạn chế sạt lở, trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt. Thành phố sẽ tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ của bộ, ngành Trung ương để thực hiện công trình chống sạt lở cho cù lao Tân Lộc.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

TIN LIÊN QUAN
Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Cù lao Tân Lộc