31/05/2014 - 20:43

Kêu gọi dư luận quốc tế lên án hành động vi phạm pháp luật quốc tế của nhà cầm quyền Trung Quốc

Nguyễn Lan Hương
(Giảng viên Bộ môn Luật hành chính, Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ)

Tôi phản đối hành động hạ đặt giàn khoan nước sâu của phía Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động này của phía Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng đến chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia của nước ta. Mặt khác, về cách thức giải quyết xung đột, theo quy định của luật quốc tế thì đối với những tranh chấp giữa hai quốc gia có chủ quyền thì việc giải quyết phải thông qua thương lượng, tức bằng con đường hòa bình và trên cơ sở pháp luật quốc tế. Hai bên phải kiềm chế và tránh gây nguy hiểm cho nhau trong quá trình giải quyết tranh chấp. Nhưng, những ngày qua, nhà chức trách của Trung Quốc đã xem thường nguyên tắc này khi ngang nhiên cho phép và hộ tống một công ty nhà nước của Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng tranh chấp và tấn công cảnh sát biển của Việt Nam khi lực lượng này thực thi pháp luật. Bên cạnh các công ước quốc tế khác, Công ước Luật biển được xem là Hiến chương của nhân loại về vấn đề biển; có hơn 164 quốc gia đã tham gia Công ước, trong đó có Trung Quốc. Do đó, đề nghị Trung Quốc tôn trọng pháp luật quốc tế, Công ước quốc tế về Luật Biển và các thỏa thuận song phương đã ký với Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp về Biển Đông.

Đảng và Nhà nước ta đang đi đúng hướng để giải quyết vấn đề với phương châm bình tĩnh, kiên định, toàn diện, phối hợp và sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia. Song, không vì thế mà cho phép nước khác coi thường luật pháp quốc tế ngang nhiên xâm phạm chủ quyền quốc gia của nước ta. Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu vấn đề Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua ở Myanmar là một trong những tuyên bố chính thức của Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Cảnh sát biển và các lực lượng thực thi pháp luật của nước ta kiên trì đấu tranh với phía Trung Quốc để đẩy lùi sự xâm phạm của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ngăn chặn các hành động leo thang tiếp theo.

Vấn đề giải quyết tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông không phải là vấn đề mới nảy sinh. Trung Quốc không chỉ tranh chấp về Biển Đông với Việt Nam mà còn với các quốc gia khác trong khu vực. Việc liên kết, phối hợp giữa các quốc gia với nhau là cần thiết. Philippines đang kiện Trung Quốc liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông ra tòa án quốc tế cũng là một vấn đề để Nhà nước ta xem xét. Việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc cũng cần tính đến việc giảm dần sự phụ thuộc về kinh tế của nước ta đối với Trung Quốc, tăng cường nội lực trên cả bình diện quốc phòng và kinh tế, đẩy mạnh việc thông tin cho nhân dân thế giới và kêu gọi dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ hành động vi phạm pháp luật quốc tế của nhà cầm quyền Trung Quốc. Trên các phương tiện truyền thông của nước ta, Nhà nước cũng khẳng định rõ chúng ta phản đối hành động xâm phạm của nhà cầm quyền Trung Quốc đến vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, chúng ta không chống lại nhân dân Trung Quốc. Việc làm này nhằm ngăn chặn hành động quá khích hoặc lợi dụng tình hình để trục lợi cá nhân hoặc gây mất ổn định trật tự xã hội, gây tâm lý bất ổn cho các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Nguyễn Lan Hương (Giảng viên Bộ môn Luật hành chính, Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết