Thời gian qua, các cấp Hội LHPN trên địa bàn TP Cần Thơ tích cực triển khai nhiều giải pháp kết nối, giải quyết việc làm cho hội viên, phụ nữ. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc xây dựng các mô hình sinh kế, thành lập các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX)...
.webp)
Lãnh đạo Hội LHPN quận Bình Thủy thăm hỏi tình hình sản xuất của các thành viên THT may gia công tại phường Thới An Đông.
Năm 2014, chị Nguyễn Thị Bé Ba, ngụ khu vực Thới Thạnh, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy tham gia lớp nghề may căn bản do Hội LHPN phường phối hợp tổ chức. Khi vững tay nghề, chị xin vào làm việc tại công ty may trên địa bàn. Chị Bé Ba tâm sự: “Sau thời gian đi làm thuê, tôi tìm được đầu mối nhận hàng gia công với số lượng hàng ổn định. Năm 2016, tôi mạnh dạn đầu tư máy móc, vật liệu để mở cơ sở may gia công tại gia đình”. Để làm ra một sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn, như cắt vải, vắt sổ, se lai… cần nhiều nhân công, nên chị đã huy động thêm thợ may tại địa phương. Nhờ vậy, chị đã tạo việc làm cho nhiều chị em có thời gian nhàn rỗi hoặc đang nuôi con nhỏ có thêm thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt.
Nhận thấy mô hình may gia công góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ tại địa phương, năm 2017, Hội LHPN phường Thới An Đông đã thành lập THT may gia công do chị Bé Ba làm tổ trưởng. Khi THT thành lập, chị Bé Ba được Hội LHPN phường hỗ trợ, giới thiệu cho vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư thêm máy may công nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất. Trung bình, mỗi tháng THT nhận gia công từ 3.000-6.000 bộ quần áo, chủ yếu là đồ thể thao, đồng phục công nhân... Hiện nay, THT may gia công đang nhận dạy nghề miễn phí và tạo việc làm thường xuyên cho 7-20 lao động nữ địa phương. Đơn cử như chị Phan Thị Ngọc Hân, ngụ khu vực Thới Thạnh, trước đây chỉ làm nội trợ trong gia đình. Từ khi THT may gia công đi vào hoạt động, chị Hân đến học nghề và nhận hàng gia công. Nhờ may giỏi nên mỗi tháng, chị có thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng. Theo chị Hân, so với làm việc tại các công ty, doanh nghiệp thì làm việc tại THT, mọi người không cảm thấy bị áp lực về thời gian và năng suất lao động. Các chị em làm theo khả năng, thu nhập tính theo sản phẩm. Vì thế, chị em bận con nhỏ có thể sắp xếp thời gian hợp lý để bảo đảm mức thu nhập trung bình từ 2,5-2,7 triệu đồng/người/tháng, vừa chăm sóc tốt cho gia đình. Theo nhiều hội viên phụ nữ, nghề may gia công có lợi thế dễ học, dễ làm và thuận tiện sắp xếp thời gian chăm lo cho gia đình nên thu hút nhiều chị em tham gia. Từ sự đồng hành của các cấp Hội LHPN, trên địa bàn thành phố hiện có hàng chục cơ sở may gia công đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nữ.
Các cấp Hội LHPN thành phố còn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, thành lập nhiều mô hình THT, HTX, tổ phụ nữ liên kết sản xuất để tạo thêm cơ hội học nghề, việc làm cho hội viên, phụ nữ. Toàn thành phố có 9 HTX, 145 THT và nhiều mô hình phát triển kinh tế do các cấp Hội phụ nữ quản lý đang hoạt động hiệu quả, như đan ráp lú, trồng màu, gia công sản phẩm lục bình, gia công hạt điều, đan ghế nhựa, may giày da... Hoạt động của các mô hình kinh tế từng bước phát huy tính tự chủ, kết nối sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động nữ. Thực hiện Ðề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025” của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội LHPN thành phố còn nỗ lực tuyên truyền, triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp một cách bài bản. Hội LHPN các cấp trong thành phố đã xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai nhiều hoạt động tiếp sức cho các mô hình kinh tế do phụ nữ thực hiện, như hỗ trợ vốn vay; tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ; tạo sân chơi để chị em học tập kinh nghiệm, kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Các cấp Hội vận động chị em tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP; hỗ trợ kết nối quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh… Hiện nay, các cấp Hội đang hỗ trợ cho hàng ngàn hội viên phụ nữ vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Cần Thơ với tổng số dư nợ trên 8 tỉ đồng; giúp trên 43.000 hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế gia đình...
Bài, ảnh: Kiến Quốc