18/04/2018 - 22:27

Kết nối tăng cường hợp tác Nhật Bản - khu vực ĐBSCL 

Tại phiên khai mạc, trong bài phát biểu đại diện lãnh đạo giữa Nhật Bản và Việt Nam gồm: Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống đã thể hiện sự kỳ vọng vào tiềm năng hợp tác trong tương lai giữa Nhật Bản - Khu vực ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Phóng viên Báo Cần Thơ lược ghi những phát biểu quan trọng này tại hội nghị.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Khu vực ĐBSCL cần sáng tạo để giới thiệu tốt về tiềm năng hợp tác của địa phương

Chính phủ Việt Nam đặt kỳ vọng rất nhiều vào tiềm năng và triển vọng phát triển kinh tế nông nghiệp của ĐBSCL, đồng thời cũng rất lo ngại trước những tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu đối với khu vực này. Để khai thác một cách hiệu quả hơn nữa lợi thế, đồng thời có đối sách phù hợp với biến đổi khí hậu, bên cạnh những nỗ lực của mình, các địa phương khu vực ĐBSCL mong muốn hợp tác và học hỏi với bạn bè và đối tác quốc tế, trong đó Nhật Bản là người bạn thân thiết và đối tác quan trọng nhất. Cùng với sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt - Nhật, quan hệ giữa các địa phương ĐBSCL với Nhật Bản trong những năm qua cũng đã có những bước tiến rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, thực tế hợp tác hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai bên. Với khả năng bổ sung tốt cho nhau, tôi tin tưởng rằng chúng ta có rất nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực hạ tầng, nông nghiệp, giáo dục, y tế, hợp tác nguồn nhân lực và ứng phó với biến đổi khí hậu… Tôi có thể khẳng định, Chính phủ Việt Nam và các địa phương khu vực ĐBSCL luôn hoan nghênh, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để địa phương, các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác nhiều mặt, cùng có lợi tại khu vực này.

Hội nghị này là cơ hội quý giá, khi mà đại diện cao nhất của tất cả các cơ quan đại diện của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đều có mặt ở đây để cùng đối thoại với lãnh đạo tất cả chính quyền và các sở, ngành của cả 13 địa phương ĐBSCL. Hy vọng, sau hội nghị nhiều địa phương và doanh nghiệp của khu vực ĐBSCL sẽ tìm được cơ hội hợp tác, cùng đó nhiều ý tưởng hợp tác sẽ được hình thành và đưa vào triển khai trong thực tế.

Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao: Phát triển quan hệ tốt đẹp giữa Nhật Bản - Việt Nam để đẩy mạnh thu hút đầu tư

Quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng” Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển hết sức tốt đẹp. Nhật Bản là đối tác hợp tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Đứng thứ nhất về viện trợ ODA, thứ hai về đầu tư FDI, thứ ba về du lịch và thứ tư trao đổi thương mại. Trên cơ sở những tiềm năng tốt đẹp trên, hợp tác cấp độ địa phương giữa hai nước cũng đang trên đà phát triển sôi động, thu hút sự tham gia của nhiều đối tác, đặc biệt là thiết lập 35 cặp hợp tác giữa các tỉnh/thành của hai bên. Triển khai thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, trong những năm qua, Bộ Ngoại giao luôn chủ động, tích cực đồng hành, hỗ trợ các địa phương Việt Nam mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, giao lưu với các địa phương và đối tác Nhật Bản, nhất là thông qua các chương trình, dự án thiết thực như hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản” được Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Nhật Bản và các cơ quan đại diện Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp tổ chức định kỳ, lần lượt tại các vùng miền trên cả nước. Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản” lần này được tổ chức tại TP Cần Thơ nhằm tạo điều kiện thúc đẩy kết nối hợp tác giữa các địa phương khu vực ĐBSCL với các đối tác Nhật Bản.

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: TP Cần Thơ đang nỗ lực để xác định vị trí trung tâm vùng ĐBSCL

Xác định Nhật Bản là một trong những đối tác chiến lược, TP Cần Thơ đã nỗ lực hành động để chào đón đối tác này. TP Cần Thơ đang xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản để mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Cần Thơ. Lãnh đạo thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy nhanh các thủ tục đầu tư tiếp cận nguồn vốn ODA của chính phủ Nhật Bản, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản. Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước đưa TP Cần Thơ trở thành một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh và tăng cường hợp tác quốc tế. Nhằm thúc đẩy hợp tác, mời gọi đầu tư, năm 2017, TP Cần Thơ đã tổ chức 2 chuyến công tác sang Nhật Bản, kết quả đã tạo nền tảng cho việc phát triển quan hệ hợp tác đối ngoại nhân dân theo chiều sâu.

Trong năm 2017, TP Cần Thơ cũng đã thành lập Tổ công tác Nhật Bản (gọi tắt là Japan Desk), Văn phòng thường trực Japan Desk đặt tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm TP Cần Thơ, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đến TP Cần Thơ tìm hiểu và đầu tư cũng như các doanh nghiệp đang đầu tư tại thành phố. Trong tháng 3-2018, Trường Cao đẳng Kinh tế  Kỹ thuật Cần Thơ cũng đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Công ty VAIO (Nhật Bản) trong các lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo tiếng Nhật và xây dựng Nông trang kiểu mẫu. Dự kiến trong tháng 6-2018, TP Cần Thơ sẽ tổ chức đoàn đến thăm và làm việc với TP Tokyo và tỉnh Niigata và tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư và kết nối giao thương tại Tokyo và giao lưu hữu nghị với Hội Hữu nghị Nhật - Việt vùng Kansai, TP Sakai. Tháng 9-2018, Cần Thơ sẽ đến tham dự Lễ kỷ niệm 150 năm thành lập tỉnh Hyogo tại TP Kobe.

Ông Umeda kunio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam: Nhà đầu tư Nhật Bản đang hướng đến vùng ĐBSCL

Chúng tôi rất vui mừng khi Việt Nam lựa chọn Nhật Bản là đối tác chiến lược. Mối quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản đang trong giai đoạn tốt đẹp nhất. Hiện nay mối quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản đang hướng về ĐBSCL. Trong năm 2017, giữa Việt Nam - Nhật Bản có 14 ký kết, trong đó có 6 ký kết giữa Nhật Bản và ĐBSCL. Không chỉ vậy, số thành viên hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã vượt qua một số quốc gia trong cùng khu vực, như Thái Lan, vượt lên đứng số 1 Đông Nam Á.

Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã giới thiệu cho chúng tôi các đặc trưng, thế mạnh của địa phương, để chúng tôi hiểu hơn về khu vực này từ đó xây dựng chiến lược hợp tác trong tương lai. Thông qua các cuộc hội đàm, chúng tôi thấy rằng doanh nghiệp Nhật Bản rất mong muốn đầu tư vào Việt Nam; cùng đó ngày càng nhiều người Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm du lịch. Tuy nhiên, so với nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam, tại khu vực ĐBSCL doanh nghiệp Nhật Bản còn khiêm tốn. Do vậy, hy vọng hội nghị lần này sẽ giúp cho lãnh đạo địa phương, nhà đầu tư Nhật Bản hiểu hơn và thúc đẩy hợp tác đầu tư trong thời gian tới.

Nam Hương - Tuyết Trinh

Chia sẻ bài viết