Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đã đồng ý cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến Kazakhstan theo yêu cầu của tổng thống nước này nhằm giúp kiềm chế tình hình bất ổn tồi tệ nhất trong một thập niên qua.
“Theo đề nghị của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev và trước mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và chủ quyền của Cộng hòa Kazakhstan, nhằm loại bỏ sự can thiệp từ bên ngoài. Căn cứ theo Ðiều 4 của Hiệp ước an ninh tập thể, CSTO đã thông qua quyết định gửi các lực lượng gìn giữ hòa bình tập thể tới Kazakhstan trong một thời gian giới hạn để ổn định và bình thường hóa tình hình ở nước này”, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Chủ tịch luân phiên Hội đồng Tối cao CSTO, tuyên bố hôm 6-1. CSTO do Mát-xcơ-va dẫn đầu có 6 quốc gia thành viên gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.

Tòa thị chính thành phố Almaty bốc cháy do bị người biểu tình phóng hỏa. Ảnh: CNN
Quyết định trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Tokayev yêu cầu các đồng minh giúp đỡ trong bối cảnh bạo lực bao trùm Kazakhstan. Các cuộc biểu tình nổ ra từ cuối tuần trước sau khi giá khí hóa lỏng (LPG) tăng mạnh do chính phủ chấm dứt kiểm soát giá. Mặc dù ông Tokayev đã đồng ý tạm thời khôi phục chính sách và làm theo những yêu cầu khác của người biểu tình, các cuộc tuần hành ngày càng dữ dội hơn và bùng phát thành bạo loạn khắp cả nước. Một số kẻ bạo loạn đã cướp phá các cơ sở quân sự, tấn công lực lượng an ninh.
Almaty, thành phố lớn nhất Kazakhstan, là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các cửa hàng và máy ATM bị cướp phá, dinh tổng thống cũ bị phóng hỏa. Bộ phận truyền thông của sân bay quốc tế Almaty cho biết “khoảng 45 người đã đột nhập vào sân bay tối 4-1. Lực lượng chức năng sau đó giành lại phi trường Almaty. Theo Bộ Nội vụ Kazakhstan, ít nhất 8 cảnh sát và vệ binh quốc gia thiệt mạng cùng 317 người bị thương trong các cuộc đụng độ ở nhiều khu vực. Ngoài ra, hơn 200 người liên quan biểu tình đã bị bắt. Cảnh sát cho rằng hàng chục kẻ quá khích đã bị tiêu diệt. Cùng ngày, Ngân hàng Quốc gia Kazakhstan thông báo đình chỉ hoạt động của tất cả các tổ chức tài chính trên cả nước, trong khi một loạt trang web của chính phủ bị sập.
Ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc
Trước tình hình trên, Chính phủ Kazakhstan hôm 5-1 đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, có hiệu lực đến ngày 19-1. Theo đó, 3 thành phố lớn và 14 khu vực sẽ chịu hạn chế di chuyển trong thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp. Lệnh này cũng dành cho chính phủ thêm một số quyền hạn như đưa ra hình phạt nghiêm khắc hơn và án tù dài hơn cho những kẻ vi phạm pháp luật.
Cùng ngày, Tổng thống Tokayev thông báo ông đã tiếp quản vị trí Chủ tịch Hội đồng An ninh từ nhà lãnh đạo kỳ cựu Nursultan Nazarbayev, nhân vật cũng là mục tiêu trút giận của hàng ngàn người biểu tình. Cựu Tổng thống Nazarbayev, 82 tuổi và từng lãnh đạo đất nước 29 năm, đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra, khiến ông Tokayev phải chấp nhận để chính phủ từ chức trước đó. Tuy nhiên, Chính phủ Kazakhstan sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình cho tới khi nội các mới được thành lập. Cũng theo Sắc lệnh Tổng thống, ông Smailov Alikhan Askhanovich sẽ đảm nhận vai trò Thủ tướng lâm thời của Kazakhstan.
Chính phủ Kazakhstan từ năm 2019 bắt đầu giảm trợ cấp LPG và chấm dứt mọi khoản trợ giá từ đầu năm nay. Ngay lập tức, giá LPG ở nhiều nơi tăng gấp đôi, từ 0,14USD lên 0,28USD mỗi lít. Ðể xoa dịu tình hình, Chính phủ Kazakhstan hôm 4-1 đã giảm giá LPG tại vùng Mangystau thuộc miền Tây, nơi 70-90% xe hơi chạy bằng loại nhiên liệu này, xuống còn 0,11USD mỗi lít. Kazakhstan hiện là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất Trung Á.
Nước ngoài “giật dây”?
Mỹ đã phủ nhận liên quan tình hình bạo loạn ở Kazakhstan, khẳng định Washington không xúi giục bất ổn tại đây.
“Có một số tuyên bố ở Nga rằng Mỹ đứng sau làn sóng biểu tình tại Kazakhstan, do vậy hãy để tôi nhân dịp này khẳng định rằng điều đó hoàn toàn sai sự thật. Rõ ràng đây là một phần chiến thuật phát tán thông tin sai lệch của Nga”, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nói hôm 5-1, nhưng không nêu đích danh người cáo buộc Mỹ can dự vào Kazakhstan. Theo bà, Mỹ đang theo dõi sát diễn biến ở Kazakhstan, ủng hộ những lời kêu gọi cho phép người dân bày tỏ ý kiến hòa bình và kêu gọi Chính phủ Kazakhstan hành động kiềm chế.
Trước đó, Ðiện Kremlin cảnh báo nguy cơ nước ngoài can thiệp vào đụng độ ở Kazakhstan, trong khi Tổng thống Kazakhstan cho rằng người biểu tình đang “phá hoại hệ thống nhà nước” và “nhiều tên khủng bố trong số này được huấn luyện quân sự tại nước ngoài”.
Kazakhstan là quốc gia có diện tích lớn thứ 9 thế giới. Nga duy trì quan hệ chặt chẽ với đất nước 19 triệu dân này. Nga đang vận hành sân bay vũ trụ Baikonur tại Kazakhstan, nơi phóng tàu vũ trụ có người lái của họ, đồng thời tổ chức thử nghiệm tên lửa ở thao trường Sary Shagan của quốc gia Trung Á.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)