|
Sóng thần kinh hoàng và dịch vụ tìm người của Google. Ảnh: The Province và Google. |
Trận động đất ngoài khơi bờ biển Nhật Bản dẫn đến sóng thần hồi cuối tuần rồi, một lần nữa chứng tỏ Internet là một “đường cứu sinh” cực kỳ quan trọng cho thế giới khi có khủng hoảng. Các mạng xã hội cũng đã lập nên rất nhiều dịch vụ hỗ trợ hữu ích.
Khi những cơn sóng lớn tấn công vào bờ biển Nhật Bản sau trận động đất 8,9 độ Richter ở vị trí 130 km về phía Đông trên Thái Bình Dương, ngay lập tức một “cơn sóng” hình ảnh báo tin dữ này cũng đã tràn ngập trên Internet. Giống như trong phim về thảm họa của Hollywood, một cơn sóng lớn đã tràn vào từ biển, và một trong những đoạn video được chia sẻ và xem nhiều nhất là cảnh tượng nước từ từ nhấn chìm sân bay của thành phố Sendai. Cũng có cảnh những chiếc máy bay nhỏ và xe hơi nằm lẫn lộn trong đống đổ nát của các tòa nhà như hộp đồ chơi của một đứa trẻ nghịch ngợm. Một cảnh tượng khác trông giống như các bộ phận nhà máy được đúc sẵn trôi lềnh bềnh dưới cầu trong khi các tài xế đang cố tăng tốc xe hơi và xe tải của họ để chạy khỏi “vòng vây” của sóng.
Gần 5 triệu người đã truy cập vào trang chia sẻ video YouTube để xem một đoạn video không chỉnh sửa về cảnh cơn sóng dữ nhấn chìm bờ biển Nhật Bản. Nhiều đoạn video khác tương tự cũng đã thu hút 3-4 triệu lượt người xem. Hàng trăm người đã bày tỏ sự động viên và chia buồn khi xem những đoạn video này khắp các trang web và chia sẻ thông tin, từ mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook cho tới dịch vụ tiểu blog Twitter, cùng với những trang web địa phương tiếng Nhật.
Và Internet cũng đóng vai trò như một trung tâm xử lý khủng hoảng ảo khi các trang web như dịch vụ tìm người của Google giúp định vị người thân và giúp đỡ, hỗ trợ người sống sót. Khi nước rút bớt, nhiều người lo lắng đã “nhảy vào” máy tính để tìm thông tin về người thân không được nhắc đến kể từ khi các cơn sóng dữ tấn công bờ biển. Ngay sau trận động đất, Google đã nhanh chóng tung ra một phiên bản của dịch vụ People Finder (http://japan.person-finder.appspot.com/?lang=en). Công cụ này, cũng có thể được nhúng vào trang web phía thứ ba, cho phép người dùng tìm kiếm người thân hay đăng tải thông tin tìm người thân, và hỗ trợ cả tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Trung Quốc. Chỉ chưa đầy 2 ngày sau thảm họa, công cụ của Google đã ghi nhận 81.000 mẫu ghi của người dùng để lại lời nhắn tìm kiếm thông tin của bạn bè và người thân. Địa chỉ này liên tục được cập nhật bởi hàng trăm người cứ sau vài phút.
Google cũng đăng một đường liên kết dưới thanh tìm kiếm trên trang chủ, hướng người dùng đến một trang tài nguyên chung về động đất và sóng thần. Tại đây, người dùng sẽ tìm thấy các liên kết đến không chỉ ứng dụng People Finder mà còn nhiều tài nguyên cần thiết khác như các trang web của công ty hàng không và xe điện, công ty điện lực, bảng tin thiên tai từ các nhà mạng di động lớn, cơ quan khí tượng thủy văn, bản đồ, tin tức thời gian thực và cập nhật Twitter. Hội Chữ thập Đỏ Nhật Bản và quốc tế cũng thiết lập một trang web tương tự.
Dịch vụ tiểu blog Twitter và mạng xã hội Facebook cũng chứng tỏ được họ là một công cụ truyền thông không kém phần quan trọng. Các chủ đề hàng đầu trên Twitter thậm chí là ở Luân Đôn (Anh) vẫn được ngự trị bởi những từ liên quan như Fukushima, Tokyo, Japan, Sendai và NHK. Twitter cập nhật mỗi giây các thông tin về lời chia buồn và cứu trợ. Một dịch vụ mới đang được chia sẻ trên Twitter mang đến cho người dùng cơ hội góp quỹ từ thiện cho Hội Chữ thập Đỏ qua tin nhắn, số tiền đóng góp sẽ được cộng vào hóa đơn điện thoại. Facebook cũng thiết lập các trang mới như Japan Earthquake và Support Japan Earthquake, cho phép người dùng sử dụng cập nhật trạng thái và chức năng nhắn tin để nhận thông tin quan trọng về bạn bè và người thân.
KHÔI MINH (Theo AFP và Vnunet)