11/08/2019 - 09:17

Huyền thoại đồi Tức Dụp 

Hoài Phương

Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang vừa phối hợp Huyện ủy và UBND huyện Tri Tôn tổ chức hội thảo khoa học “Vùng đất Tri Tôn 180 năm hình thành và phát triển (1839-2019)”. Nhân dịp này xin giới thiệu về ngọn đồi Tức Dụp trên vùng đất Tri Tôn và sự anh dũng của một vị anh hùng tại ngọn đồi lịch sử.

Tức Dụp là đồi nằm trên dãy núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ngọn đồi không những chứa đựng những câu chuyện huyền thoại thú vị mà còn ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân vùng Bảy Núi. 

Đồi Tức Dụp cao 216 mét. Địa hình bên trong vô cùng hiểm trở và còn có tên là “Ngọn đồi hai triệu đô la”(*). Trong “Tìm hiểu đất Hậu Giang và Lịch sử đất An Giang”, nhà văn Sơn Nam đã viết: “Trận Tức Dụp có bằng cớ hùng hồn. Nhựt báo tiến bộ “Điện tín” đã dịch bài bình luận của báo Mỹ rồi đặt chữ tít “Một tỉ đô la một đỉnh đồi””. Ngày 17-11-1968 địch mở cuộc hành quân tổng lực đánh vào đồi Tức Dụp. Ý đồ của chúng là trong vòng một tuần lễ sẽ kiểm soát hoàn toàn nơi này nhưng kế hoạch bị phá sản. Thất bại, chúng quay sang dùng chất độc hóa học và nhiều loại vũ khí tối tân trút xuống ngọn đồi với ý đồ hủy diệt và biến đồi thành hoang địa. Nhưng cuộc đọ sức kéo dài suốt 128 ngày đêm mà chúng vẫn không cách nào xuyên thủng được tuyến phòng thủ của dân quân ta.

Với ý chí kiên cường bất khuất, lực lượng ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, hạ nhiều xe tăng, máy bay, thu hàng ngàn súng ống đủ loại. Trận Tức Dụp mở màn và kết thúc bằng sự thú nhận thất bại của địch.

***

Mỗi lần đến Tri Tôn tôi thường ghé thăm Đại tá Lê Văn Hai (ông còn có tên Lê Thành Cư - Hai Cư), một trong những chiến sĩ kiên cường từng chiến đấu giữ vững ngọn đồi Tức Dụp năm xưa. Ông là một trong những nhân chứng lịch sử đã kể lại cho chúng tôi nghe nhiều chuyện hào hùng và thấm đậm tình người, tình đồng đội.

Ông sinh năm 1934, thoát ly gia đình theo cách mạng từ năm 16 tuổi. Trong quá trình tham gia cách mạng, ông đã được phân công làm trinh sát Tiểu đoàn 284 tại Kiên Giang, sau đó trở về Tri Tôn tiếp tục chiến đấu tại Cô Tô. Năm 1956 ông công tác Đoàn ở xã An Hảo. Năm 1958 ông được kết nạp vào Đảng và nhận nhiệm vụ bí thư xã An Hảo cho đến năm 1960 thì chuyển về Huyện đội Tri Tôn, cùng anh em chiến đấu bảo vệ ngọn đồi Tức Dụp thuộc địa bàn Bảy Núi - An Giang. Tại đây, ông cùng với quân dân đánh tan nhiều trận càn ác liệt của địch, bảo vệ thành công căn cứ Tỉnh ủy, cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Với cương vị Huyện đội trưởng, ông luôn bình tĩnh và mưu trí trong tác chiến. Kỷ niệm sâu sắc và chiến công lẫy lừng nhất với ông là lần đội nữ pháo binh phục kích bắn trọng thương Trung tướng Eskar của địch bằng súng cối 60 ly. Ông cho biết, vào những thời điểm ác liệt nhất, tại đồi Tức Dụp trung bình mỗi ngày đêm diễn ra hàng chục trận đánh lớn nhỏ. Quân ta phải trải qua nhiều thử thách, giữa cái sống và cái chết chỉ kề nhau trong gang tấc nhưng không hề lùi bước. Không có gạo thì bộ đội dùng rau, cháo thay cơm. Thiếu cháo, thiếu khoai anh em đào rễ chanh nhai đỡ dạ, có khi bắt cua, ốc, ếch, nhái chim, chuột… để làm thức ăn. Nhiều lúc phải mò mẫm xuống giếng sâu múc từng bọc ni lông nước mang lên. Cảm động nhất là những lúc bị địch bao vây ráo riết, bà con phải giấu gạo hoặc cơm dưới đáy thúng, bên trên ngụy trang bằng một lớp phân bò. Có chị em lại dùng khăn mù xoa vắt cơm gởi vô cho chiến sĩ.

Đại tá Lê Văn Hai (Lê Thành Cư - Hai Cư) tại đồi Tức Dụp hôm nay.

Trong chiến đấu gian khổ, bộ đội chia nhau từng chén cơm, viên thuốc. Tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng quân dân ta lúc nào cũng hăng hái tạo thành những ngọn sóng bảo vệ căn cứ, làm rúng động cả đội quân xâm lược. Ông nhớ lại: Lúc bấy giờ Tức Dụp vẫn là nơi đi về để liên lạc, hội họp và làm việc của cán bộ và chiến sĩ. Nơi đây còn là điểm hẹn hò, kết hôn của nhiều thanh niên nam nữ. Nhiều lễ tuyên hôn được tổ chức ngay giữa lòng địa đạo, quà cưới chỉ có hoa rừng, vài gói thuốc, rổ khoai mì và vài con cá khô; mà tình cảm thật vô cùng sâu đậm. Mọi người vừa ăn mừng vừa ca hát:

“Trai thương vợ hăng say chiến đấu

Gái thương chồng ra sức đảm đang”.

Cuộc đời binh nghiệp đã trải qua muôn vàn gian khổ nhưng lúc nào ông cũng kiên cường vượt qua mưa bom, bão đạn, cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công, viết lên những trang sử để trở thành “Huyền thoại Tức Dụp” trên vùng Cô Tô - Bảy Núi. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông tiếp tục công tác cho đến ngày về hưu năm 1990. Với thành tích và công lao, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng I, Huân chương chiến công hạng I, Huân chương chiến sĩ vẻ vang và ngày 19-5-2011 ông vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân tại An Giang.

Ngày nay, mỗi lần gặp lại các đồng đội, Đại tá Lê Văn Hai thường tâm sự:  “Thời chống Mỹ, người dân vùng Bảy Núi đã cưu mang, đùm bọc bộ đội và chiến sĩ ta vượt qua nhiều cam go, thiếu thốn trăm bề. Tôi may mắn còn sống sót đứng đây nhìn quê hương đổi mới từng ngày. Tôi muốn nhắn nhủ thế hệ sau hãy ra sức học tập và xây dựng quê hương để khỏi phụ lòng sự hy sinh của thế hệ trước”.

Giờ đây, ngọn đồi Tức Dụp trở thành Di tích lịch sử cấp quốc gia, khách gần xa thường về thăm nơi đây. Đại tá Lê Văn Hai tuy tuổi đã 85 nhưng tinh thần vẫn còn minh mẫn. Ông sẵn sàng dẫn mọi người vào thăm những hang động, những hầm bí mật năm xưa. Đứng trước các miệng hang mà nhiều nhà viết sử coi là “Địa đạo Củ Chi trong lòng núi”, mọi người đều dâng lên niềm xúc động xen lẫn tự hào.

---------------------------

(*) Có giải thích “Ngọn đồi 2 triệu đô la” như sau: Mỹ ra cái giá 2 triệu USD tiền thưởng cho sĩ quan chỉ huy nếu như chiếm thành công Tức Dụp. (Theo Khánh Vân, http://giaoduc.net.vn, ngày 11-2-2019).

Tài liệu tham khảo:

1.UBND tỉnh An Giang, “Địa chí An Giang”, 2003.

2.Sơn Nam, “Tìm hiểu đất Hậu Giang và Lịch sử đất An Giang”, NXB Trẻ, 2009.

3.Võ Thành Phương, “Tìm hiểu An Giang xưa”, Văn nghệ An Giang, 1991.

Chia sẻ bài viết