Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Phong Điền lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra mục tiêu xây dựng và phát triển huyện Phong Điền theo hướng đô thị sinh thái văn minh, hiện đại, sáng, xanh, sạch, an toàn; là lá phổi xanh, trung tâm du lịch, địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của thành phố, phấn đấu đến năm 2020 phát triển huyện Phong Điền trở thành quận du lịch sinh thái. Những năm qua, hệ thống chính trị huyện Phong Điền tập trung lãnh đạo xây dựng nông thôn mới, tăng cường quảng bá du lịch, giao thương
Huyện ngoại thành từng bị bom đạn tàn phá trong chiến tranh ngày nay được hồi sinh mạnh mẽ, trù phú hơn qua hơn 40 năm kiến thiết, xây dựng đất nước, hòa nhịp cùng xu thế hội nhập quốc tế.
KHI ĐẤT CHUYỂN MÌNH
Ai đi xa ghé về thăm Phong Điền mới cảm nhận rõ sự khởi sắc của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Dòng sông Cần Thơ, Kênh Xáng Xà No chở nặng phù sa bồi đắp cho những vườn cây ăn trái Phong Điền quanh năm trĩu quả. Được mệnh danh là "Vương quốc trái cây", Phong Điền hiện có khoảng 30 điểm vườn du lịch sinh thái. Dọc theo tuyến Lộ Vòng Cung, du khách gần xa có thể thưởng thức nhiều loại trái ngon như: dâu Hạ Châu, măng cụt, chôm chôm... tại các vườn trái cây Giáo Dương, Khu du lịch Mỹ Khánh
Đến Khu du lịch sinh thái Lung Cột Cầu (ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa), du khách vừa tham quan cảnh sông nước hữu tình, vừa thưởng thức các loại trái ngon, trong đó nổi tiếng là giống sầu riêng cơm vàng hạt lép. Không chỉ có vậy, mô hình du lịch cộng đồng (homestay) cũng được phát triển mạnh; nổi bật là nhà vườn trồng và chế biến ca cao của ông Lâm Thế Cương, thường được gọi là Mười Cương (ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh) với diện tích hơn 12 công thu hút đông đảo khách du lịch muốn trải nghiệm quy trình sản xuất ca cao thủ công. Các loại hình du lịch trên đã thu hút hàng ngàn lượt khách ghé thăm Phong Điền mỗi năm, trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 15-20%, tổng doanh thu ước đạt khoảng 45 tỉ đồng/năm. Chỉ tính riêng trong năm 2015, có 563 ngàn lượt khách, khách quốc tế chiếm 10%, doanh thu đạt 50 tỉ đồng. Đó cũng chính là tín hiệu vui trong tiến trình phát triển của huyện Phong Điền trong thời gian qua.
Kể về sự đổi mới của huyện, ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, chia sẻ: "Những năm cuối thập niên 90, Phong Điền nổi tiếng với giống cam quýt nức tiếng gần xa. Đến năm 1997 trở về sau, do ảnh hưởng của dịch bệnh vàng lá gân xanh, vườn cây có múi bị suy thoái khiến cho nhiều nhà vườn lao đao, lận đận. Những ngày đầu khi thành lập huyện, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn, kinh tế vườn chưa phát triển.Vì thế, lãnh đạo huyện đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, phát triển những giống cây trồng chủ lực, có chất lượng cao, như: dâu Hạ Châu, nhãn, vú sữa,.., để thay thế cam, quýt". Ở vào thời điểm đó, khi bắt đầu có sự khởi sắc thì vùng đất Phong Điền lại đối mặt với khó khăn khi lũ lớn tràn về vào năm 2011, nhấn chìm gần 1.500 ha vườn cây ăn trái vừa được khôi phục. Trước những khó khăn thách thức, các cấp, các ngành huyện Phong Điền đã ra sức chung tay khôi phục vườn cây ăn trái. Chỉ tính riêng trong năm 2012, toàn huyện đã khôi phục gần 1.000 ha vườn. Đến nay, huyện đã khôi phục hơn 2.250 ha với các loại cây trồng mang tính chủ lực, nhiều tiềm năng thị trường và có giá trị kinh tế cao. Song song đó, Huyện ủy, UBND huyện còn tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất bền vững, đầu tư nạo vét trên 1,5 triệu m3 các tuyến kênh rạch; xây dựng trên 1.300 cống đập và khoảng 230km đê bao. Đến nay, trên 90% diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện được chống lũ vững chắc. Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, sản lượng trái cây tăng lên từng năm. Chỉ tính riêng trong năm 2015, sản lượng trái cây trên địa bàn huyện đạt trên 85.000 tấn với giá trị hơn 750 tỉ đồng. Trong chặng đường hội nhập, ngành Nông nghiệp huyện đã và đang thực hiện các giải pháp nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật cho nhà vườn, thực hiện giải pháp IPM trong phòng trừ dịch hại, tổ chức sản xuất theo quy trình an toàn (GAP) gắn với liên kết sản xuất để tạo ra những sản phẩm nông sản an toàn theo tiêu chuẩn chất lượng. Qua đó, đưa trái cây Phong Điền đến các thị trường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, thậm chí qua các nước láng giềng như Campuchia, Lào; đặc biệt, gắn liền với phát triển du lịch của địa phương.
Trên địa bàn huyện cũng đã hình thành những vùng sản xuất tập trung gắn với các hợp tác xã, tổ hợp tác,
Điển hình như HTX Dâu Hạ Châu Phong Điền. Được thành lập từ năm 2014, ban đầu, HTX chỉ có 13 thành viên tham gia với tổng diện tích trồng dâu khoảng 22-24 ha. Với nhiều xã viên nơi đây, lợi ích khi tham gia HTX chính là được chia sẻ kinh nghiệm trồng dâu, hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm, trợ giá, trợ giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Do đó, số xã viên những năm qua tăng lên, hiện có 23 thành viên, diện tích trồng dâu khoảng 600 ha. Bình quân mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 cây dâu giống. HTX còn là cầu nối chuyển giao khoa học kỹ thuật cho khoảng 1.000 hộ dân trồng dâu trên địa bàn huyện. Từ đó, thu nhập của các thành viên ngày càng nâng cao và ổn định hơn. Không riêng HTX này, trên địa bàn huyện còn nhiều HTX khác, như: HTX làm vườn Trường Thuận (xã Trường Long), HTX giống thủy sản Thuận Thiên (Giai Xuân) với các loại giống đặc sản; HTX chanh không hạt, HTX nhãn Vàm Xáng,
đang hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực trong việc xây dựng huyện Phong Điền nâng tầm đô thị sinh thái.
VỮNG TIN HỘI NHẬP
 |
Ông Trần Văn Liền giới thiệu giống dâu Hạ Châu đặc sản của huyện Phong Điền đến khách tham quan. Ảnh: THANH THƯ |
Phát huy tiềm năng và với sự đầu tư, hỗ trợ của các cấp, các ngành, nông dân Phong Điền càng thêm nỗ lực vượt khó, hăng hái lao động sản xuất, áp dụng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, vươn lên làm giàu chính đáng. Chỉ tính trong năm 2015, toàn huyện có 6.517 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu. Điển hình như gia đình ông Trần Văn Liền (ngụ tại ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền) với mô hình vườn ao kết hợp với du lịch sinh thái, mỗi năm tổng thu nhập trên 1 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí lãi trên 750 triệu đồng. Hộ ông Nguyễn Văn Đừng (ngụ tại ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa) với diện tích 1,2 ha trồng nhãn Edor mỗi năm cho thu nhập trên 600 triệu đồng. Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Nghiệp (ngụ tại ấp Nhơn Bình, xã Nhơn Ái) có diện tích 1,5 ha trồng 1.200 cây dâu Hạ Châu và 200 cây măng cụt, thu nhập trên 450 triệu đồng mỗi năm;
Theo ông Võ Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Du lịch huyện Phong Điền, với phương châm "Người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch", huyện cũng phối hợp với Dự án EU, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ tổ chức nhiều lớp tập huấn về du lịch có trách nhiệm cho các hộ kinh doanh du lịch; triển khai các chương trình cho vay KFW từ nguồn vốn của Cộng hòa Liên bang Đức đến các doanh nghiệp kinh doanh vừa và nhỏ để phát triển du lịch; tổ chức nhiều chuyến tham quan và các lớp tập huấn cho cán bộ ban ngành, đoàn thể và các hộ dân làm du lịch; khuyến khích nông dân trau dồi kỹ năng giao tiếp quốc tế
Với định hướng phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường, hiện UBND huyện Phong Điền đã ký biên bản ghi nhớ về "Hợp tác phát triển du lịch cộng đồng và xây dựng nông thôn mới" với Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Cần Thơ vào năm 2013. Với ký kết này, Trường Đại học Cần Thơ đưa nhiều đoàn chuyên gia, sinh viên quốc tế đến khảo sát, tìm nguồn đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp cho địa phương.
Trong tiến trình hội nhập, một trong những hoạt động lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm chính là công tác cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) tâm huyết, năng động, tận tụy phục vụ nhân dân. Phong Điền là một trong những địa phương đầu tiên của TP Cần Thơ hoàn thành việc ra mắt bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ứng dụng công nghệ thông tin (gọi tắt là Một cửa hiện đại) ở 100% các xã, thị trấn. Mỗi công chức ở bộ phận Một cửa đều được bố trí 1 bộ máy vi tính kết nối internet. Tất cả hệ thống máy tính đều được trang bị phần mềm quản lý hồ sơ công việc. Song song với đẩy mạnh cải cách hành chính, lãnh đạo huyện luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu công việc. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nội vụ tham mưu, ban hành một số văn bản để chiêu sinh, cử CBCCVC tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Sở Nội vụ TP Cần Thơ tổ chức, như: bồi dưỡng quản lý Nhà nước các ngạch, kỹ năng nắm bắt thông tin, kỹ năng lắng nghe và giao tiếp công dân, bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng,
Cụ thể, trong năm 2015, huyện đã cử 177 lượt CBCCVC tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng; trong đó, có 10 CBCCVC học thạc sĩ; 35 CBCCVC học lý luận chính trị trung cấp và cao cấp; 113 CBCCVC được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ;
Qua đó, trình độ của đa số CBCCVC được nâng lên, chất lượng, hiệu quả triển khai nhiệm vụ được nâng chất theo hướng khoa học hơn, rút ngắn thời gian thực hiện công tác nhiệm vụ.
* * *
Phát huy truyền thống cách mạng và những thành tựu đạt được, Đảng bộ và nhân dân huyện Phong Điền đã và đang nỗ lực để xây dựng, phát triển huyện nông thôn mới giàu đẹp, góp phần tích cực cùng các địa phương trong TP Cần Thơ vững bước trên con đường hội nhập quốc tế.
H. VÂN
Theo đồng chí Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới, huyện tập trung 2 khâu đột phá. Trong phát triển sản xuất, tạo tiền đề kinh tế và ổn định đời sống nhân dân, huyện đã xây dựng thành công các vườn cây ăn trái kiểu mẫu kết hợp với phát triển du lịch sinh thái với thu nhập bình quân 100-200 triệu đồng/ha/năm. Khâu đột phá thứ 2 là tập trung toàn lực đầu tư hạ tầng, kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội. Những năm qua, trên địa bàn huyện đã khởi công 102 công trình hạ tầng kinh tế - xã hội với tổng vốn đầu tư từ huyện trên 946 tỉ đồng, nguồn vốn từ trên cấp hơn 1.000 tỉ đồng, nguồn vốn xã hội hóa trên 600 tỉ đồng. Trên địa bàn huyện có 20/42 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ học sinh lên lớp các cấp học trên 99%; triển khai xây dựng 100% nhà văn hóa các ấp; bệnh viện huyện có quy mô 120 giường và 7 trạm y tế xã; xây dựng và sửa chữa 315 nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, 1.467 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; giải quyết việc làm vay vốn phát triển kinh tế luôn đạt và vượt chỉ tiêu;
Huyện phấn đấu đến năm 2020 trở thành đô thị sinh thái. |