23/05/2024 - 08:40

Huyện Cờ Ðỏ thi đua Dân vận khéo 

“Tham gia mô hình Chi hội nghề nghiệp trồng cây ăn trái, được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định hơn 500 triệu đồng/năm. Kinh tế gia đình ổn định hơn trước, có điều kiện chăm lo các con ăn học”. Ðó là lời bộc bạch của anh Phan Hải Bằng, thành viên Chi hội nghề nghiệp trồng cây ăn trái ấp Thới Xuyên, do Hội Nông dân (HND) xã Thới Đông, huyện Cờ Ðỏ xây dựng. Ðây là 1 trong 79 mô hình Dân vận khéo (DVK) được Ban Dân vận Huyện ủy Cờ Ðỏ biểu dương, khen thưởng năm 2023.

Cán bộ Khối Dân vận và đoàn thể xã Thới Đông tìm hiểu tình hình sản xuất của Chi hội nghề nghiệp trồng cây ăn trái ấp Thới Xuyên. 

Trước đây, gia đình anh Hải Bằng có 12 công đất ruộng trồng lúa, chỉ đủ ăn. Do vậy, khi HND xã vận động chuyển đổi mô hình sản xuất và thành lập Chi hội nghề nghiệp trồng cây ăn trái, anh Bằng cùng nhiều anh em trong ấp mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang làm vườn chuyên canh, với các loại cây chủ lực: mãng cầu xiêm, mít, sầu riêng. Anh Bằng kể: “Hiện nay, tôi có 6 công đất trồng mãng cầu và 4 công đất trồng sầu riêng. Sau khi trừ chi phí, 6 công mãng cầu mang về cho gia đình hơn 500 triệu đồng/năm. Thấy mô hình hiệu quả, tôi chuyển tiếp 2 công đất còn lại sang trồng mãng cầu xiêm, 4 công sầu riêng thì sẽ cho trái chiếng vào năm sau”.

Theo ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ tịch HND xã Thới Đông, Chi hội nghề nghiệp trồng cây ăn trái được HND xã thành lập tại ấp Thới Xuyên từ năm 2019. Ðến nay, mô hình thu hút 16 thành viên tham gia, với diện tích canh tác 11,7ha. Các thành viên được thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi: vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội và được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Hiện nay, trung bình mỗi công vườn, sau khi trừ chi phí, thành viên có lợi nhuận trên 50 triệu đồng/năm, so với trồng lúa hiệu quả cao hơn nhiều lần. Nói về việc duy trì, nâng chất mô hình, ông Nguyễn Hoàng Vũ cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang phối hợp các cơ quan chuyên môn thực hiện thủ tục để phát triển thành hợp tác xã trồng cây ăn trái; đồng thời, phối hợp tìm doanh nghiệp, ký kết hợp đồng bao tiêu đối với các sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định cho anh em”.

Mô hình Tổ hợp tác trồng ổi Ruby do HND thị trấn Cờ Đỏ thành lập tại ấp Thới Bình từ năm 2019 và duy trì hiệu quả đến nay, cũng được đánh giá cao. Mô hình thu hút 14 thành viên tham gia, diện tích canh tác 1,75ha. Các thành viên được hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Hiện tại, thu nhập từ mỗi công ổi Ruby đạt khoảng 40 triệu đồng/năm.

Năm 2023, các đoàn thể, địa phương trong huyện Cờ Ðỏ đăng ký thực hiện 269 mô hình DVK trên các lĩnh vực. Qua khảo sát, có 169 mô hình đạt hiệu quả cao, tập trung vào việc vận động xã hội hóa nâng cấp đường, gắn đèn chiếu sáng, camera an ninh; xây dựng, nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo. Kết quả, có 79 mô hình được khen thưởng cấp huyện, 1 mô hình khen thưởng cấp thành phố.

Năm 2024, toàn huyện đăng ký 275 mô hình DVK trên các lĩnh vực. Trong 5 tháng qua, nhiều mô hình DVK tiếp tục được các đoàn thể, địa phương, đơn vị, Tổ Dân vận các ấp triển khai, nâng chất. Tiêu biểu như Tổ Dân vận ấp 6, xã Thạnh Phú đã vận động xã hội hóa xây dựng cầu cập kinh 5, ấp 6 với tổng số tiền 290 triệu đồng, 300 ngày công lao động. Ông Nguyễn Văn Thâm, Tổ trưởng Tổ Dân vận ấp 6, kể: “Cầu cũ xuống cấp, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Năm 2024, Tổ Dân vận ấp quyết tâm vận động xã hội hóa để bắc cầu. Chúng tôi được sự hỗ trợ của Khối Dân vận xã, vận động một nhà hảo tâm tài trợ 290 triệu đồng, Tổ Dân vận ấp vận động nhân dân cùng góp ngày công làm cầu. Cầu cặp kinh 5, ấp 6 dài 34m, rộng 3,5m, đưa vào sử dụng tháng 3-2024”.

Mới đây, tháng 4-2024, người dân ấp Thạnh Phước 2, xã Trung Thạnh cũng rất phấn khởi vì công trình “Tuyến đường thắp sáng miền quê” (lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng đèn năng lượng mặt trời) dài 1.000m tại tuyến Xẻo Luông được đưa vào sử dụng. Mô hình DVK này là kết quả phối hợp giữa Xã đoàn Trung Thạnh, Công ty Cổ phần FPT và Tổ Dân vận ấp Thạnh Phước 2. Xã đoàn vận động Công ty Cổ phần FPT hỗ trợ 40 bóng đèn năng lượng mặt trời, Tổ Dân vận ấp Thạnh Phước 2, Xã đoàn tổ chức họp dân, bàn bạc cách thức đóng góp, quy cách thực hiện. Bà con thống nhất thực hiện công trình trên cơ sở tự nguyện. Tính chung, tổng trị giá công trình là 69 triệu đồng.

Ông Lê Minh Phúc, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Cờ Ðỏ, nhận xét: “Phong trào thi đua DVK đã được triển khai sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị huyện, phù hợp với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua phong trào đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh...”.

Bài, ảnh: ÐỒNG TÂM

 

Chia sẻ bài viết