15/04/2021 - 10:21

Huy động nguồn lực đầu tư nhanh, mạnh và đồng bộ để thúc đẩy phát triển 

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều cơ hội lẫn thách thức mới, TP Cần Thơ chọn chủ đề của năm 2021: “Tăng cường xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ”. Với chủ đề này, thành phố hướng đến mục tiêu phát huy đồng bộ các yếu tố tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nhanh, bền vững; bảo đảm tăng trưởng kinh tế trên cơ sở nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ðồng thời, tiếp tục đầu tư nhanh, mạnh, đồng bộ và bền vững kết cấu hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông, logistics…

Những năm qua, hạ tầng kinh tế - xã hội TP Cần Thơ được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa theo kịp sự phát triển. Trong ảnh: Một góc đô thị Cần Thơ.

Nỗ lực

Ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, khẳng định: Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ TP Cần Thơ nhiệm kỳ 2020-2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2021-2025. Vì vậy, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 17/KH-UBND thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy và HÐND thành phố về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Kế hoạch số 16/KH-UBND thực hiện chủ đề năm 2021 “Tăng cường xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ”. Qua đó, phân công các sở, ngành thành phố, các cơ quan liên quan và UBND quận, huyện tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, với 89 nội dung cụ thể, xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện và theo dõi chặt chẽ tiến độ triển khai.

Bám sát chủ đề năm 2021, trong quý I-2021, Cần Thơ đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Kết quả giải ngân kế hoạch các nguồn vốn đầu tư công tính đến cuối tháng 3-2021 là 592,8/7.240,514 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 8,2% kế hoạch phân bổ, trong đó, ngân sách địa phương giải ngân hơn 396 tỉ đồng, đạt 6,8% kế hoạch; cấp thành phố giải ngân đạt 6,3% kế hoạch; cấp quận huyện giải ngân đạt 7,7% kế hoạch. Về thu hút đầu tư trong nước (ngoài khu công nghiệp), đến nay, thành phố có 111 dự án đang triển khai thực hiện, tổng diện tích khoảng 2.916ha, với tổng vốn đầu tư theo chủ trương là 117.639 tỉ đồng. Ðối với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hiện thành phố có 85 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 2 tỉ USD, ước vốn thực hiện 513,66 triệu USD, đạt tỷ lệ khoảng 25% tổng vốn đăng ký…

Ở một số ngành, lĩnh vực như hạ tầng giao thông, hệ thống logistics, thành phố thể hiện sự quyết liệt trong việc đầu tư nhanh, mạnh, đồng bộ và hướng đến sự bền vững. Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, cho biết: “Giai đoạn 2021-2025, dự kiến vốn phân bổ cho lĩnh vực giao thông vận tải là 9.470 tỉ đồng, trong đó, vốn chuyển tiếp là 770 tỉ đồng, vốn khởi công mới là 8.700 tỉ đồng. Từ nguồn vốn này, thành phố hướng đến mục tiêu đảm bảo giao thông kết nối thông suốt trung tâm các quận, huyện trên địa bàn, tận dụng tối đa lợi thế từ hệ thống đường cao tốc và quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Từ đó, tạo kết nối giao thông liên vùng và kết nối mạng lưới giao thông thành phố vào hệ thống giao thông quốc gia. Thành phố cũng ưu tiên xử lý các nút thắt trong hạ tầng giao thông (sự không đồng bộ về tải trọng và bề rộng cầu, đường theo hướng quy hoạch); định hướng phát triển giao thông nhằm mở rộng không gian phát triển và chỉnh trang đô thị của thành phố…”.

Phối hợp gỡ khó

Mặc dù thể hiện sự quyết liệt ngay từ đầu năm, song theo đánh giá của UBND thành phố, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 hiện còn thấp; thu hút đầu tư các doanh nghiệp ngoài nhà nước còn chậm và chưa có chuyển biến mới. Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Năm 2021, là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Ðối với các cơ quan, đơn vị được giao làm chủ đầu tư các dự án thuộc kế hoạch vốn giai đoạn này cần khẩn trương triển khai các thủ tục có liên quan, đảm bảo đủ điều kiện để tổng hợp vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn trình HÐND thành phố thông qua tại kỳ hợp giữa năm 2021. Ðối với các đơn vị được giao kế hoạch vốn thực hiện trong năm 2021 và kế hoạch vốn từ năm 2021 chuyển sang cần xây dựng kế hoạch tiến độ cụ thể để triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư. Ðồng thời, có kế hoạch kiểm tra cụ thể tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án, đặc biệt là các công trình có sử dụng vốn ODA, các công trình trọng điểm của thành phố.

Thời gian qua, việc thực hiện các dự án thu hồi đất trong những năm qua vẫn còn chậm, chưa thật sự hiệu quả do một số khó khăn, vướng mắc như: công tác phối hợp tuyên truyền giữa các cấp, các ngành để vận động nhân dân chấp hành chủ trương thu hồi đất, hiểu rõ quy định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chưa cụ thể và kịp thời, dẫn đến một số trường hợp các hộ dân không đồng tình với chủ trương quy hoạch thực hiện dự án. Các quận, huyện hiện nay còn thiếu quỹ nền để bố trí tái định cư cho các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước so với nhu cầu nhận nền từ phía hộ dân. Ngoài ra, đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách, nhà đầu tư chậm lập thủ tục liên quan đến xây dựng làm ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi đất…

Từ thực tế đó, ông Ðỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, đề nghị các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với thành phố, các chủ đầu tư trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng; tăng cường tuyên truyền, vận động, công khai, minh bạch chủ trương, chính sách, chế độ bồi thường cho người dân được biết nhằm tạo sự đồng thuận chung trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Ðồng thời, đề xuất UBND thành phố thường xuyên kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, kịp thời nắm bắt tình hình, chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, UBND thành phố cần giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì phối hợp với sở, ngành liên quan thường xuyên làm việc với các chủ đầu tư, tham mưu điều chỉnh kịp thời kế hoạch đầu tư công, cắt giảm vốn các dự án không giải ngân được để tập trung vốn cho các dự án có khối lượng thực hiện và khả năng giải ngân; ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng các khu tái định cư đủ tiêu chuẩn theo quy định...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết