08/11/2013 - 20:10

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Huy động cả hệ thống chính trị phòng, chống siêu bão Haiyan

Chiều 8-11, tại Trụ sở Chính phủ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Cà Mau, bàn biện pháp khẩn cấp ứng phó với siêu bão Haiyan. Đây là cơn bão được đánh giá là có cường độ mạnh nhất trong lịch sử, sẽ đi vào Biển Đông và đổ bộ vào miền Trung nước ta.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp chiều 8-11 bàn biện pháp ứng phó với siêu bão Haiyan. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, vào hồi 10 giờ ngày 8-11, vị trí tâm bão Haiyan ở vào khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 123,7 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió gần nhất gần tâm bão mạnh cấp 17, giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 35 km. Đến 10h ngày 9-11, vị trí tâm bão vào khoảng 12,9 độ Vĩ Bắc; 115, 2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 190 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió gần nhất vùng tâm bão mạnh cấp 16-17, giật trên cấp 17.

Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30-35 km. Đến 10 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Trung Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 14, cấp 15, giật trên cấp 17.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều 8-11, vùng biển phía Đông Biển Đông gió sẽ mạnh dần lên cấp 9-11, sau tăng lên cấp 13, cấp 14, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 16, cấp 17, giật trên cấp 17, biển động dữ dội.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành địa phương cho rằng trước những diễn biến phức tạp của siêu bão Haiyan, nhiệm vụ đặt ra trong từng phút, từng giờ là phải theo dõi sát diễn biến tình hình để chủ động phòng tránh siêu bão này. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tập trung chỉ đạo thông tin kịp thời cho các phương tiện vận tải hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh; đảm bảo an toàn cho giao thông đường bộ, đường sắt, đường không; chuẩn bị phương tiện, vật tư kịp thời khắc phụ sự cố tại các khu vực bị sạt lở trên các trục giao thông chính.

Lãnh đạo một số bộ, ngành đề xuất cần ban hành ngay lệnh cấm biển trong khu vực được dự báo bão sẽ đổ bộ; kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm về bờ, tổ chức tốt việc hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền; đảm bảo an toàn hồ chứa, đập thủy điện; tính toán sử dụng điện thoại vệ tinh để đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt; di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè. ...

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cho biết, các địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ, các công điện của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương về công tác ứng phó với siêu bão Haiyan; đặc biệt đã thực hiện quyết liệt công tác kêu gọi tàu thuyền của ngư dân vào nơi tránh trú bão an toàn; lên kế hoạch di dân những vùng nguy hiểm; yêu cầu các cơ quan hành chính các cấp của địa phương túc trực 24/24 để cập nhật thông tin, chủ động ứng phó với bão, mưa, lũ; chỉ đạo việc tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, công trình...

Sau khi nghe lãnh đạo các bộ, ngành địa phương báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, siêu bão Haiyan đang diễn biến hết sức phức tạp, theo cập nhật dự báo tới thời điểm hiện tại cơn bão có cường độ mạnh nhất trong lịch sử này sẽ đi vào Biển Đông và đổ bộ vào miền Trung của nước ta. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị là phải thực hiện bằng tất cả các giải pháp để chủ động ứng phó với bão, giảm thấp nhất các thiệt hại về người và của do bão gây ra. Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu các lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai tốt Công điện của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Trung ương, dừng tất cả các cuộc họp để ứng phó với bão. Chính phủ cử Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đến các địa phương cùng tham gia chỉ đạo công tác phòng chống bão - Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch tập trung khắc phục hậu quả sau bão, nhất là về giao thông, điện, thông tin liên lạc, đảm bảo cho nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống sau bão.

THIỆN THUẬT (TTXVN)

Siêu bão Haiyan đi vào đất liền nước ta
có khả năng ở cấp 12, cấp 13

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão Haiyan có khả năng là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương. Dự kiến khi đến đất liền nước ta, bão vẫn đạt cấp 12, cấp 13 và giật đến cấp 15, cấp 16. Sức tàn phá của cơn bão này rất lớn. Với cấp 12, cấp 13 các loại nhà cấp 4, nhà khung ở ven biển có khả năng bị sụp đổ, nhà mái bằng sẽ bị ảnh hưởng nếu chất lượng xây dựng không cao.

Ông Hải cho biết, hầu hết các tỉnh từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa sẽ chịu tác động của bão, khu vực trọng tâm có thể ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Bão càng mạnh thì mưa càng lớn. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên có khả năng mưa to và rất to. Khu vực tập trung mưa lớn vẫn là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và hai tỉnh phía ngoài là Thanh Hóa và Hà Tĩnh với lượng mưa dự kiến lên đến 300 mm đến 500mm. Tuy vậy cũng không loại trừ những khu vực có mưa cục bộ lên đến 500 – 600 mm, ông Hải nhận định.

Bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện ở Biển Đông cũng như ảnh hưởng tới đất liền, một phần có thể do biến đổi khí hậu, một phần là do hoạt động hoàn lưu năm nay có những điều đặc biệt so với những năm khác và đặc biệt là bão mạnh xuất hiện nhiều.

Các cơ quan nghiên cứu cũng đã đưa ra một số kết quả nghiên cứu là biến đổi khí hậu không làm gia tăng số lượng các cơn bão mà sẽ làm xuất hiện nhiều hơn các cơn bão mạnh. "Những năm gần đây, khuynh hướng của mùa bão đang mở rộng ra cả thời kỳ không có bão. Mùa bão năm 2013, khả năng còn kéo dài sang tháng 12. Dự báo cuối tháng 11, đầu tháng 12 vẫn còn một đến hai cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và đây chưa phải là cơn bão cuối cùng", ông Hải khẳng định.

THANH TUẤN (TTXVN)


Chia sẻ bài viết