27/01/2023 - 15:00

Hương xưa đồng bằng 

ĐĂNG HUỲNH

Dâu hạ châu Phong Điền, Cần Thơ.  Ảnh: DUY KHÔI

Trong quyển “Nói về miền Nam”, nhà Nam Bộ học Sơn Nam nhận xét ĐBSCL là vùng đất: “Có màu sắc, luôn luôn đổi mới, dựa trên một cơ sở. Đó là tinh thần phóng túng, lanh lẹ, sẵn sàng đón hương xa của người khai hoang. Văn hóa đứng im một chỗ là văn hóa chết. Sống động, thích ứng với hoàn cảnh, đó mới là văn hóa, đúng theo nghĩa của nó”. Quả vậy, trải qua hành trình rất dài mở đất và lập nghiệp, người đồng bằng luôn rộng mở để thích ứng, làm nên bản sắc cho đất và người nơi đây. Những danh xưng như miệt vườn, miệt thứ... ra đời từ bản sắc ấy, với những cốt lõi giá trị trong nét sinh hoạt, canh tác... Để rồi trước xu hướng hội nhập, hương xưa đồng bằng vẫn giữ nét thanh tân và bản sắc từ trăm năm lại được lan tỏa như dòng chảy phù sa từ sông ra biển.

Trong Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2022, một quan điểm hết sức quan trọng được đặt ra là “chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển nền tảng văn hóa - xã hội và hệ sinh thái tự nhiên”. Quy hoạch cũng đề ra mục tiêu: “Phát triển ĐBSCL trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái (miệt vườn sông nước, đất ngập nước) và du lịch biển”. Rõ ràng, việc phát triển ĐBSCL theo hướng tăng trưởng xanh, “thuận thiên” ngày càng được quan tâm, như một “chìa khóa” để khai mở đường băng cho vùng đất.

Và, những hương xưa đồng bằng chính là “thép đã tôi” để rèn giũa nên “chìa khóa” ấy!

“Hoa đất” miền Tây

Đi tìm cây lúa mùa

Nghề xưa, sức sống mới

Khi nói về một vùng đất, thoạt tiên nhiều người nghĩ ngay đến đặc sản nơi đó. “Thấy dừa thì nhớ Bến Tre. Thấy bông sen nở nhớ đồng quê Tháp Mười” là vì vậy. Trăm năm trên dải đất đồng bằng, những đặc sản từ cây trái đến con cá dưới sông, ruộng muối trên đồng... đã làm nên cốt cách, thương hiệu cho miền Tây. Đó là món quà từ đất, là “hoa đất” mà mẹ châu thổ ban tặng cho những người con của quê hương dặm dài kiến tạo qua bao mùa mưa nắng.

Du khách đi giữa ao sen trong Lễ hội Sen 2022. Ảnh: DUY KHÔI

Du khách đi giữa ao sen trong Lễ hội Sen 2022. Ảnh: DUY KHÔI

Đêm cuối năm ở đồng sen giữa Tháp Mười, hương sen dìu dịu tỏa lan. Bên ly trà sen bốc khói, anh Ngô Khánh Huy, Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Khánh Thu, kể cho chúng tôi nghe về hành trình đi tìm cây sen Tháp Mười bản địa. Khởi nghiệp và thành công từ cây sen từ lâu, Khánh Thu giờ đã là thương hiệu lớn về ngành chế biến sen trong cả nước. Nhưng anh Huy thì luôn trăn trở về giống sen ông bà hay kể. Đó là sen Tháp Mười, một loài sen nương theo con nước mà vượt tầm cao, có khi cọng sen cao đến 5m. Sen Tháp Mười có lá to, xanh mướt, giàu dưỡng chất, sức đề kháng rất cao... Đó lại là những điều anh Huy cần để làm các loại trà từ lá sen. Anh đã cất công đi tìm giống về ươm tạo và giờ đã có một đồng sen Tháp Mười thuần chủng, đang nương theo con nước nổi cuối năm mà lớn thêm. Chẳng phải chỉ vì mục tiêu kinh tế, tận sâu trong lòng anh Huy còn là trách nhiệm của người trẻ với niềm tự hào của quê hương, đó là làm thăng hoa danh xưng Đất Sen Hồng.

Nguyễn Thị Mai Hương, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, cũng là một người Đồng Tháp yêu sen và nuôi nấng giấc mơ sen. Các sản phẩm từ sen của nữ sinh quê Tháp Mười như bộ khử khuẩn, nến thơm... đạt nhiều giải thưởng về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Câu chuyện của Hương về sen cứ như bất tận bằng niềm đam mê cháy bỏng: “Không yêu sen sao được, sen gắn bó với quê hương em, gia đình em từ bao đời qua. Với em, đó là niềm tự hào lớn lắm”.

Lời tâm sự của Mai Hương khiến tôi bất giác nhớ đến câu chuyện của chính mình và đặc sản quê hương Bạc Liêu thời hiện đại - tôm Bạc Liêu. Từ những cánh đồng phèn mặn, lung bàu với danh xưng Đồng Chó Ngáp, sự xuất hiện của con tôm đã thay đổi diện mạo quê hương. Đem chuyện Bạc Liêu tổ chức lễ hội tôm và muối kể cho cha tôi nghe, lão nông ngoài 70 tuổi cười khà: “Phải vậy chớ. Con tôm hột muối xứ này có tiếng lắm mà!”. Chẳng phải cha tôi thôi đâu, dân xứ Bạc Liêu khi nói về con tôm, hột muối đều hào hứng như vậy, bởi đó là những thành quả từ hành trình rất dài làm nên bản sắc địa phương. Nhà văn Vũ Thống Nhất khi nghe lễ hội muối thì cũng khoái chí lắm, ông nói: “Hột muối nghèo được nâng tầm lễ hội, một trang đời mới mở ra. Cái mặn mòi của người Bạc Liêu được tôn vinh xứng đáng”.

Hậu Giang tổ chức ngày hội ẩm thực tôn vinh đặc sản khóm Cầu Đúc và cá thát lát. Ảnh: DUY KHÔI

Hậu Giang tổ chức ngày hội ẩm thực tôn vinh đặc sản khóm Cầu Đúc và cá thát lát. Ảnh: DUY KHÔI

Dạo gần đây, các địa phương ĐBSCL hay tổ chức những lễ hội đặc sản và kèm theo xác lập các kỷ lục rất thú vị. Đồng Tháp có Lễ hội Sen, Bến Tre có Lễ hội Dừa, Cà Mau thì có Ngày hội Cua và Mật ong trứ danh xứ sở, TP Cần Thơ có nhiều ngày hội tôn vinh cây lành trái ngọt miệt vườn mà tiêu biểu là dâu hạ dâu... Những kỷ lục món ăn từ đặc sản cũng ra đời trong tình yêu và niềm tự hào như thế. Nhớ hồi giữa năm 2022, khi Hậu Giang tổ chức xác lập kỷ lục 200 món ăn từ cá thát lát và khóm Cầu Đúc, anh Phạm Tuấn Lẹ thoăn thoắt chế biến, trang trí món ăn như một đầu bếp thực thụ. Hỏi ra mới hay, anh là cán bộ Kho bạc Nhà nước thị xã Long Mỹ nhưng tình yêu nghề bếp và đặc sản quê hương đã thôi thúc anh. Anh Lẹ nói: “Tôi đi tới đâu cũng vậy, hễ nghe giới thiệu quê Hậu Giang là nhiều người lại nhắc đến cá thát lát và khóm Cầu Đúc. Bao nhiêu đó thôi đã thấy vui rồi!”.

Nhà nghiên cứu Nhâm Hùng rất hay khi ví von những đặc sản địa phương chính là “bức bình phong”, là chỉ dẫn địa lý sống động về văn hóa cho một vùng đất. Ví như nói đến dâu hạ châu, bánh tét lá cẩm... thì nghĩ ngay đến đất Cần Thơ. Đó là bảo chứng cho bản sắc của một vùng đất mà càng trải qua năm tháng, càng ánh lên giá trị của lịch sử. Vậy nên chẳng ngạc nhiên khi những đặc sản đó của Cần Thơ được xác lập kỷ lục “Tốp 100 món ăn, đặc sản nổi bật nhất Việt Nam”.

Người nhờ đất mà lớn. Đất nhờ người có tên. Ai trong đời cũng có một quê hương và niềm tự hào quê hương rõ nét nhất là qua những đặc sản quê nhà. Với niềm tự hào đó, người đồng bằng lại càng ý thức rõ chuyện giữ gìn và phát huy trong bối cảnh hiện đại hóa ngày nay. Bông sen Đồng Tháp, trái dừa Bến Tre... trở thành sản phẩm du lịch “để thương để nhớ”, được những người con quê hương “thiên biến vạn hóa” làm thăng hoa hương vị đồng bằng. Đó là lối cư xử trọng thiên nhiên, chuộng bản sắc và sáng tạo trong tư duy.

Du khách chống bè và thưởng thức món ngon dưới tán rừng ở Nông trại Tôm Khỏe ven đê biển Bạc Liêu. Ảnh: DUY KHÔI

Du khách chống bè và thưởng thức món ngon dưới tán rừng ở Nông trại Tôm Khỏe ven đê biển Bạc Liêu. Ảnh: DUY KHÔI

Chúng tôi có chuyến du lịch ở Nông trại Tôm Khỏe ven đê biển Bạc Liêu trong ngọn gió lành lạnh cuối năm. Anh Bùi Quốc Dương, chủ nông trại, kể về hành trình đưa con tôm Bạc Liêu đến gần với du khách. Với mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn, anh kết hợp làm du lịch nông nghiệp. Đến đây, mỗi đoàn khách sẽ được giao cho một chiếc bè đã bày thức ăn, tôi hỏi: “Rồi chống đi đâu, anh?”. Anh Dương cười khà: “Anh cứ thích chống đi đâu cũng được, dưới tán rừng này”. Cảm giác chống bè len lỏi giữa tán rừng đước mát rượi màu xanh, rồi neo bè vào chang đước, thưởng thức hải sản là con tôm, con sò vừa mới bắt lên còn nhảy sôi sối. Một chuyến trở về với thiên nhiên, cảm nhận nét hoang sơ của thiên nhiên thú vị dường bao. Anh Bùi Quốc Dương cười khà: “Con tôm Bạc Liêu cũng đầy quyến rũ đó chứ!”

Tâm đắc về chuyện phát huy sản vật đồng bằng, lan tỏa hương thơm “hoa đất”, Tiến sĩ Phạm Đức Thuận (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng: Việc làm này vừa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển các ngành nghề kinh tế vừa khẳng định được nét riêng, độc đáo, nhất là trong phát triển dịch vụ du lịch. Điều quan trọng hơn nữa là góp phần giữ gìn và phát huy những nét văn hóa đặc trưng. Trong xu hướng toàn cầu hóa, để tài nguyên văn hóa này phát triển bền vững hơn nữa, Tiến sĩ Phạm Đức Thuận chia sẻ: “Cần thiết tăng cường chất lượng sản phẩm của địa phương, hướng đến số đông người dùng trong và ngoài nước. Bên cạnh quảng bá, các địa phương cần gắn kết sản vật với các khía cạnh văn hóa lịch sử của vùng đất, cho thấy được sản vật đó có giá trị không chỉ trong sử dụng mà đó còn là giá trị về văn hóa, tinh thần và có tính lịch sử”.

Quả là vậy, sản vật của một vùng đất là kết tinh, ngưng tụ từ những mạch nguồn thẳm sâu của đất, của nước và hẳn nhiên là của bao lớp tiền nhân khai mở. Nhìn lại để đi tiếp, uống nước nhớ nguồn để lớn thêm, người đồng bằng từ nền tảng bản sắc cha ông mà phát triển bền vững - kinh tế xanh giữa đồng bằng trù phú.

“Sáng nay trời se lạnh. Gió bấc non, báo hiệu một mùa bấc mới đã tới. Cứ đến thời điểm này là tôi lại nhớ về một miền ký ức xa xăm thời niên thiếu”, ông Tư Việt cúi xuống, tay nâng bông lúa mùa no đòng, rồi tâm tình như vậy. Ký ức ấy là ký ức lúa mùa, về những mùa gặt ngày giáp Tết, về không khí rộn vui ở xóm Cù Là quê ông khi bà con đập lúa đêm trăng, chuẩn bị ăn Tết.

Lúa mùa là ký ức và tình yêu của ông Tư Việt. Ảnh: DUY KHÔI

Lúa mùa là ký ức và tình yêu của ông Tư Việt. Ảnh: DUY KHÔI

Ngay ở khu phố Minh Phú, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, có một cánh đồng lúa xanh rờn thẳng cánh cò bay. Tất cả đều là những giống lúa mùa bản địa của miền Tây gần như đã thất truyền. Bà con xung quanh gọi đó là cánh đồng của ông Tư Lúa Mùa, tức ông Lê Quốc Việt, 59 tuổi, hiện là Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành.

Là con nhà nông chánh tông, mới 6-7 tuổi, ông Tư Việt đã được giao nhiệm vụ đem cơm ra đồng cho ông ngoại; và những ký ức tuổi thơ về bắt cá hầm, theo trâu kéo cộ mùa gặt lúa... cứ theo mãi trong ông. Tuổi thơ nghèo khó đã dạy cho ông Tư một cái nghề - đó là nghề nông và ông Tư Việt đã thực thụ là một nông dân khi mới 13-14 tuổi. Lớn lên đi học kỹ sư nông nghiệp, về công tác ở địa phương, từng là Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và giờ hiện là Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện, ông Tư Việt vẫn dành trọn lòng cho ngành Nông nghiệp địa phương, nhất là cây lúa mùa. Ông thao thức về những vụ lúa mùa đã xa... “Gió bấc về là nỗi nhớ lúa mùa lại bật dậy trong tôi. Đêm nằm thao thức, có khi chảy nước mắt. Tôi nung nấu một cuộc đi tìm cây lúa mùa quê tôi”, ông Tư Lúa Mùa kể.

Từ năm 2011, khi mà mọi điều trong cuộc đời gần như ổn thỏa, ông Tư Việt bắt đầu hiện thực hóa ước mơ đời mình. Ông ròng rã 5 năm trời chỉ để sưu tầm nông cụ, dụng cụ sinh hoạt có liên quan đến lúa mùa. Sau đó, ông lên Trường Đại học Cần Thơ, tìm lại thầy cũ bạn xưa để nhờ tìm những giống lúa mùa “hồi đó”. Đó là những cái tên mà nông dân miền Tây chừng nửa thế kỷ trước thuộc nằm lòng: Chim rơi, Ba bụi, Một bụi, Nếp than, Nếp huyết lươn... Sau đó, ông tiếp tục hành trình đi tìm giống lúa mùa bản địa ở các viện nghiên cứu, đi qua cả Lào, Campuchia và rải rác trong dân. 40 giống lúa mùa quý hiếm, có giống gần như thất truyền được ông Tư Việt ươm mầm, bén rễ trên đất Minh Lương, ở xóm Cù Là.

Không chỉ vậy, ông Tư Việt còn nỗ lực bảo tồn cả một đời sống lúa mùa quê ông một cách sống động. Đó là chuyện sạ mạ, nhổ mạ, rồi cấy mạ bằng nọc, gặt lúa rồi đập lúa trên đồng, ví bồ chứa lúa... Từng chi tiết được ông Tư Lúa Mùa phục dựng sao cho giống hồi xưa nhất, mang hơi thở hồi đó nhất, như một cách để ông bảo tồn văn hóa lúa mùa cho quê hương. Văn hóa lúa mùa đã trở thành giềng mối hòa quyện giữa người nông dân với thiên nhiên, cố kết cộng đồng, làm nên những giá trị quý báu.

Cuộc đời ông Tư Việt từ khi đi học đến đi làm và giờ tuổi dần về chiều, tất cả đều xoay vần với đời sống nhà nông và ông lúc nào cũng tự nhận mình là một nông dân chính hiệu. Làm nông dân để hiểu nông dân. Nói như tác giả Công Khanh khi nhận xét về cuốn sách của ông Tư Việt kể chuyện đời sống lúa mùa: “Lê Quốc Việt không chỉ trồng lúa mùa mà còn trồng cái đời sống văn hóa lúa mùa - nghĩa là cả một hệ sinh thái người, thực vật, không gian và thời tiết - như một thứ bảo tồn, làm di sản cho các thế hệ sau này”.

Ông Tư Lúa Mùa nhìn trời mà đoán nắng đoán mưa; nhìn lúa trổ bông, nhìn dòng nước chảy mà đoán sức khỏe của cây, của lá. Ông nói rằng, trồng lúa mùa là một kiểu canh tác thuận thiên của ông bà ta, chủ yếu dựa vào hệ sinh thái để cây lúa phát triển. Bởi vậy, dạo quanh ruộng lúa của ông Tư, nhiều khi thấy cây cỏ này, bụi đưng nọ hay đàn cua đinh dưới mương, đám bèo hoa dâu dưới chân lúa... không phải tự dưng mà có, chúng được ông Tư Lúa Mùa dày công tái tạo, trả chúng về với tự nhiên.

Trải qua những vụ lúa mùa trong quá khứ và hiện tại, ông Tư Việt trầm tư mà ngẫm, những giá trị văn hóa phái sinh từ vụ lúa này thật lớn. Chỉ tính riêng về văn hóa ẩm thực lúa mùa, tháng nào ăn cá gì, vụ nào ăn rau gì, rồi cách đào hầm bắt cá lên, cá xuống... cũng là những tri thức dân gian mà chỉ những ai dặm dài qua bao mùa gặt lúa thì mới cảm nhận hết sự thú vị của nó. Cả như những giống lúa mùa cũng vậy, gạo Ba bụi mà ăn với mắm thì sạch nồi chẳng mấy chốc; gạo Chim rơi mà nấu cháo thì chẳng gì bằng...

Ông Tư Việt bên các nông cụ tái hiện quy trình trồng và thu hoạch, bảo quản lúa mùa. Ảnh: DUY KHÔI

Ông Tư Việt bên các nông cụ tái hiện quy trình trồng và thu hoạch, bảo quản lúa mùa. Ảnh: DUY KHÔI

Bây giờ, căn nhà và cánh đồng của ông Tư Lúa Mùa là điểm đến của nhiều du khách và nhà nghiên cứu. Nhiều giáo sư, tiến sĩ ở các viện, trường đến đây nhờ đất của ông để trồng thực nghiệm lúa mùa. Rất nhiều đoàn học sinh, sinh viên khắp các tỉnh, thành Nam Bộ đến đây để nghe ông Tư kể chuyện lúa mùa, để nhìn đồng lúa mùa khác với lúa 3 vụ, lúa cao sản bây giờ ra sao. Và, hẳn là không thể thiếu “bảo tàng lúa mùa” của ông với những nọc cấy, đòn xóc, ghế mạ, đập lúa, xay lúa... Cả một bộ sưu tập nông cụ tái hiện quy trình trồng lúa mùa đều có đủ.

Nhiều du khách thì chọn thuê phòng nghỉ nơi này với “giá nông dân” để ngủ lại một vài đêm. Họ muốn ngủ gần đồng ruộng để đêm về được nghe tiếng ếch nhái kêu sương, nghe con cá quẫy dưới mương, nghe mùi lúa trổ đòng dậy hương ký ức... Và, để được ăn nồi cơm nấu bằng gạo lúa mùa với ơ cá kho khô, canh rau vườn mới hái tươi trong...

Với 2,5ha đất nếu làm lúa 3 vụ/năm thì ông Tư Việt cũng kiếm được lợi nhuận trên trăm triệu đồng, nhưng ông chọn trồng lúa mùa như một cách bảo tồn di sản. Ông Tư Việt lập luận như vầy: Hồi trước thu nhập bình quân đầu người thấp, bữa cơm ít thịt, cá nên mỗi người cần bình quân 15kg gạo/tháng. Bây giờ thì khác, thịt cá dồi dào hơn, kinh tế của người dân cũng khấm khá hơn, mỗi người chỉ cần 10kg gạo/tháng là ăn không hết. Vậy cớ sao lại cứ phải chạy theo kế hoạch sản lượng lương thực năm sau cao hơn năm trước mà không chuyển thành kế hoạch tăng thu nhập của người nông dân, hay thu nhập trên một đơn vị diện tích năm sau cao hơn năm trước? May thay, một hướng phát triển mới đã mở ra từ Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Giữa cánh đồng lúa mùa mênh mông, trong ngọn gió bấc lành lạnh, ông Tư từ tốn: “Tôi không hô hào quay lại trồng lúa mùa như ngày xưa, tôi chỉ muốn chúng ta hãy bảo tồn văn hóa lúa mùa cho thế hệ mai sau. Sự phát triển bền vững nào cũng phải dựa trên các giá trị truyền thống”.

“Em biết dệt chiếu năm 6 tuổi, Tết này em đã 34 tuổi, con em học lớp 5 rồi”. “Nghề chính của em là dệt chiếu sao?” - tôi hỏi. “Không, chồng em làm nghề khác, em cũng có tiệm tạp hóa nhỏ, nhưng phải dệt chiếu mới được, anh ơi. Nghỉ ít bữa là thấy thiếu thiếu, nhớ lắm!”, cô gái cười duyên trong khi tay nhanh nhanh dập từng go chiếu nhịp nhàng.

Mẹ con của Minh Thư dệt chiếu Tết. Ảnh: DUY KHÔI

Mẹ con của Minh Thư dệt chiếu Tết. Ảnh: DUY KHÔI

Cô gái đó tên là Trương Minh Thư, ở thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, quê hương của chiếu Ngan Dừa nức tiếng. Đúng 10 năm về trước, tôi có về xóm chiếu này một lần, gặp ngay dịp nhà Thư chuẩn bị làm đám cưới cho em. Cô Lê Thị Mum, mẹ của Thư, còn tranh thủ dệt cho xong đôi chiếu bông lẩy chữ “hạnh phúc” để con gái trải phòng tân hôn. Cứ tưởng Thư đã “theo chồng bỏ cuộc chơi”, nào ngờ cô vẫn gắn bó với nghề dệt chiếu.

Cô Mum kể, gia đình cô có ít nhất 5 đời làm nghề dệt chiếu. Bà ngoại cô mới mất đây, khi tuổi gần 100, sinh thời kể rằng lúc nhỏ đã thấy xóm làng rộn ràng nghề chiếu. Vậy là nghề nối nghề, người nối người, những chiếc chiếu từ xứ sở Ngan Dừa lan tỏa muôn nơi. Hơn trăm năm sống và gắn bó với nghề, tiếng go dệt như tiếng lòng của bà con vậy.

Ngược dòng Hậu Giang, vấn vương câu vọng cổ: “Từ Định Hòa vượt qua Vĩnh Thới, bước tới Long Hậu, sang cầu Chợ Mới vào rạch Bà Đài...”, tôi tìm về làng nghề đóng ghe xuồng trăm năm ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Ông Nguyễn Văn Tốt, tự Bảy Tốt, một trong những người trụ vững với nghề qua bao “cay đắng ngọt bùi”, khi nói về nghề xưa vẫn lấp láy ánh mắt tự hào. Cha truyền nghề, con nối nghiệp, vòng thời gian cứ thế mà chảy trăm năm trong con rạch nhỏ này, ông Bảy nhìn lại rồi bước tiếp. Ai đó nói rằng, hành trình khai phá đất phương Nam còn là hành trình của những chiếc xuồng. Mỏng manh, nhỏ nhắn mà cũng uyển chuyển, can trường. Dấu ấn văn hóa miền Tây qua chiếc xuồng, chiếc ghe lớn lắm. Và chính những làng nghề như ở Bà Đài đã kiến tạo nên những tầng nấc giá trị như thế.

Những ngày cuối năm, tôi tìm về những làng nghề nổi tiếng trên vùng châu thổ. Đi qua làng nghề mứt me Cái Vồn (Vĩnh Long), bánh tráng Thuận Hưng (Cần Thơ)... hương Tết dường như thoang thoảng từ rất sớm. Rồi ở những làng nghề khác như đóng tủ thờ Gò Công (Tiền Giang), tranh kiếng Chợ Mới (An Giang)... bà con cũng hối hả những công đoạn cuối cùng kịp cho khách xài khi Tết đã gần kề. Không khí tất bật đó cho thấy sự hiện diện và sức sống của làng xưa nghề cũ.

Nghề của làng là một thiết chế văn hóa. Ở miền Tây, những làng nghề mang đậm dấu ấn của cư dân sông nước, năng nhặt chặt bị, cây nhà lá vườn, dân dã dễ thương. Những làng nghề đó còn là minh chứng cho quá trình khai khẩn, lập nghiệp và sinh cơ của bao thế hệ tiền nhân. Người miệt vườn thì trồng hoa, trồng kiểng, làm bánh, làm mứt; người miệt biển thì làm muối, làm khô; người miệt đồng thì đóng xuồng ghe, bắt cá, làm mắm... Nghề xưa vì vậy mà vầy cuộc trăm năm.

Chú Bảy Tốt ở làng nghề ghe xuồng Bà Đài giới thiệu về các sản phẩm mi-ni mỹ nghệ. Ảnh: DUY KHÔI

Chú Bảy Tốt ở làng nghề ghe xuồng Bà Đài giới thiệu về các sản phẩm mi-ni mỹ nghệ. Ảnh: DUY KHÔI

Trăm năm nhưng vẫn chưa là hữu hạn. Ở những làng nghề tôi đã đi qua, dù có những đổi thay, dù có những lo toan, nhưng rốt cùng còn lại vẫn là những tấm lòng yêu nghề, tâm huyết gìn nghề giữ nghiệp của cha ông. Thời gian là thử thách lớn, nhưng cũng chính thời gian cho thấy sức bền bỉ của làng nghề và cả người làm nghề. Nghề cũ thì sẽ không bao giờ mới nhưng nếu biết cách mặc áo mới cho nghề cũ thì nét xưa sẽ không cũ bao giờ.

Ông Bảy Tốt ở Bà Đài là “vàng đã qua lửa” như vậy. Cái nghề đóng ghe xuồng nương theo con nước nổi nhưng con nước lại đỏng đảnh khi vơi khi đầy, khiến nhiều người bỏ nghề vì cuộc mưu sinh. Ông Bảy Tốt thì vẫn chân cứng đá mềm. Ông tìm hướng đi khác cho nghề quê hương. Những chiếc xuồng, chiếc ghe mi-ni mỹ nghệ mang thương hiệu Bảy Tốt giờ có mặt khắp trong Nam ngoài Bắc, góp phần điểm tô cho các nhà hàng, khách sạn, cơ quan... đầy sang trọng. Ông Bảy Tốt lặng thầm mang xuồng cui lên phố. Những chiếc xuồng, chiếc ghe chưa từng hạ thủy nhưng lại đượm hồn sông nước, phảng phất dáng dấp miền Tây. Xuồng nhỏ chở ước mơ lớn của ông Bảy Tốt, một ước mơ về nghề quê không mai một.

Ông Sáu Hoài giới thiệu với khách về hủ tiếu sắc màu. Ảnh: DUY KHÔI

Ông Sáu Hoài giới thiệu với khách về hủ tiếu sắc màu. Ảnh: DUY KHÔI

Ông Huỳnh Hữu Hoài ở làng nghề hủ tiếu ven rạch Rau Răm (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cũng vậy, sau mấy đời gắn bó với nghề, ông Sáu Hoài vẫn luôn tìm hướng ra cho nghề cũ. Sau khi thành công, vang danh thế giới với món pizza hủ tiếu, gần đây hủ tiếu Sáu Hoài lại khiến du khách “rần rần” với sản phẩm hủ tiếu sắc màu, được tạo tác bằng “cây nhà lá vườn”. Mỗi dịp Xuân sang, ông Sáu Hoài lại vui khi hủ tiếu sắc màu có mặt trong bữa ăn đầm ấm, sum vầy, góp thiêng trong mâm cơm cúng gia tiên thơm thảo hiếu hiền.

Cũng từ gạch nối nhân văn như vậy, anh Trần Thanh Gian, ở làng nghề làm mứt xã Ðông Bình, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, mỗi mùa Tết về lại tất bật với hương vị quê nhà. Anh Gian luôn cố công làm thêm những món mứt mới, bên cạnh mứt me, mứt chuối, mứt gừng... truyền thống. Những loại mứt pha trộn giữa các loại trái cây mà anh gọi là “mix” làm cho mâm bánh kẹo ngày xuân thêm nhiều hương vị. Chẳng vậy, anh Gian còn chú trọng trong khâu bao bì, vệ sinh thực phẩm và quảng bá thương hiệu... để những viên mứt xứ Bình Minh được nhiều người biết đến. “Cái nghề này lấy công làm lời. Nhưng đã làm là phải làm đàng hoàng, làm vì thương hiệu đặc sản quê hương”, anh Gian chắc nịch.

Vui thay, nhiều làng nghề miền Tây vẫn đang căng tràn sức sống mới, bắt kịp xu hướng hội nhập. Ngoài “hữu xạ tự nhiên hương” còn là nhờ những người con làng nghề cố công gìn giữ và phát huy. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Nam (Hội Nhà văn TP Cần Thơ) cho rằng: Trước những biến động của xã hội và sự cạnh tranh của kinh tế thị trường, những làng nghề truyền thống ít nhiều bị ảnh hưởng, mai một. Điều đó đòi hỏi những người làm nghề phải có tình yêu và trách nhiệm đủ lớn để có thể giữ gìn những giá trị truyền thống của một làng nghề.

Thạc sĩ Trương Chí Hùng (Trường Đại học An Giang), thì khẳng định: Làng nghề không chỉ đơn thuần đem lại kế sinh nhai cho lưu dân phương Nam từ thời khai hoang mở đất, mà ở đó luôn chứa đựng nhiều nét văn hóa độc đáo. Trong nhịp sống phát triển hiện đại, việc tồn tại nhiều làng nghề ở miền Tây là minh chứng rõ nét nhất cho sức sống mãnh liệt của văn hóa bản địa. Ông Hùng cho biết thêm: “Muốn các nghệ nhân tiếp tục đóng góp để lưu giữ văn hóa làng nghề thì trước hết chúng ta phải có phương án cho họ sống được bằng nghề. Bên cạnh nỗ lực tự thân, các cấp quản lý cũng cần có chiến lược cụ thể để hỗ trợ làng nghề tồn tại và phát triển”.

 ***

Giá trị của một vùng đất được đo bằng chiều dài của lịch sử và chiều sâu văn hóa. Không đâu khác hơn, chính những sản vật, làng nghề, tập quán canh tác, cư xử với thiên nhiên và giao tiếp với cộng đồng sẽ làm nên những chiều kích lịch sử - văn hóa đó. Hương xưa nhưng không cũ, ký ức nhưng không lỗi thời. Tìm về hương xưa đồng bằng là tìm về lối sống thuận thiên, cố kết cộng đồng - những giá trị cốt lõi mà càng hiện đại, càng phát triển lại càng cho thấy là nền tảng vững chắc.

Chia sẻ bài viết