15/03/2016 - 20:43

Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ

Hướng tới xây dựng trường đạt chuẩn chất lượng cao

Theo mục tiêu Đề án phát triển trở thành trường chất lượng cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2015, Trường Cao đẳng Nghề (CĐN) Cần Thơ được Tổng cục Dạy nghề phê duyệt tham gia chương trình hợp tác với Hội đồng Anh về xây dựng và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng cùng 8 trường dạy nghề khác trên cả nước. Qua 1 năm thực hiện, chương trình mang lại nhiều tín hiệu khả quan trong cải thiện môi trường cũng như chất lượng dạy và học của trường.

 Các giảng viên Trường CĐN  Cần Thơ tham gia tập huấn các kỹ năng liên quan việc áp dụng bộ tiêu chuẩn khung và bộ công cụ đánh giá chất lượng với giảng viên Trường West College Scotland.

Giai đoạn 1 của chương trình hợp tác được thực hiện từ tháng 3-2015 đến tháng 3-2016 với sự chia sẻ, hỗ trợ xây dựng bộ tiêu chuẩn khung đánh giá chất lượng và bộ công cụ đảm bảo chất lượng hoạt động giảng dạy của trường West College Scotland (Anh quốc). Trên cơ sở đó, Trường CĐN Cần Thơ phối hợp với Trường CĐN TP Hồ Chí Minh và Trường CĐN Kiên Giang tổ chức hội thảo với Cục Kiểm định, xây dựng lại bộ tiêu chuẩn khung phù hợp với điều kiện dạy và học 3 trường. Theo Thạc sĩ Nguyễn Trọng Sơn, Hiệu trưởng Trường CĐN Cần Thơ, bộ tiêu chuẩn khung đánh giá chất lượng gồm 4 tiêu chí và 20 tiêu chuẩn kèm theo bộ công cụ là 4 phiếu khảo sát: Phiếu đánh giá bài học và phiếu đánh giá kết thúc môn học dành cho học sinh, sinh viên; Phiếu đánh giá dự giờ dành cho giáo viên và phiếu tự đánh giá của giáo viên. Những câu hỏi đánh giá được thiết kế theo hướng gợi mở để giáo viên và sinh viên có thể thẳng thắn góp ý trên tinh thần xây dựng.

Để áp dụng hiệu quả bộ tiêu chuẩn khung này, Trường CĐN Cần Thơ cử 3 cán bộ quản lý tham quan học tập, nghiên cứu kinh nghiệm tại Trường West College Scotland. Chú trọng nắm bắt cách thức tổ chức khảo sát, thu thập ý kiến sinh viên về chất lượng giảng dạy; xây dựng các chỉ số đánh giá về dạy và học; thu thập thông tin và các cấp độ thực hiện công tác đảm bảo chất lượng; phương pháp hỗ trợ sinh viên rèn luyện 40 kỹ năng mềm cần thiết bằng phần mềm công nghệ thông tin, giúp sinh viên tìm việc dễ dàng hơn, cạnh tranh hơn… Đồng thời tổ chức tập huấn đội ngũ cán bộ giảng viên, nhân viên tại trường về hoạt động đảm bảo chất lượng. Đến nay, trường đã áp dụng thí điểm bộ tiêu chuẩn khung và công cụ đảm bảo chất lượng ở 7 khoa với 14 giáo viên. Mỗi giáo viên chọn 2 môn học/môđun và mỗi môn học/môđun chọn 2 lớp để thực hiện. Cô Cao Thị Hồng Tho, giáo viên môn Vẽ kỹ thuật và Dung sai đo lường, Khoa Đại cương, cho biết: "Thực hiện công tác đảm bảo chất lượng với việc áp dụng bộ tiêu chuẩn khung kèm theo các phiếu khảo sát đánh giá là hoạt động rất mới mẻ đối với giáo viên và học sinh của trường. Đặc biệt là phiếu đánh giá dành cho học sinh, sinh viên đối với giáo viên. Lâu nay, hầu như giáo viên hoàn toàn chủ động thiết kế bài giảng, lên lớp đến đánh giá tiết học, kiểm tra mức độ tiếp thu của các em nhưng hiện nay, các em được tham gia góp ý về tiết dạy, môn học đối với giáo viên qua phiếu đánh giá. Qua đó giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp hơn; các em hứng thú trong giờ học, tiếp thu bài tốt hơn, chất lượng dạy và học nâng lên hiệu quả". Bạn Trần Văn Nhiều, sinh viên ngành Công nghệ ô tô, Khoa Động lực, chia sẻ: "Tôi rất ngại trong lần đầu nhận phiếu đánh giá chất lượng tiết dạy của giáo viên. Nhiều bạn không dám đánh vào phiếu. Khi được giáo viên giải thích về lợi ích của phiếu, tôi và các bạn làm quen dần và đánh giá chân thật nhất. Có thể nói, phiếu đánh giá trở thành công cụ giúp chúng tôi kịp thời phản hồi ý kiến đến giáo viên về tiết dạy hoặc môn học, vì đa phần học sinh, sinh viên rất ngại góp ý trực tiếp với thầy cô".

Qua 2 đợt khảo sát vào tháng 9-2015 và tháng 2-2016, tỷ lệ giáo viên thực hiện quá trình cải thiện chất lượng giảng dạy và sinh viên tham gia hoạt động đảm bảo chất lượng của trường tăng đáng kể, tỷ lệ thuận với mức độ tự tin của giáo viên và sinh viên trong phát triển kỹ năng nghề. Cụ thể, khảo sát lần 1, có 20% giáo viên và 32% sinh viên trả lời rất tự tin trong phát triển kỹ năng nghề; đến khảo sát lần 2, tỷ lệ này tăng 33,3% đối với giáo viên và 40% đối với sinh viên. Bà Sharon Gardiner, Trưởng bộ phận Khoa học xã hội, Khoa học, Toán học và Thể thao, Trường West College Scotland, Chuyên gia kiểm định và đảm bảo chất lượng - cơ quan giáo dục Scotland, cho biết: "Chúng tôi rất ấn tượng với sự tiến bộ của Trường CĐN Cần Thơ trong việc áp dụng các hoạt động đảm bảo chất lượng. Trước đây, nhà trường chưa có bộ tiêu chuẩn khung với các tiêu chí để giáo viên và học sinh đánh giá chất lượng dạy và học. Bây giờ, nhà trường đã xây dựng được và thực hiện thí điểm giảng dạy, bám sát bộ tiêu chuẩn khung đánh giá chất lượng. Không chỉ có học sinh tham gia đánh giá chất lượng dạy học mà giáo viên cũng tự đánh giá cá nhân mình. Bên cạnh đó, việc áp dụng phương pháp đưa người học vào vị trí trung tâm giúp môi trường học tập thoải mái hơn, học sinh, sinh viên dễ dàng nêu ý kiến phản hồi với giáo viên. Điều này chắc chắn sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo kỹ năng nghề của trường".

Theo Thạc sĩ Nguyễn Trọng Sơn, thời gian tới, trường tiếp tục áp dụng bộ tiêu chuẩn khung và công cụ đảm bảo chất lượng ở tất cả 9 khoa, bộ môn với 27 giáo viên tham gia. Song song với phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, nâng cấp cơ sở vật chất, cải thiện môi trường học tập, việc xây dựng và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của trường, hướng đến hoàn thành mục tiêu xây dựng trường trọng điểm, đạt chuẩn chất lượng cao; đáp ứng nguồn cung lao động có tay nghề cao cho TP Cần Thơ và ĐBSCL, sẵn sàng hội nhập thị trường lao động khu vực Đông Nam Á.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết