22/08/2008 - 08:41

Hướng đến xuất khẩu, cung cấp dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao cho vùng ĐBSCL

TP Cần Thơ đang triển khai Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC)- một trong hai chương trình trọng điểm để thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp thành phố đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Các nhà khoa học cho rằng, đây là giải pháp để giải quyết vấn đề nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông nghiệp, tăng hiệu quả trên diện tích canh tác; đồng thời thể hiện vai trò của thành phố trung tâm để cung cấp dịch vụ NNCNC cho toàn vùng ĐBSCL.

ĐẤT SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP GIẢM...

Giai đoạn 2001-2005, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 6,8%/năm. Trong đó, giá trị tăng thêm của lĩnh vực trồng trọt chiếm ưu thế trong nông nghiệp (trên 76%) và chiếm hơn 15% GDP của thành phố. Diện tích đất trồng lúa ổn định ở mức 93.000-96.000 ha với sản lượng đạt 1,2 triệu tấn/năm. Ngoài ra, giá trị tăng thêm của thủy sản chiếm hơn 20% giá trị tăng thêm của khu vực I, với tổng sản lượng hàng năm khoảng 82.179 tấn. Tuy nhiên, mức đầu tư vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Giai đoạn 2001-2005, tổng mức đầu tư cho toàn ngành là 2.745 tỉ đồng, (bình quân 549 tỉ đồng/năm), trong đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thành phố chiếm hơn 9,7% tổng nhu cầu vốn của cả giai đoạn (khoảng 268 tỉ đồng). Theo tính toán của ngành nông nghiệp thành phố, giai đoạn 2006-2010, nhu cầu vốn đầu tư cho toàn ngành khoảng 2.822 tỉ đồng, từ 2011- 2015 là 6.454 tỉ đồng; từ 2016- 2020 là 12.192 tỉ đồng. Trong đó, mức đầu tư từ ngân sách thành phố có xu hướng giảm dần còn 9,2%- 8,2% và 7,6% tương ứng với từng giai đoạn. Tuy nhiên, trong tình hình lạm phát, mặt bằng giá cả tăng, những khoản đầu tư này cần phải tính toán lại cho phù hợp.

Mô hình trồng dưa hấu trong màng phủ (sản phẩm rau, quả an toàn) của HTX Rau An toàn Long Tuyền. 

Thạc sĩ Phạm Văn Quỳnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp huy động từ xã hội ngày càng giảm, những nông dân có vốn nhàn rỗi không đầu tư cho nông nghiệp như trước đây mà quay sang lĩnh vực khác. Trong tình hình khó khăn chung hiện nay, nguồn kinh phí đầu tư cho nông nghiệp từ ngân sách thành phố cũng bị cắt giảm tối đa, như việc tinh giản cán bộ quản lý. Hiện mỗi lĩnh vực chỉ có 2 chuyên viên ở cấp thành phố rất khó kiểm tra đầu vào sản xuất, kiểm định đầu ra...”.

Thêm vào đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp sẽ giảm dần trong thời gian tới. TP Cần Thơ có tổng diện tích đất tự nhiên 1.390 km2, chiếm 3,5% tổng diện tích ĐBSCL. Hiện nay, tỷ trọng nông nghiệp chỉ chiếm 21,8% trong GDP thành phố nhưng đất nông nghiệp chiếm 84% diện tích đất tự nhiên, hơn 50% dân số và gần 47% lao động đang sống và làm việc có thu nhập chủ yếu từ khu vực kinh tế nông nghiệp- nông thôn. Thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp là “qui hoạch nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, hướng vào xuất khẩu và cung cấp dịch vụ NNCNC, coi trọng phát triển công nghệ sinh học và tạo giống mới; xây dựng nhiều thương hiệu đặc sản...”. Tuy nhiên, theo qui hoạch sử dụng đất của thành phố đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, diện tích đất nông nghiệp sẽ giảm khoảng 7.000 đến hơn 8.000 ha (năm 2005 là 115.676 ha đến năm 2020, dự kiến giảm còn 99.527 ha), nhiều nhất ở vùng đất ven sông, ven đô thị. Vấn đề này đặt ra cho sản xuất nông nghiệp của TP Cần Thơ phải chuyển hướng từ đầu tư, gia tăng hàm lượng khoa học – công nghệ để tạo ra các sản phẩm hàng hóa vừa đa dạng về chủng loại, vừa có chất lượng và sức cạnh tranh cao.

TẠO ĐỘT PHÁ

Từ khi UBND thành phố có Quyết định 1294 (ngày 2-6-2008) phê duyệt “Chương trình xây dựng và phát triển NNCNC thành phố đến năm 2010, tầm nhìn 2020”, ngành nông nghiệp thành phố còn đang lúng túng trong triển khai. Giữa tháng 8-2008, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng có buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố cùng với sự đóng góp của các nhà khoa học đến từ Viện, trường đóng trên địa bàn đã mở ra cho thành phố hướng đi cụ thể trong phát triển NNCNC; thể hiện vai trò trung tâm trong việc cung cấp dịch vụ NNCNC cho cả vùng. Ở đây, việc phát triển NNCNC thực chất là thay đổi chất lượng sản xuất (nhận thức của nông dân, thay đổi cách quản lý, tập quán sản xuất). Đầu tư công nghệ cho sản xuất để tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, với giá thành cạnh tranh.

Tại buổi làm việc, các nhà khoa học nêu lên những băn khoăn trong việc qui hoạch sử dụng đất của thành phố. Tiến sĩ Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, nói: “Chúng ta mất đất cho công nghiệp, nhưng vị trí phải phù hợp nếu đẩy sản xuất nông nghiệp vào vùng sâu, xa sẽ khó mà phát triển. Bởi Cần Thơ hiện có khu công nghiệp dọc theo sông Hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường rất khó kiểm soát”. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, đưa ra đề xuất: Với vai trò là trung tâm của vùng ĐBSCL, đòi hỏi nông nghiệp của TP Cần Thơ phải có sự phát triển vượt trội, đi đầu trong một số lĩnh vực mà các tỉnh khác chưa làm được. Cụ thể, chọn sản xuất giống (lúa và thủy sản) làm khâu đột phá để phát triển. Hiện tại, TP Cần Thơ có Viện, trường đóng trên địa bàn, với đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, cùng thành tựu nghiên cứu và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thành phố nên tận dụng cơ hội này để phát triển.

Ngành nông nghiệp thành phố đã triển khai dự án trồng rau an toàn ở các quận vùng ven trung tâm; Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ cũng hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu lai tạo ra giống lúa Jasmine (hiện tại lai tạo được 8 tấn giống siêu nguyên chủng, dự kiến vụ đông xuân 2008-2009, sẽ nhân ra khoảng 600 tấn giống nguyên chủng). Ngoài ra, ngành đang tập trung xây dựng và kiến thiết lại trung tâm giống (xã Thới Thạnh, huyện Cờ Đỏ) để phục vụ công tác nghiên cứu, nhân giống.

Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, nói: “Quyết định phát triển NNCNC của TP Cần Thơ rất phù hợp với quan điểm của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), nên tính khả thi cao. TP Cần Thơ với vai trò là trung tâm của ĐBSCL thì phải tính đến chuyện phát triển CNC phục vụ cho cả vùng. TP Cần Thơ còn quỹ đất- (Công ty nông nghiệp Cờ Đỏ, Sông Hậu) rất lý tưởng trong ứng dụng sản xuất NNCNC mà không nơi nào có được. Tuy nhiên, cần phải tính phương án lâu dài. Trước mắt cần tập trung nâng cấp hệ thống trung tâm giống từ cấp thành phố đến xã và thành lập Trường đào tạo nghề cho nông dân, đồng thời phải cấp tín chỉ đào tạo dài hạn. Có như vậy, TP Cần Thơ mới tạo hướng đi riêng và đột phá so với toàn vùng”.

PHƯƠNG ÁN DÀI HƠI

Theo định hướng phát triển NNCNC đến 2010 và tầm nhìn 2020, tổng mức đầu tư trên 3.138 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách từ Trung ương hỗ trợ hơn 666 tỉ đồng, ngân sách địa phương trên 285 tỉ đồng, phần còn lại huy động từ xã hội, doanh nghiệp... Nguồn vốn tập trung đầu tư 3 khu và 3 trạm NNCNC gần 806 tỉ đồng, phần còn lại đầu tư thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên phục vụ cho sản xuất NNCNC. Mạng lưới khu- trạm NNCNC được xem là hạt nhân phát triển việc ứng dụng CNC vào sản xuất. Khu NNCNC I đặt tại Trung tâm giống Nông nghiệp Cần Thơ (xã Thới Thạnh, huyện Cờ Đỏ) qui mô 20 ha, là khu trung tâm, với nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới và chuyển giao kỹ thuật sản xuất. Khu NNCNC II và III là khu phụ trợ của khu I đặt tại Công ty Nông nghiệp Sông Hậu và Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ. Ngoài ra, 3 trạm NNCNC được qui hoạch tại các huyện Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt và Phong Điền.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng đề nghị: “Trung ương sẽ đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, nâng cấp cơ sở vật chất công phục vụ phát triển NNCNC và hỗ trợ đào tạo nông dân cho TP Cần Thơ. Riêng 3 khu NNCNC, đối với khu I (Trung tâm giống Nông nghiệp Cần Thơ), tôi đề nghị để nhà nước đầu tư cơ sở vật chất. Khu I này phải có cơ sở đào tạo nông dân và cấp chứng chỉ đào tạo, đây sẽ là mô hình điểm đầu tiên của cả nước. Còn khu II và khu III, nên để cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xã hội hóa hoàn toàn việc này để có sản phẩm tốt, đồng nhất. Khu II làm phân vi sinh, cơ sở kinh doanh giống, làm nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái. Khu III với 6.000 ha của Nông trường Cờ Đỏ dành hoàn toàn cho trồng lúa, mời gọi doanh nghiệp đầu tư để có mô hình sản xuất khép kín từ khâu làm giống đến sản xuất lúa hàng hóa, xay xát và tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu”. Theo Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ TP Cần Thơ đầu tư hệ thống thủy lợi và kiến thiết đồng ruộng hoàn chỉnh đối với các khu NNCNC. Bởi hiện tại, công đoạn làm ra hạt gạo ở nước ta bị “chặt” ra từng khúc, nên việc xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam quá nhiêu khê vì không có sản phẩm đồng nhất.

Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, nói: “Trường có thể hỗ trợ thành phố 4 lĩnh vực, như: sản xuất giống (rau an toàn và thủy sản), kỹ thuật sản xuất, liên kết về cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, nguồn nhân lực ngoài cán bộ, sinh viên trường sẵn sàng mời gọi nhân lực từ bên ngoài để hợp tác. Tôi cho rằng, để phát triển NNCNC, thành phố phải qui hoạch lại đất sản xuất nông nghiệp, khu vực nào tập trung trồng lúa, sản xuất rau... phải cụ thể. Trên cơ sở đó, xây dựng chương trình, dự án gắn với khu vực sản xuất này mới phát huy hiệu quả”.

Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Tấn Quyên khẳng định, ngân sách thành phố sẽ điều chỉnh mức đầu tư cho nông nghiệp từ năm 2009 và mức đầu tư phải gấp đôi (hiện tại hơn 7%). Việc xây dựng, phát triển các trung tâm giống, cũng như nguồn nhân lực, ngành nông nghiệp nên có đề xuất cụ thể với Thành ủy, UBND và nếu cần thì chuẩn bị tờ trình để xin ý kiến Hội đồng nhân dân thông qua vào phiên họp cuối năm 2009.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết