14/02/2015 - 15:48

Hướng đến trung tâm cung cấp giống nông nghiệp Đồng bằng

KHÁNH TRUNG

Ngày càng nhiều nông dân, doanh nghiệp tìm đến các điểm nhân giống chất lượng; người làm nghề này làm giàu và giúp nhiều người khác thoát nghèo nhờ tham gia sản xuất, cung ứng các loại giống nông nghiệp. Với “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, TP Cần Thơ đang hướng đến quy hoạch trung tâm cung cấp giống nông nghiệp cho cả vùng.

Địa chỉ tin cậy

Cần Thơ đã là điểm dừng chân, thu hút được nhiều doanh nghiệp nổi tiếng trong nước đến mở các chi nhánh và đại lý cung cấp giống, nhất là trong lĩnh vực lúa giống cho cả đồng bằng. Cần Thơ đã dần khẳng định là trung tâm cung cấp lúa giống của vùng ĐBSCL. Cứ mỗi lần tới vụ sản xuất lúa, rất nhiều nông dân tại các tỉnh ĐBSCL tìm về các viện, trường và các điểm bán lúa giống chất lượng tại TP Cần Thơ để mua giống lúa mới. Các điểm bán lúa giống nằm dọc theo quốc lộ 91 và quốc lộ 80 qua địa bàn các quận: Ô Môn, Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh phải tăng hết công suất hoạt động mới đáp ứng nhu cầu lúa giống cho thị trường khi nông dân vùng ĐBSCL bước vào các vụ gieo cấy lúa. Nhờ tham gia vào chuỗi sản xuất kinh doanh giống cây trồng vật nuôi, thu nhập của nhiều nông gia tại thành phố được cải thiện đáng kể, có nhiều người vươn lên có cuộc sống khấm khá…

 Sản xuất giống rau màu, hoa kiểng tại cơ sở hoa kiểng Thanh Tú,  phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Nhễ nhại mồ hôi khắp người vì vừa phải liên tục bê những khay đựng đầy cây giống chuyển xuống ghe giao cho một khách hàng đến từ tỉnh Kiên Giang, anh Trần Văn Tặng nhà ở quốc lộ 91 phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, nói vui vẻ: “Gần cuối năm là thời điểm hoạt động sản xuất rau màu giống nơi đây nhộn nhịp, nhiều người tìm mua cây con để sản xuất rau màu phục vụ Tết Nguyên đán. Hơn 20 năm qua, gia đình tôi và nhiều hộ dân đã sản xuất giống rau màu và khấm khá lên cũng nhờ nghề này”. Dọc theo quốc lộ 91 qua địa phận quận Ô Môn, từ lâu đã hình thành “làng nghề” chuyên sản xuất kinh doanh cá giống với hàng chục cơ sở sản xuất kinh doanh. Ông Lê Thanh Khiết gắn bó với nghề cá giống hàng chục năm, thố lộ: “Trước đây gia đình rất khó khăn, bán quán nhậu kiếm sống không khấm khá. Sau đó, chuyển sang làm nghề sản xuất kinh doanh cá giống, làm ăn đắt khách, chỉ 1 năm sau tôi đã xây được nhà mới. Nghề này đã giúp gia đình tôi “sống khỏe”!”.

Ra đời năm 2008, năng lực sản xuất lúa giống khi ấy khá hạn chế, nhưng đến nay Hợp tác xã (HTX) giống nông nghiệp Thốt Nốt (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đã có nhà xưởng khang trang, đầy đủ các hệ thống lò sấy, máy tách hạt, hệ thống đóng gói phục vụ sản xuất giống. Sản phẩm lúa giống của HTX đã được cấp giấy chứng nhận thương hiệu từ năm 2012. Ông Nguyễn Minh Phương, Chủ nhiệm HTX giống nông nghiệp Thốt Nốt, cho biết: “17 xã viên, với diện tích canh tác 50 ha làm lúa giống đã có đầu ra sản phẩm ổn định, lợi nhuận tăng khoảng 20% so với sản xuất lúa hàng hóa trước đây. HTX còn liên kết thêm với nhiều nông dân để sản xuất giống, giúp các nông hộ nâng cao hiệu quả sản xuất. Mỗi năm HTX chúng tôi sản xuất và cung ứng trên 800 tấn lúa giống các loại cho thị trường tại thành phố và các tỉnh lân cận”. Từ chỗ chỉ liên kết với khoảng 20 hộ dân, đến nay Trung tâm Thương mại và Dịch vụ lúa giống Bá Khem ở phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt kết nối với 100 hộ dân để sản xuất lúa giống với tổng sản lượng lúa giống làm ra đạt trên dưới 1.000 tấn/ năm. Ông Hồ Bá Khiêm, chủ cơ sở Bá Khem, bộc bạch “Nghề sản xuất lúa giống không chỉ giúp tôi làm giàu mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nâng cao thu nhập cho các nông hộ tham gia liên kết. Cơ sở của tôi đang tạo việc làm thường xuyên cho 15-20 người, những lúc cao điểm mùa vụ lên đến hơn 50 người”.

Mở hướng tương lai

Thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố tích cực hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn phát triển các chương trình nhân giống lúa, rau màu và thủy sản tạo chuỗi sản xuất giống chất lượng cao cung ứng cho thành phố và cả vùng. Đặc biệt, chương trình khuyến khích phát triển nhân lúa giống tại 3 cấp do ngành nông nghiệp địa phương phát động đã tạo “đột phá” phát triển sản xuất lúa giống khi ngày càng có nhiều nông dân, tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp tham gia, với tổng diện tích sản xuất lúa giống đạt trên 3.500 ha. Thành phố đã hình thành được những cánh đồng chuyên sản xuất lúa giống và hiệu quả sản xuất tại những nơi này được nâng cao. “Hầu hết nông dân tại khu vực Lân Thạnh 1 đều liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất lúa giống và được bao tiêu đầu ra với giá cao hơn lúa hàng hóa từ 500 đồng/kg trở lên, mỗi vụ lúa ở đây nông dân luôn đạt mức lợi nhuận từ 3-4 triệu đồng/công trở lên”- ông Lê Văn Nhứt ngụ khu vực Lân Thạnh 1, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, cho biết.

Cần Thơ được xem là trung tâm phù sa nước ngọt, thuận lợi sản xuất quanh năm. Trên địa bàn thành phố có các viện, trường sẵn sàng chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống và cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất giống. Nhiều nông dân và cơ sở sản xuất kinh doanh giống tại địa phương cũng đã có “tay nghề” nhân giống. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, tự tin: “TP Cần Thơ hội tụ tất cả các điều kiện thuận lợi để vươn lên đảm nhiệm vai trò “đầu mối” cung cấp giống nông nghiệp cho cả vùng và rất cần phải làm điều này để nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông nghiệp địa phương và cả vùng”.

Thành lập vào năm 1977, đến nay Viện lúa ĐBSCL đã chọn tạo và được công nhận đưa vào sản xuất 166 giống lúa, trong đó 77 giống được công nhận chính thức, 89 giống được công nhận sản xuất thử. Hầu hết các giống lúa do Viện chọn tạo với ký hiệu OM đều có thời gian sinh trưởng ngắn, từ 90-100 ngày. Hiện tỷ lệ sử dụng giống lúa OM tại các tỉnh ĐBSCL chiếm khoảng 60% -70% diện tích canh tác. Viện Lúa ĐBSCL cũng chọn tạo được tập đoàn giống lúa dưới 90 ngày thuộc nhóm Ao (ký hiệu OMCS) mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng và tính chống chịu sâu bệnh tốt, giúp nông dân trong vùng có điều kiện thâm canh, tăng vụ, né mặn, tránh lũ. Ngoài ra,Viện trực tiếp sản xuất và cung ứng khoảng 2.000 tấn giống lúa các cấp, trong đó khoảng 40 tấn lúa siêu nguyên chủng. Thời gian qua, Viện Lúa ĐBSCL đã tập trung nghiên cứu để chọn tạo ra các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh và thích nghi với các điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, xây dựng các qui trình kỹ thuật canh tác tiên tiến để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Viện cũng đã phối hợp với địa phương chuyển giao các giống lúa mới chủ yếu đến các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và nhiều vùng miền khác như miền Đông Nam bộ, Tây nguyên, duyên hải miền Trung và miền Bắc, bên cạnh đó giống lúa OM còn đi xa hơn ở  các nước Campuchia, Lào, Brunei, Indonesia, một số nước Nam Á và châu Phi. Đặc biệt, Viện đã tăng cường hợp tác với các công ty chuyển giao các giống lúa mới vào sản xuất như: Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty Cổ phần giống cây trồng Miền Nam, Công ty Cổ phần giống cây trồng Trung ương, Công ty Cổ phần Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình... Theo Tiến sĩ Nguyễn Thúy Kiều Tiên, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, Cần Thơ có đặc điểm thuận lợi về đất đai khí hậu và có rất nhiều Viện trường đóng trên địa bàn, trong đó có Viện Lúa ĐBSCL, nếu có sự phối hợp chặt giữa thành phố và các cơ quan nghiên cứu thì khả năng TP Cần Thơ sớm trở thành trung tâm giống nông nghiệp của vùng là rất lớn.

Vững tin để trở thành “trung tâm” giống của vùng ĐBSCL khi Cần Thơ được Trung ương quan tâm hỗ trợ đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ cho sản xuất giống. Theo ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, Trung tâm giống thủy sản cấp 1 Cần Thơ mang tầm khu vực do Trung ương đầu tư đang được gấp rút hoàn thiện các công đoạn cuối để có thể đưa vào hoạt động từ giữa năm 2015 nhằm lưu giữ nguồn gien, kịp thời đưa các tiến bộ kỹ thuật về giống vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu về phát triển thủy sản nước ngọt ở khu vực ĐBSCL. Dự kiến đến năm 2020, Trung tâm này sẽ trở thành một trong những nơi cung cấp giống thủy sản gốc chất lượng cao cho toàn vùng.

Hiện thành phố đang xúc tiến xây dựng các vùng sản xuất giống tập trung với các cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Đáng chú ý là vùng sản xuất giống thủy sản tập trung 200 ha tại huyện Cờ Đỏ đã có doanh nghiệp xin chủ trương thực hiện, tập trung sản xuất cá tra giống và một số loại giống thủy sản khác mà vùng ĐBSCL đang có nhu cầu. Tin rằng, với những tiền đề thuận lợi cùng sự chung tay,TP Cần Thơ tự tin vươn lên trở thành trung tâm giống của vùng trong tương lai không xa.

Chia sẻ bài viết