09/10/2013 - 22:41

Hướng đến nền nông nghiệp sạch, xanh

Tiền Giang có mô hình sản xuất lúa đạt chứng nhận Global GAP đầu tiên của ĐBSCL, nhưng đầu ra thiếu ổn định, nên một số nông dân không mặn mà duy trì mô hình. (Trong ảnh: Thương lái mua lúa đang tập kết tại huyện Cai Lậy).

Sản xuất nông nghiệp bền vững, đảm bảo thu nhập cho nông dân, giảm tác hại đến môi trường, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu là những mục tiêu mà các địa phương cả nước đang hướng đến. Tại ĐBSCL, tỉnh Tiền Giang là địa phương có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP (thực hành nông nghiệp tốt), đáp ứng các tiêu chí đảm bảo an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Thành quả bước đầu...

Những năm qua, các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương ra sức kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nông dân tham gia sản xuất theo hướng bền vững, giảm thiểu tác hại đến môi trường, sản xuất an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng. Hướng đi này được các nhà khoa học khẳng định là con đường tất yếu phải làm. Từ đó, hàng loạt mô hình, chương trình, dự án đã được triển khai, xây dựng trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng. Trong 10 năm qua, Tiền Giang triển khai các mô hình sản xuất rau an toàn ở huyện Châu Thành, TP Mỹ Tho với quy mô vài héc-ta. Từ những mô hình ban đầu, tỉnh xây dựng và triển khai Đề án 500ha rau an toàn cho các huyện, thành, thị có lợi thế phát triển rau màu. Theo đó, ngành nông nghiệp xây dựng mô hình trình diễn, tập huấn cho người dân kỹ thuật, quy trình sản xuất rau an toàn. Một trong những mô hình thành công trên cây rau màu phải kể đến Tổ hợp tác sản xuất rau Thuận Hòa. Từ đề tài "Xây dựng mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP" do Sở NN&PTNT và Viện Cây ăn quả miền Nam phối hợp thực hiện, mô hình đã đạt chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP vào tháng 5-2012. Và nhiều mô hình sản xuất rau theo các tiêu chuẩn GAP, rau an toàn đã và đang tiếp tục được triển khai tại nhiều huyện trong tỉnh. "Vương quốc rau"- Châu Thành đặt mục tiêu phấn đấu có 1.000ha sản xuất rau an toàn vào năm 2015.

Trên cây ăn trái, năm 2007, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh xây dựng mô hình sản xuất vú sữa Lò Rèn theo tiêu chuẩn Global GAP. Một năm sau, mô hình 7ha vú sữa Lò Rèn ở Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) được công nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP và mô hình được mở rộng trên 50ha. Tiếp đó, Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng mô hình sản xuất lúa ở Hợp tác xã Mỹ Thành (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy) theo tiêu chuẩn Global GAP, hiện mô hình này đã mở rộng ra nhiều xã của huyện Cai Lậy và một số huyện lân cận. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí hằng năm, ngành bảo vệ thực vật tỉnh còn triển khai các mô hình "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm". Trong vụ thu đông 2013, chi cục đã triển khai 6 mô hình trên với qui mô mỗi mô hình là 10ha tại các huyện Tân Phước, Gò Công Đông, thị xã Gò Công và Tân Phú Đông. Đến nay, tỉnh Tiền Giang có nhiều mô hình sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP như: mô hình sản xuất xoài cát Hòa Lộc, thanh long, khóm, sơ-ri, cam sành, chôm chôm, nhãn… phát triển khá tốt, được người dân hưởng ứng cao.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Tiền Giang, chi cục đang triển khai mô hình "Sản xuất ớt an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP" (thuộc Chương trình vốn mục tiêu quốc gia) tại xã Bình Ninh (huyện Chợ Gạo) có qui mô 10ha với 30 hộ nông dân tham gia; 1 mô hình GAP "Sản xuất rau các loại (cải tàu sậy, dưa leo, cần tàu…) tại xã Tân Đông (huyện Gò Công Đông), quy mô 5ha với 30 hộ nông dân tham gia. Bước đầu, mô hình sản xuất ớt an toàn cho thu nhập tăng 10% so với mô hình truyền thống, giảm chi phí sản xuất từ 500.000-1.000.000 đồng/ha. Hiện nay, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch được triển khai tại các địa phương trong tỉnh, nhận thức của người dân được nâng lên đáng kể. Đây là nền tảng vững chắc để hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững.

Cần sự đồng thuận

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện phó Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, sản xuất theo quy trình GAP, mô hình phải tuân thủ các tiêu chí như: thân thiện với môi trường, giảm lượng bón phân hóa học, áp dụng các quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp, giảm sử dụng thuốc hóa học, ưu tiên sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học... Tỉnh Tiền Giang là một trong những địa phương có nhiều mô hình sản xuất an toàn và mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, nhân rộng mô hình phải có những chính sách khuyến khích nông dân thiết thực hơn. Các cấp, các ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền; Nhà nước xây dựng các mô hình mẫu theo quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Những nông dân được chọn tham gia mô hình phải là những người nhiệt tình, có kiến thức, cầu tiến. Có như thế, các mô hình sản xuất an toàn mới thực sự thuyết phục, người dân sẽ hưởng ứng và việc nhân rộng mô hình thuận lợi hơn.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, từ năm 2009 đến nay, ngành liên tục triển khai nhân rộng các mô hình "Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái" để quản lý rầy nâu, virus trên lúa. Trung bình mỗi năm có trên dưới 600ha áp dụng mô hình này. Từ đó, giúp cân bằng sinh thái cho đồng ruộng, giảm chi phí sử dụng thuốc trừ sâu bệnh. Có vụ lúa, nông dân gần như không phun thuốc trừ sâu, như vụ lúa đông xuân 2012-2013, tỉnh triển khai 10 mô hình áp dụng công nghệ sinh thái, quy mô mỗi mô hình 20ha ở các huyện Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và thị xã Gò Công. Trong vụ mùa đầu tiên trồng hoa trên bờ ruộng, nông dân Hồ Văn Tám, ấp Hòa Bình, xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông cho biết, ông giảm được 2 lần phun thuốc trừ sâu rầy (giảm khoảng 700 ngàn đồng/0,8ha lúa). Từ những hiệu quả ban đầu, ông Tám tiếp tục áp dụng mô hình này cho đến nay.

Mặc dù Tiền Giang có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, GAP, Global GAP,… nhưng việc triển khai, nhân rộng mô hình còn nhiều khó khăn và hạn chế. Đơn cử như trên lúa, cây ăn trái, thời gian qua, một số mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP của tỉnh không có đầu ra ổn định, một số nông hộ xin ra khỏi mô hình và quay lại cách sản xuất truyền thống. Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, cho biết: "Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều mô hình theo quy trình GAP. Những mô hình này mang hiệu quả thiết thực như: nông sản sạch, tiết kiệm chi phí và bán cao hơn giá thị trường. Nhưng nhiều mô hình đang gặp khó, do đầu ra thiếu ổn định, giá cả không chênh lệch nhiều so với sản xuất thông thường nên một số nông dân nản lòng. Còn mô hình công nghệ sinh thái cho hiệu quả thiết thực, bởi vừa tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường...". Theo ông Hóa, tuy các mô hình GAP đang gặp khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh đang tìm cách tháo gỡ và củng cố lại các mô hình này trong thời gian tới. Đây là con đường duy nhất để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và xu hướng toàn cầu hóa. Tuy nhiên, cần chính sách đòn bẩy, hỗ trợ nông dân tiếp cận kỹ thuật tiên tiến và chính sách này cần sự tham gia của các doanh nghiệp trong khâu bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm.

Bài, ảnh: Khải Ca

 

Chia sẻ bài viết