12/11/2012 - 21:12

Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng cao

Tiền Giang có 177 ngàn héc-ta sản xuất nông nghiệp, trong đó trên 80 ngàn héc-ta trồng lúa sản xuất 3 vụ trong năm; khoảng 70 ngàn héc-ta cây ăn trái với nhiều chủng loại đặc sản có lợi thế cạnh tranh như: vú sữa Lò Rèn, thanh long, xoài cát Hòa Lộc... 35 ngàn héc-ta trồng 25 chủng loại rau các loại với sản lượng 750 ngàn tấn/năm; đàn heo trên 500 ngàn con và 13 ngàn héc-ta nuôi trồng thủy sản... Những con số trên cho thấy tiềm năng của nền nông nghiệp tỉnh nhà là rất lớn. Nếu không bắt đúng "mạch" thì lợi thế đó khó khai thác hiệu quả và phát huy đúng mức.

Tăng năng suất và diện tích

      Vú sữa Lò Rèn được chứng nhận Global GAP nhưng rất khó tìm đầu ra. Ảnh: SĨ NGUYÊN  

Thời gian qua, Tiền Giang đã ban hành nhiều chính sách phù hợp trong phát triển nông nghiệp, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng kỹ thuật công nghệ vào sản xuất. Từ đó, năng suất tăng cao, cơ cấu cây trồng chuyển đổi theo hướng tăng diện tích những cây trồng có giá trị kinh tế cao. Năm 1975, toàn tỉnh chỉ có khoảng 30 ngàn héc-ta cây ăn trái thì đến nay đã phát triển lên khoảng 70 ngàn héc-ta, hình thành nên những vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, thanh long, sầu riêng… Năm 2011, giá trị cây ăn trái trên 3.200 tỉ đồng, chiếm trên 50% giá trị sản lượng trồng trọt. Nông dân đã áp dụng đồng bộ kỹ thuật vào vùng trồng như tỉa cành, tạo tán, bao trái, các ngành chức năng rất quan tâm, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, theo các tiêu chuẩn GAP. Ngành nông nghiệp tỉnh đang định hướng phát triển sản xuất vườn cây ăn trái gắn với thị trường, hình thành ổn định các vùng nguyên liệu; tổ chức lại sản xuất theo hình thức doanh nghiệp cổ phần, HTX, đưa nhanh quy trình GAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) vào sản xuất và có sự tham gia của các doanh nghiệp.

Diện tích lúa hiện nay cho sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn, năng suất lúa tăng cao đáng kể, trung bình trên 6 tấn/ha, có vùng năng suất tăng lên 7 tấn/ha. Bên cạnh tăng năng suất, nông dân ngày càng quan tâm đến sử dụng công cụ sạ hàng, sạ thưa, chất lương hạt giống, sử dụng giống lúa xác nhận, giống nguyên chủng vào sản xuất, giống lúa đặc sản; áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Theo ước tính, hiện nay có trên 50% diện tích lúa sử dụng giống xác nhận, nguyên chủng. Toàn tỉnh có khoảng 40 ngàn héc-ta sản xuất lúa chất lượng cao, 20 ngàn lúa sản xuất phục vụ xuất khẩu. Để hướng đến nền sản xuất bền vững, vài năm gần đây, tỉnh đã cho triển khai áp dụng mô hình cộng đồng ứng dụng công nghệ sinh thái để quản lý dịch hại trên lúa; mô hình "3 giảm 3 tăng". Từ khi triển khai mô hình đầu tiên ở Cai Lậy đến nay, tỉnh đã triển khai đến tất cả các địa phương trong tỉnh với diện tích trên 1.000 ha, mang lại lợi nhuận thiết thực cho người nông dân từ giảm chi phí khoảng 2 triệu đồng/ha. Cùng với các tỉnh trong khu vực, Tiền Giang đã và đang triển khai xây dựng "cánh đồng mẫu lớn" từ đầu tư đến bao tiêu sản phẩm. Đến nay, tỉnh đã triển khai cho khoảng 2.000 ha. Ngành nông nghiệp đang tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty Lương thực tỉnh Tiền Giang và Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp tiếp tục triển khai 500 ha lúa theo mô hình "cánh đồng lúa mẫu lớn" ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy.

Cây rau phát triển tập trung ở Châu Thành, Chợ Gạo và thị xã Gò Công, đã hình thành nên những vùng chuyên canh rau với những chủng loại nhất định như làng rau má, hành lá... với sản lượng khoảng 750 ngàn tấn/năm, cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Phát triển nông nghiệp theo chiều sâu

Thời gian qua, tỉnh đã xây dựng một số mô hình sản xuất trên lúa, cây ăn trái đạt các tiêu chuẩn GAP như: 45 ha vú sữa Lò Rèn và 100 ha lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP; 22 ha khóm Tân Lập đạt VietGAP. Ngay trong năm 2012, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có 4 sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP là thanh long, xoài cát Hòa Lộc, nhãn, chôm chôm. Ngoài ra, còn có hợp tác xã lúa Mỹ Thành đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, tổ hợp tác rau Thuận Hòa (Long Thuận, thị xã Gò Công) đạt chứng nhận VietGAP. Theo ước tính đến nay toàn tỉnh đã triển khai khoảng 1.000 ha rau sản xuất theo hướng an toàn, GAP. Trong thủy sản, tỉnh đã triển khai xây dựng thành công mô hình nuôi cá tra đạt chứng nhận SQF CM1000 ở Cái Bè.

Tất cả những kết quả vẫn chưa thấm vào đâu trên hành trình nỗ lực Phát triển nền nông nghiệp toàn diện, chất lượng. Đó là chưa nói đến các mô hình trên tồn tại rất nhiều hạn chế, chưa phát huy hiệu quả. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, trong quá trình triển khai thực hiện tỉnh vẫn còn gặp không ít những khó khăn hạn chế. Đó là sản xuất nhỏ lẻ, tự phát; công tác quản lý giống còn nhiều bất cập; công nghệ thu hoạch trên cây ăn trái còn khá lạc hậu; kỹ năng, trình độ của nông dân còn hạn chế; việc đầu tư chưa đồng bộ; khai thác quá mức đối với cây trồng dẫn đến nguồn dinh dưỡng trong đất bị cạn kiệt. Công nghệ sau thu hoạch, các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực này có quy mô nhỏ, thất thoát sau thu hoạch cao trên 10% nhưng chưa có giải pháp giảm hiệu quả. Việc đầu tư không đồng bộ, cấp độ thực hiện cũng khác; công tác quản lý còn nhiều bất cập. Đó cũng là thực trạng nông nghiệp ở ĐBSCL hiện nay.

Để khắc phục được điều này đồng thời xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết: Ngành tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về phát triển sản xuất theo công nghệ sinh học, phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích khoảng 1.000 ha. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ cố gắng làm tốt công tác quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm. Trong cơ cấu cây trồng, chủ lực là cây ăn trái và cây lúa, trong đó cây ăn trái là trọng tâm, tạo bước đột phá mới. Trong đó, ngành phấn đấu đẩy mạnh sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn an toàn tạo chuyển biến lớn về chất. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư hạ tầng cho từng vùng, triển khai xây dựng và sửa chữa các kho chứa lúa gạo; hình thành trung tâm lúa gạo ở huyện Cai Lậy, hỗ trợ cơ giới hóa trong thu hoạch và sau thu hoạch, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.

Đối với định hướng sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, theo ngành nông nghiệp, tỉnh phấn đấu đến năm 2015 có 80% nông dân sản xuất cây ăn trái được cập nhật sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và có 30% diện tích cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; 50% diện tích đạt tiêu chuẩn trên vào năm 2020. Phát triển diện tích vườn cây ăn trái các loại là 79.800 ha, sản lượng trái đạt 1,18 triệu tấn/năm, giá trị sản lượng vào năm 2015 khoảng 4.283 tỉ đồng. Tỉnh tiếp tục nhân rộng các mô hình cộng đồng ứng dụng công nghệ sinh thái vào quản lý dịch hại trên cây lúa. Trên cây lúa ổn định diện tích 76 ngàn héc-ta, áp dụng cơ giới hóa từ sản xuất đến thu hoạch, chú trọng áp dụng theo GAP. Trên cây rau, ngành phấn đấu đạt 45 ngàn ha rau với sản lượng 800 ngàn tấn/năm, trong đó 1.000 héc-ta rau an toàn, khi có đủ điều kiện sẽ tiến hành xúc tiến chứng nhận các tiêu chuẩn GAP.

Khải Ca

Chia sẻ bài viết