16/04/2019 - 07:31

Hướng đến mô hình giáo dục tiên tiến 

Trong mùa tuyển sinh 2019, Phân hiệu Ðại học FPT Cần Thơ hiện đang thu hút sự quan tâm của học sinh và phụ huynh bởi môi trường học tập năng động, mở ra nhiều cơ hội để học sinh ÐBSCL thụ hưởng giáo dục tiên tiến.

Sinh viên học tập tại Thư viện của Phân hiệu Đại học FPT Cần Thơ.

► Tuyển sinh khóa đầu tiên bậc THPT

TP Cần Thơ hiện có 36 trường THPT công lập và ngoài công lập. Trong đó, có một số trường THPT chuyên biệt, như: Chuyên Lý Tự Trọng, Phổ thông Dân tộc Nội trú, Thực hành Sư phạm (thuộc Trường Đại học Cần Thơ), THPT FPT Cần Thơ (trực thuộc Đại học FPT Cần Thơ)… Mỗi trường có sứ mệnh khác nhau và đều  hướng đến mục tiêu giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho thành phố và ĐBSCL. Là một trong 3 cơ sở của hệ thống THPT FPT trong cả nước sau Hà Nội và Đà Nẵng, Trường THPT FPT Cần Thơ hoạt động theo mô hình trường nội trú. Theo đó, học sinh học tập, sinh hoạt từ thứ hai đến hết thứ sáu hằng tuần tại trường. Hai ngày cuối tuần không học thêm, không bài tập sẽ được các em dành hoàn toàn cho gia đình và các hoạt động xã hội. Đây còn là một trong các mô hình của các trường THPT hàng đầu ở Mỹ và nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến khác. Chương trình đào tạo tại THPT FPT được xây dựng với các điểm nổi bật, như: định hướng giáo dục quốc tế, tăng cường Tiếng Anh và Công nghệ thông tin.

Theo ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học FPT, ngoài kiến thức phổ thông nền tảng, chương trình THPT còn có những nội dung giúp cho học sinh hướng tới các chương trình giáo dục đại học chuẩn quốc tế tại Việt Nam hoặc đi du học. Chương trình còn có phần phát triển cá nhân toàn diện, môi trường học tập, hệ thống câu lạc bộ; các hoạt động ngoại khóa phong phú giúp phát hiện và hình thành sớm niềm đam mê, để học sinh định hướng đúng nghề nghiệp, phát triển tính tự lập và tư duy phản biện, sáng tạo. “Năm nay, Hệ thống Giáo dục FPT sẽ hoàn chỉnh các chương trình chất lượng cao từ tiểu học đến sau đại học cho học sinh vùng ĐBSCL”, ông Phong cho biết.

Theo kế hoạch, năm học 2019-2020 Trường THPT FPT Cần Thơ tuyển 150 học sinh cho 5 lớp 10, 11 và 12; với 2 hình thức tuyển sinh là xét tuyển học bạ hoặc tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Ông Phong thông tin thêm, qua thống kê của các cơ sở Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, học sinh tốt nghiệp ở Trường THPT FPT có 31% các em tiếp tục học Đại học FPT, 44% học đại học khác và 24% du học.

► Hợp tác cùng phát triển

Sau 13 năm hoạt động, Đại học FPT được biết đến như chiếc nôi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao chuyên ngành Công nghệ thông tin, Kinh tế, Mỹ thuật… cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước; kể cả giáo dục toàn diện cho học sinh từ cấp tiểu học đến THPT. Riêng Phân hiệu Đại học FPT Cần Thơ, sau hơn 2 năm hoạt động, trường đã từng bước khẳng định vị thế của mình; với hàng loạt công trình ở giai đoạn 1 được hoàn thành, như: Tòa nhà Beta gồm 60 phòng học các loại và thư viện… xứng tầm là khuôn viên trường đại học hiện đại và đẹp nhất khu vực, đáp ứng nhu cầu phục vụ 10.000 sinh viên và 1.000 học sinh THPT.

Trong chuyến làm việc của UBND TP Cần Thơ, do bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng đoàn, với Phân hiệu Đại học FPT Cần Thơ ngày 11-4, đại diện các sở, ngành, trường học của thành phố cho rằng: Mô hình giáo dục từ phổ thông đến đại học tại Phân hiệu Đại học FPT Cần Thơ là mô hình giáo dục tiên tiến, đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới. Ông Võ Minh Lợi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, cho biết: “Mô hình giáo dục tại Trường THPT FPT Cần Thơ phát huy khả năng sáng tạo, tích cực chủ động trong dạy và học; là mô hình hay mà các trường THPT khác tham khảo, học tập”. Theo cô  Cao Thị Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, tuy là trường chuyên lâu năm và được thành phố đầu tư trang thiết bị thực hành hiện đại, trường cũng muốn phát triển hơn khi tiếp cận những nét mới trong giáo dục ở Trường THPT FPT Cần Thơ. “Trường hy vọng giáo viên, học sinh giữa hai trường giao lưu hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, những tiến bộ trong công nghệ để cùng phát triển”, cô Hà nói.

Chương trình đào tạo của Phân hiệu Đại học FPT Cần Thơ cũng được đánh giá cao, nhất là việc đưa sinh viên đến thực tập tại các doanh nghiệp trong và ngoài tập đoàn ở năm thứ 3 của chương trình học. Theo đó, sinh viên không cần có mặt ở giảng đường 100% thời gian; hoàn toàn có cơ hội được tuyển dụng ngay khi chưa hoàn tất đồ án tốt nghiệp. Việc tiếp cận sớm với doanh nghiệp giúp sinh viên tự tin và có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn. Theo bà Võ Thị Hồng Ánh, bên cạnh tham khảo mô hình đào tạo và học tập tại Đại học FPT, các sở, ban, ngành thành phố cần ký kết hợp tác với Phân hiệu Đại học FPT Cần Thơ để đào tạo, sử dụng nhân sự chất lượng cao; nhất là nguồn nhân lực phục vụ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thực tế hiện nay cho thấy, thành phố đang có nhu cầu nhân sự vừa giỏi chuyên môn vừa thông thạo nhiều ngoại ngữ, bên cạnh tiếng Anh, còn có tiếng Hàn, tiếng Nhật... Những ngành đặc thù và nhiều cơ hội, đơn cử như Công nghệ thông tin, cần được đầu tư và đẩy mạnh khai thác. Đây cũng là điều mà lãnh đạo thành phố kỳ vọng ở Phân hiệu Đại học FPT Cần Thơ.

Dự án Tổ hợp Đại học và Công viên phần mềm FPT là tổ hợp giáo dục và công nghệ cao đầu tiên tại ĐBSCL, có quy mô 17,4ha với vốn đầu tư gần 1.200 tỉ đồng. Dự kiến năm 2019, trường tiếp tục xây dựng tòa nhà Gama, trường THPT nội trú, căn-tin và ký túc xá… Theo ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học FPT, nhà trường mong muốn UBND thành phố sớm giao đất giai đoạn 2 để khởi công xây dựng các hạng mục vào tháng 5, kịp phục vụ học sinh đầu năm học mới 2019-2020. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ cho rằng, Sở đang chờ kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của quận Bình Thủy để xem xét trình UBND thành phố phê duyệt. Nếu thủ tục này xong sẽ mới giao đất, để trường triển khai đúng tiến độ.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết