17/08/2022 - 08:18

Hướng đến cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Từ ngày 24 đến 26-8-2022, tại TP Cần Thơ diễn ra sự kiện Agritechnica Asia live 2022 với chủ đề "Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Hiệp hội Nông nghiệp Ðức (DLG) và Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) tổ chức. Ðây là sự kiện quốc tế quan trọng, thu hút nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong nước, quốc tế và nhiều hoạt động hội thảo, trưng bày, giới thiệu, trình diễn máy móc, thiết bị, công nghệ mới...

Sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa tại Viện Lúa ÐBSCL.

Nhiều mô hình, hoạt động trình diễn

Viện Lúa ÐBSCL ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ được chọn là nơi tổ chức trình diễn nhiều mô hình sản xuất lúa tiên tiến, Viện Lúa đã xây dựng các mô hình như gieo sạ bằng máy thông thường, gieo sạ máy kết hợp công nghệ khí động, sạ bằng máy sạ cụm, cấy máy kết hợp bón phân chôn vùi… Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng Bộ môn Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Viện Lúa ÐBSCL, cho biết: "Viện đã chuẩn bị rất lớn cho khu vực đồng ruộng tại Viện để đảm bảo cho các hoạt động trình diễn của Viện và các đơn vị, doanh nghiệp. Viện cũng đã chuẩn bị khu trình diễn khâu làm đất, san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser, khu trình diễn máy gặt đập liên hợp và những khu khác để có thể trình diễn tất cả các loại máy, cũng như các công tác khác có liên quan…".

Ngoài ra, Viện Lúa ÐBSCL cũng đã chủ động bố trí các khu vực đồng ruộng tại cánh đồng lúa của Viện để doanh nghiệp chuẩn bị các mô hình trình diễn. Bà Ðào Thị Như Hè, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng, cho biết: "Cùng với tham gia thực hiện mô hình trình diễn tại Viện Lúa ÐBSCL, tham gia sự kiện này, Công ty sẽ tập trung trưng bày, giới thiệu các loại máy của công ty như máy sạ cụm, máy bay không người lái, máy xay xát… Công ty mong muốn bà con nông dân tại ÐBSCL và các đối tác, khách hàng quốc tế được tiếp cận những sản phẩm này. Ðặc biệt, máy sạ cụm giúp nông dân tiết kiệm được lượng giống sử dụng rất lớn và có thể kết hợp bón phân chôn vùi để giảm chi phí phân bón và nhân công".

Hướng đến cơ giới hóa

Với đặc tính có nhiều tiểu vùng sinh thái khác nhau, đồng đất tại vùng ÐBSCL khá đa dạng, trong đó có những vùng đồng đất khá sình lầy, khó đưa các loại máy móc cơ giới vào vận hành trên đồng ruộng. Trước thực tế đó, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã quan tâm nghiên cứu sản xuất, nhập khẩu và thực hiện cải tiến nhiều loại máy móc nhằm phù hợp nhu cầu tại vùng ÐBSCL. Theo bà Ðào Thị Như Hè, để đưa máy sạ cụm vào vận hành tốt tại vùng ÐBSCL, Công ty đã nghiên cứu cho ra thị trường cả sản phẩm máy sạ cụm gắn trên máy cày, máy cấy và thiết bị máy sạ cụm kéo bộ dành cho đồng ruộng sình lầy. Hiện nay, việc ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết nhằm giúp nông dân giảm chi phí nhân công, chi phí vật tư và nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn chưa quan tâm đúng mức, cũng như gặp khó trong tiếp cận và nắm bắt thông tin về các loại máy móc mới...

Hưởng ứng Sự kiện quốc tế Agritechnica Asia live 2022, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã phối hợp Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty CP Phân bón Bình Ðiền hỗ trợ nông dân tại xã Ðông Bình, huyện Thới Lai thực hiện mô hình trình diễn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Tại mô hình, nông dân không chỉ canh tác lúa theo quy trình canh tác thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu mà còn được hỗ trợ để áp dụng nhiều loại máy móc hiện đại vào sản xuất như: cấy bằng máy, bón phân bằng máy bay không người lái… Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, mục tiêu của mô hình nhằm giúp nông dân ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, từ gieo trồng đến chăm sóc, thu hoạch lúa. Các ứng dụng cơ giới hóa tại mô hình giúp nông dân thấy rõ hiệu quả để mạnh dạn đầu tư nhân rộng.

Những năm qua, Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan chuyên muôn thuộc bộ, các viện, trường và ngành Nông nghiệp tại các địa phương vùng ÐBSCL cũng đã tích cực khuyến khích, hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ðến nay, nhiều khâu trong quá trình sản xuất lúa ở TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ÐBSCL như làm đất, tưới nước, thu hoạch... đã được cơ giới hóa hầu như hoàn toàn. Tuy nhiên, việc ứng dụng cơ giới trong sản xuất lúa và nhiều loại cây trồng khác vẫn có những khâu còn yếu, cần được đẩy mạnh hơn nữa để hướng đến cơ giới hóa đồng bộ. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ Trần Thái Nghiêm, ngành Nông nghiệp thành phố đang tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa. Khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn và nhân rộng các mô hình, cách làm hay và giải pháp hiệu quả trong thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng Bộ môn Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Viện Lúa ÐBSCL, hiện khâu cơ giới tưới tiêu tại ÐBSCL đã áp dụng tương đối chủ động, còn thu hoạch bằng máy gặt đập hầu như 100%, ngoại trừ gặt đập lúa trên vùng lúa - tôm. Có trên 80% diện tích lúa tại các địa phương đã được nông dân sạ bằng các máy móc cơ giới, nhất là máy phun hạt đeo vai. Tuy nhiên, việc áp dụng máy sạ cụm và cấy máy còn khiêm tốn chỉ khoảng 5% diện tích, trong khi áp dụng các phương pháp này, nông dân chỉ cần sử dụng 50-60kg giống/ha trở lại, giúp giảm được rất nhiều chi phí tiền giống.

Chia sẻ bài viết