01/10/2024 - 07:22

Hướng dẫn sử dụng ứng dụng RCM cho nông dân tham gia Dự án Sử dụng phân bón đúng 

(CT) - Ngày 30-9, Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ phối hợp Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI), cùng các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng ứng dụng RCM (quản lý dinh dưỡng cây trồng) cho nông dân tham gia Dự án Sử dụng phân bón đúng (FerRight) và thảo luận đánh giá mức độ chấp nhận của người dùng ứng dụng RCM.

Các đại biểu được các chuyên gia IRRI giới thiệu về ứng dụng RCM.

RCM đã được tạo ra dựa trên các nguyên tắc khoa học, kết hợp với công nghệ thông tin và truyền thông. RCM cung cấp cho nông dân các khuyến nghị về phân bón và lời khuyên canh tác được cá nhân hóa dựa trên các dữ liệu được nông dân cung cấp từ các diện tích đất canh tác cụ thể. RCM có thể truy cập thông qua trình duyệt Web trên máy tính, máy tính bảng và điện thoại thông minh. Tại tập huấn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ cùng với các chuyên gia đến từ IRRI cập nhật, cung cấp cho nông dân các thông tin về Dự án FerRight. Giới thiệu và hướng dẫn về việc ứng dụng RCM để sử dụng phân bón đúng, cũng như tiến hành trao đổi, thảo luận để đề ra các giải pháp nhằm khai thác, phát huy hiệu quả sử dụng RCM và triển khai thực hiện tốt Dự án FerRight.

Dự án FerRight được Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ thông qua Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT là chủ Dự  án, với hỗ trợ kỹ thuật từ Cơ quan Bảo tồn Nguồn lợi tự nhiên thuộc USDA, cùng với IRRI. Dự án được triển khai trong 4 năm (2024 đến 2027) tại 6 tỉnh, thành của nước ta gồm Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Cần Thơ, Đồng Tháp và Sóc Trăng. Mục tiêu của Dự án nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất sử dụng phân bón, tăng thu nhập cho nông dân và giảm phát thải khí nhà kính trong trồng lúa từ việc sử dụng phân bón đúng. Dự án FerRight gồm có 3 hợp phần, thứ 1 là phát triển công nghệ và công cụ, thứ 2 là tăng cường năng lực và truyền thông và thứ 3 là giám sát và đánh giá. Trong thời gian triển khai Dự án, nông dân tại các nơi tham gia Dự án sẽ được tiếp cận kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thực hành nông nghiệp chính xác nhằm sử dụng tối ưu đầu vào… Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tại TP Cần Thơ, Dự án được triển khai tại các huyện trồng lúa chủ lực của thành phố gồm Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh. Dự kiến từ vụ lúa đông xuân 2024-2025, có 24 hộ dân tại các huyện trên tiến hành thực hiện các mô hình sử dụng phân bón đúng và các mô hình đối chứng để có sự so sánh, đánh giá kết quả…

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết