18/10/2009 - 21:09

Hùn vốn, giúp nhau thoát nghèo

Chị Huỳnh Thị Kim Liên, điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi của khu vực Bình Lợi, phường Trường Lạc, (bên trái ảnh) bán hàng cho khách trong tiệm tạp hóa của gia đình.

Thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) quận Ô Môn, TP Cần Thơ, đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ hội viên nâng cao đời sống, đặc biệt trong phong trào vận động phụ nữ làm kinh tế. Từ sự hỗ trợ này, nhiều chị đã thoát nghèo, có điều kiện chăm lo gia đình được tốt hơn. Điều đáng quý là qua các hoạt động hùn vốn, cùng nhau làm ăn, các hội viên càng thêm đoàn kết, gắn bó.

Kinh tế chủ yếu của quận Ô Môn vẫn là nông nghiệp, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ chiếm 25% trong tổng số hộ nghèo của quận... Để giải quyết việc làm, giải quyết khó khăn trong đời sống của chị em, đồng thời phát động phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, tính đến nay, Hội LHPN quận Ô Môn đã tổ chức được 110 nhóm phụ nữ tiết kiệm (PNTK) với 4.411 thành viên tham gia. Bà Phan Thị Pa Ri, Chủ tịch Hội LHPN quận Ô Môn, cho biết: “Hội đã xác định nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình là mũi nhọn để tác động mạnh mẽ đến phong trào phụ nữ. Điều chị em cần nhất là vốn để làm ăn nên chúng tôi luôn tìm cách để đáp ứng nhu cầu này. Phần lớn chị em hội viên rất đảm đang, sử dụng tiền đúng mục đích. Hội luôn tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các nguồn vốn, vận động chị em tham gia các dự án thoát nghèo để ổn định cuộc sống”. Những hộ không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng sẽ được Hội xét cho vay từ nguồn vốn “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”. Năm 2008, toàn quận Ô Môn có 477 hộ thoát nghèo, trong đó có 130 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ.

Phường Trường Lạc có gần 2.000 hội viên phụ nữ, trong đó số lượng chị em đồng bào dân tộc Khmer chiếm số lượng không nhỏ. Thời gian qua, Hội Phụ nữ đã đào tạo nghề, giới thiệu việc làm giúp đồng bào dân tộc Khmer nâng cao chất lượng cuộc sống và thoát nghèo bền vững. Kết quả sau 2 năm (2007 và 2008) giúp nhau làm ăn, phường Trường Lạc có 35 hộ do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, trong đó có 14 hộ đồng bào dân tộc Khmer. Mấy năm qua, phường chọn khu vực Bình Lợi, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, để triển khai mô hình “Vận động phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế gia đình”. Ban chấp hành Hội LHPN phường tranh thủ nguồn vốn vận động tương trợ trong nội bộ và Ngân hàng Chính sách Xã hội quận, giúp 72 hội viên dân tộc vay với số tiền gần 400 triệu đồng để chăn nuôi, mua bán, cải tạo ruộng vườn. Các cấp Hội hướng dẫn chị em áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập gắn với xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Điển hình của phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi của khu vực Bình Lợi là chị Huỳnh Thị Kim Liên. Trong vai trò là Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của khu vực, chị Liên đã vượt khó, vươn lên, giúp đỡ những chị em khác cùng cải thiện cuộc sống. Quê chị Liên ở Sóc Trăng, gia đình nghèo, dắt díu nhau lên Cần Thơ lập nghiệp. Không miếng đất cắm dùi, chị đã trải qua biết bao cay đắng, làm thuê đủ nghề, ngược xuôi mưu sinh nuôi cha mẹ già và đàn em nhỏ. Năm 1997, chị Liên được bầu làm nhóm trưởng nhóm PNTK người dân tộc khu vực Bình Lợi. Vay Ngân hàng Chính sách Xã hội được 5 triệu đồng, chị đầu tư nuôi heo, trả lãi đúng hẹn. Sau đó chị vay thêm 7 triệu đồng mua bò nuôi. Công việc chăn nuôi, mua bán ngày càng có hiệu quả, chị Liên tích lũy mua 4 công ruộng. Tích cóp từ từ chị mua đất, mở tiệm tạp hóa nhỏ, rồi bắt đầu nuôi heo, bò sữa, nấu rượu bán... Giờ chị đã có cơ ngơi nhà cửa khang trang với 2 tiệm tạp hóa bán hàng cho bà con trong vùng lúc nào cũng tấp nập khách. Với tính hay làm, đêm nào chị cũng thức từ 3 giờ khuya đi bổ hàng, ban ngày buôn bán, chăm sóc vườn tược. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Liên còn giúp chị em phụ nữ trong khu vực bằng cách cho mượn vốn làm ăn, bán chịu con giống, lúa giống, các nhu yếu phẩm hằng ngày... có khi trị giá lên đến 35 triệu đồng. Năm 2009, chị Liên là hội viên phụ nữ dân tộc đầu tiên của quận Ô Môn được tặng huy hiệu trong Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Hay như trường hợp chị Lê Thị Kiều Trang, có sổ hộ nghèo, vợ chồng làm mướn không đủ nuôi 3 con nhỏ. Năm 2006, chị Trang được vay vốn trồng rẫy, chồng chị được Hội Phụ nữ giới thiệu việc làm. Giờ đây, gia đình chị đã thoát nghèo, các con được ăn học đàng hoàng. Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực Bình Lợi, kể: Khu vực có đội ngũ cán bộ hội năng động, uy tín, tập hợp tốt chị em vào tổ chức Hội, tạo được niềm tin trong chị em. Nhóm PNTK người Kinh và người dân tộc Khmer trong khu vực luôn hoạt động hiệu quả. Khi vào nhóm, mỗi người sẽ được vay từ 3 đến 10 triệu đồng, ai khó khăn đột xuất chị em sẽ đóng góp thêm. Từ năm 2006 đến nay, khu vực có 28 hộ thoát nghèo, nhiều chị đã vươn lên ngưỡng khá.

Ở phường Châu Văn Liêm trước đây nhiều chị em đời sống bấp bênh, không có tư liệu sản xuất, muốn buôn bán phải vay vốn bên ngoài với lãi suất cao. Năm 2006, khu vực 2 của phường thực hiện mô hình “Vận động phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế gia đình”, đồng thời mở rộng các nhóm PNTK trong phụ nữ Kinh, giúp vốn để chị em mở tiệm bán bún, bánh xèo, quần áo cũ... sau đó tăng dần vốn và thời hạn vay. Những hoạt động hỗ trợ này ngoài việc giải quyết được khó khăn về nguồn vốn, tạo điều kiện để chị em ổn định cuộc sống, còn góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, thể hiện tình làng nghĩa xóm, đùm bọc giúp nhau vượt qua đói nghèo. Có kết quả khả quan, phường Châu Văn Liêm đã nhân rộng các mô hình trên ra những khu vực khác bằng nhiều hình thức: mở rộng đối tượng vay, tăng vốn, tạo điều kiện cho chị em giao lưu trao đổi kinh nghiệm... Phong trào giúp nhau làm kinh tế của chị em đã góp phần cùng phường xóa đói giảm nghèo một cách tích cực. Năm 2007, toàn phường có 80 hộ thoát nghèo, trong đó có 26 phụ nữ làm chủ hộ, 10 hộ đồng bào dân tộc Khmer; năm 2008 phường có 92 hộ thoát nghèo, trong đó 38 hộ phụ nữ làm chủ hộ, 15 hộ đồng bào dân tộc Khmer.

Ở phường Phước Thới, đa phần hội viên phụ nữ làm công nhân. Mấy năm nay, kinh tế chị em đã khá hơn xưa, phần lớn nhờ vào các tổ PNTK và vay vốn ngân hàng để mua bán nhỏ. Ở một số khu vực như Thới Lợi, số lượng hội viên và nguồn vốn xoay vòng tăng đều mỗi năm. Chị Phạm Thị Hồng Quyên, Chủ tịch Hội LHPN phường Phước Thới, cho biết: “Mấy năm qua, Hội tìm nhiều cách giúp chị em có thêm thu nhập như vận động tham gia các lớp học nghề, tìm việc làm giới thiệu cho hội viên lớn tuổi. Nhiều hộ là phụ nữ đơn thân đã vượt khó vươn lên, có tài sản, nhà cửa đàng hoàng. Chúng tôi sẽ tiếp tục gầy dựng thêm nhiều mô hình phát triển kinh tế gia đình phù hợp để chị em nào cũng có thể thoát nghèo từ sức lao động chân chính của mình”.

Điều đặc biệt là trong các đợt tuyên truyền vận động chị em làm kinh tế, Hội LHPN quận Ô Môn và các phường thường xuyên kết hợp với Bệnh viện Đa khoa quận chăm sóc sức khỏe miễn phí cho chị em, thông qua các nguồn tài trợ bình chọn công khai xây nhà tình thương cho hội viên nghèo, phối hợp với liên minh hợp tác xã, phòng kinh tế hướng dẫn kiến thức khoa học về trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao kiến thức cho chị em vào việc sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Bà Phan Thị Pa Ri, Chủ tịch Hội LHPN quận Ô Môn, chia sẻ: “Trong thời buổi giá cả tăng cao, việc làm ăn gặp nhiều khó khăn nhưng bản thân chị em đều cố gắng vượt khó. Những chị làm ăn hiệu quả nhưng cần vốn nhiều, chúng tôi sẵn sàng đứng ra bảo lãnh để các chị vay thêm từ các nguồn khác. Hội Phụ nữ luôn có những biện pháp hiệu quả để giúp chị em đóng lãi, trả tiền đúng hạn. Những cá nhân và mô hình phụ nữ làm ăn giỏi luôn được biểu dương để chị em cùng học tập. Sắp tới, chúng tôi sẽ đầu tư trọng điểm vào các mô hình làm ăn hiệu quả với mong muốn giúp chị em không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng”.

Bà Nguyễn Thị Hà - Trưởng ban Gia đình Xã hội Hội LHPN TP Cần Thơ, nhận xét: “Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo ở quận Ô Môn có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống chị em. Nguồn vốn huy động trong chị em chưa nhiều nhưng đã đáp ứng được phần nào nhu cầu thực tế, giúp chị em yên tâm hơn trong cuộc sống. Các cấp Hội đã đi sâu, đi sát, vận động thêm nhiều chị em vào Hội, đặc biệt là phụ nữ dân tộc Khmer, rất đáng biểu dương”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết