20/11/2017 - 08:44

Quận Thốt Nốt

Hứa hẹn vụ mùa đông xuân bội thu 

Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, diện tích xuống giống vụ đông xuân 2017 - 2018 toàn quận là 5.180 ha, năng suất dự đoán 7,1 tấn/ha, sản lượng 36.565 tấn. Diện tích sản xuất trên tập trung nhiều ở các phường Tân Hưng, Trung Nhứt, Trung Kiên và Thạnh Hòa. Thời gian xuống giống được chia thành 2 đợt. Đợt 1: từ ngày 23 đến ngày 29-11-2017 đối với những khu vực có đê bao chắc chắn. Đợt 2 từ ngày 9 đến ngày 15-12-2017 đối với diện tích còn lại. Bà Nguyễn Thị Mãi, Phó Trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, cho biết: “Tùy tình hình rầy nâu di trú về kết hợp với điều kiện thủy văn, lịch thời vụ trên có thể thay đổi. Ngành nông nghiệp quận lưu ý trong vụ đông xuân này diễn biến rầy nâuvào đèn khá phức tạp, do đó phải tập trung xuống giống đồng loạt trên từng khu vực đê bao để giảm áp lực dịch hại. Không nên gieo sạ lai rai để tránh tình trạng có nhiều trà lúa trên cùng một cánh đồng. Thời gian xuống giống mỗi đợt cần tập trung từ 5 đến 7 ngày. Sau khi xuống giống cần theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy di trú, thực hiện tốt biện pháp dùng nước che chắn cây lúa giai đoạn dưới 20 ngày tuổi, hạn chế khả năng đẻ trứng và truyền bệnh phá hại lúa của rầy nâu”.

Đồng ruộng trên địa bàn quận Thốt Nốt đầy ắp nước, lấy phù sa cho vụ mùa đông xuân, vừa thuận lợi cho bà con đánh bắt thủy sản. 

Để sản xuất vụ đông xuân đạt hiệu quả, chọn giống gieo sạ là một trong những yếu tố quan trọng mà ngành nông nghiệp quận Thốt Nốt quan tâm thực hiện. Bởi, giống lúa quyết định trong việc bố trí mùa vụ, chọn các giống phù hợp cho vùng sản xuất 2 hoặc 3 vụ/năm và đảm bảo thời gian cách ly giữa các vụ lúa ít nhất 3 tuần. Do đó, ngành nông nghiệp quận khuyến cáo nông dân sử dụng giống cấp xác nhận trở lên. Bà Nguyễn Thị Mãi cho biết thêm: “Chúng tôi xây dựng cơ cấu giống lúa cho vụ đông xuân 2017-2018 đảm bảo yêu cầu cân đối, an toàn dịch bệnh và sử dụng giống bền vững, phù hợp với thực tế sản xuất và thị trường, giữ tỷ lệ cơ cấu phù hợp với các giống chủ lực: Jasmine 85, OM 5451 và OM 4218...”.

Ngay sau khi thu hoạch lúa thu đông, bà con nông dân cần tiến hành vệ sinh đồng ruộng, cày xới để tiêu diệt mầm bệnh, cỏ dại trên ruộng trong nước lũ để không còn nơi cư trú cho rầy nâu và giảm ngộ độc hữu cơ cho vụ đông xuân 2017 – 2018. Đồng thời, trước khi lũ rút ra quân diệt chuột trên toàn địa bàn. Ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc diệt chuột sinh học (Biorat) trước khi xuống giống; thực hiện bẫy cây trồng và các loại bẫy để bắt chuột; thực hiện vệ sinh đồng ruộng thật kỹ, gia cố đê bao chắc chắn, trục trạt, san bằng mặt ruộng, bón lót phân lân, phân hữu cơ... nhằm giúp kích thích bộ rễ cây lúa phát triển mạnh ngay từ đầu vụ; khuyến khích nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất lúa theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường như mô hình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”...

Hằng năm, khi mùa nước lũ về, bà con nông dân mở đồng đón lũ, hứng lấy phù sa. Bởi, đây là việc làm cần thiết, không chỉ bồi đắp phù sa màu mỡ cho đất sản xuất lúa mà còn là biện pháp khoa học, nhằm dội rửa mầm bệnh, tránh ngộ độc hữu cơ gây hại cho vụ lúa sau. Bà Nguyễn Thị Mãi cho biết: “Nước lũ về, ngoài nguồn lợi thủy sản còn mang theo một lượng phù sa bồi bổ cho ruộng đồng. Đây là lượng dinh dưỡng tạo màu mỡ cho đất và là điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sản xuất lúa đông xuân tới, hứa hẹn một vụ mùa bội thu...”.

Vụ lúa thu đông vừa qua, toàn quận Thốt Nốt xuống giống trên 3.000ha. Đến nay đã thu hoạch đã thu hoạch hoàn toàn, với năng suất bình quân trên 6 tấn/ha, giá lúa cao hơn mọi năm. Với vụ lúa được mùa, được giá, cho thu nhập kha khá, bà con nông dân ở quận Thốt Nốt không những phấn khởi mà còn vui mừng hơn khi năm nay nước lũ về nhiều. Nông dân tranh thủ mở đồng để đón lũ, hứng lấy phù sa. Anh Trần Văn Hải, ở phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt, cho biết: “Ngay sau khi chiếc máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa thu đông vừa rút thì tui cho nước vào đồng ngay. Năm nay, nước lũ về nhiều nên rất thuận lợi cho việc ngâm đất, vệ sinh đồng ruộng. Nếu nước ngập trong ruộng được khoảng 2 đến 3 tháng thì đất đủ phù sa, lúa đông xuân sẽ phát triển tốt khi đất đủ dinh dưỡng...”.

Quận Thốt Nốt cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhằm ngăn ngừa tình trạng giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, kém chất lượng và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Phòng Kinh tế quận kết hợp với UBND các phường tuyên truyền vận động bà con nông dân làm vệ sinh đồng ruộng, rà soát lúa giống trong dân, vận động nông dân xuống giống đồng loạt; củng cố, đẩy mạnh hoạt động Ban chỉ đạo phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá của quận, phân công từng cán bộ chịu trách nhiệm địa bàn cụ thể để tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn nông dân sản xuất né tránh rầy, dịch hại...

Bà Nguyễn Thị Mãi nhận định: “Năm nay, nước lũ về nhiều, ruộng đồng đầy ấp phù sa, vụ mùa đông xuân 2017-2018 hứa hẹn bội thu, thắng lợi hơn. Nhưng, chúng tôi không chủ quan mà chỉ đạo cán bộ khuyến nông  hướng dẫn bà con nông dân vệ sinh đồng ruộng để cắt đứt nguồn sâu bệnh từ vụ thu đông sang, quản lý ốc bươu vàng, diệt chuột trước khi xuống giống; tập huấn nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, tiết kiệm nước, che chắn rầy bằng nước, sử dụng nấm ma, ứng dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu từ đầu vụ...”. 

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết