01/05/2009 - 21:30

Từ dấu hiệu tích cực của kinh tế tháng 4

Hứa hẹn kinh tế phục hồi?

Theo Dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước trong quý II sẽ trong khoảng 3,5% - 3,8%, cao hơn quý I từ 0,4-0,7% (tốc độ tăng trưởng GDP quý I tăng 3,1%) và cả năm 2009 sẽ trong khoảng 4,5% - 5,0%. Dự báo này dựa trên những đánh giá về tình hình kinh tế thế giới với những tín hiệu lắng dịu của khủng hoảng tài chính toàn cầu và tình hình kinh tế trong nước tháng 4 với những dấu hiệu phục hồi, khả quan hơn trong sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, dịch vụ; nhất là triển vọng thực hiện các giải pháp ngăn chặn đà suy giảm kinh tế của Chính phủ với những gói kích cầu kích thích đầu tư, sản xuất và tiêu dùng.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, mặc dù các chỉ tiêu kinh tế Việt Nam trong quý I đạt ở mức thấp nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, tăng trưởng kinh tế chung và kinh tế ngành như vậy là đạt ở mức khá so với các nước trong khu vực và đang có dấu hiệu tốt hơn trong tháng 4 và quý II. Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng 3 giảm thì đến tháng 4 đã duy trì sản lượng và tăng trưởng trở lại như than sạch, thủy sản chế biến, hàng dệt may, vật liệu xây dựng... Bộ Công Thương cho biết: Những mặt hàng có sản lượng giảm trong những tháng qua thì trong thời gian tới năng lực sản xuất tiếp tục được mở rộng. Trong lĩnh vực điện, từ nay đến cuối năm sẽ có rất nhiều công trình với công suất khoảng 3.000 MW được đưa vào hoạt động; trong đó, nhà máy lọc dầu Dung Quất chính thức đưa vào sản xuất từ quý II/2009 có thể đem về doanh thu 30 ngàn tỉ đồng... Nếu tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp tháng 3-2009 giảm 5 điểm phần trăm so với tháng 2-2009 thì đến tháng tư chỉ còn giảm 0,28 điểm phần trăm so với tháng 3. Đây là một trong các dấu hiệu cho thấy sản xuất công nghiệp trong quý II có khả năng chặn được đà suy giảm và có thể phục hồi trong các quý tiếp theo của năm 2009.

Tình hình xuất khẩu trong tháng 2 và 3 cũng được đánh giá là tốt hơn khá nhiều so với tháng 1. Mặc dù xuất khẩu tăng kém so với mức kế hoạch năm 13%, nhưng nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng: Việt Nam có thể được xem là điểm sáng về xuất khẩu của khu vực nếu so sánh với nhiều nền kinh tế có tiềm lực lớn về xuất khẩu như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan...; nhất là khi vào tháng 4, xuất khẩu tiếp tục có những dấu hiệu khả quan hơn mà không phải do tái xuất khẩu vàng như các tháng trước.

4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu 2,3 triệu tấn gạo và số hợp đồng đã ký đến ngày 27-4-2009 cũng đạt đến 4 triệu tấn. (Trong ảnh: Chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty Lương thực Sông Hậu chi nhánh Cái Răng). Ảnh: KHÁNH TRUNG 

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho đẩy mạnh xuất khẩu gạo từ nay đến hết tháng 6 do thị trường lúa gạo thế giới đang diễn biến có lợi cho xuất khẩu và cũng vì nước ta đã chủ động được nguồn cung trong nước. Tính đến thời điểm này, nước ta đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo gần 3,7 triệu tấn (kế hoạch xuất khẩu cả năm là từ 4,5 - 5 triệu tấn gạo). Không chỉ tăng về lượng, giá gạo xuất khẩu cũng đã tăng lên. So với các hợp đồng đã ký hồi đầu tháng 2, giá gạo xuất khẩu đến thời điểm này đã tăng khoảng 10 USD/tấn - 40 USD/tấn tùy loại.

Về xuất khẩu dệt may, trong bối cảnh khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay, bên cạnh việc chú trọng khai thác thị trường nội địa, việc tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu ra bên ngoài là một trong các giải pháp quan trọng được nhiều doanh nghiệp dệt may thực hiện. Trong những tháng đầu năm 2009, nhiều doanh nghiệp trong nước đã ký được những hợp đồng xuất khẩu mặt hàng sợi cao cấp, sợi trung bình sang thị trường Trung Đông, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc Nhật Bản thực hiện chính sách tăng cường nhập khẩu từ các quốc gia châu Á ngoài Trung Quốc, là cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang Nhật... . Với kết quả xúc tiến thương mại, phát triển thị trường mới, khả năng xuất khẩu trong tháng 5 và quý II được nhìn nhận là khả quan.

Những lo ngại về “chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm liên tiếp khiến nền kinh tế Việt Nam có thể rơi vào tình trạng thiểu phát, kéo theo tình hình kinh tế vĩ mô xấu đi, tăng trưởng giảm, thất nghiệp gia tăng...” cũng không còn gia tăng khi bước sang tháng tư. Nền kinh tế đã có thêm những nhân tố mới tác động đến giá cả các mặt hàng. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 4-2009 tăng khoảng 0,35% so với tháng 3. Mức tăng này đã chặn được đà giảm phát từ tháng trước đó. Nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng gia tăng trở lại. Sau 2 tháng liên tục giảm, tổng mức bán lẻ đã bắt đầu tăng trở lại. Do tác động của các chính sách kích cầu đầu tư và tiêu dùng nên sức tiêu thụ của nhiều hàng hóa, vật tư nguyên liệu sản xuất và hàng tiêu dùng thiết yếu cũng đang có dấu hiệu phục hồi. Giá lương thực, thực phẩm và phân bón ổn định ở các tỉnh phía Bắc và tăng nhẹ ở các tỉnh phía Nam... Những tín hiệu này sẽ góp phần kích thích sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa trong nước, đặc biệt là khi gói kích cầu thứ 2 hướng hỗ trợ lãi suất vào trung và dài hạn và gói kích cầu thứ ba (hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn) được thực hiện và phát huy tác dụng.

Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia dự báo: Tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp sẽ khoảng 2,1%-2,5% trong quý II và 3,4-3,7% trong cả năm; công nghiệp 3,8%-4,1% trong quý II và 4,6%-5,1% cả năm; dịch vụ 4,0% - 4,2% trong quý II và 4,9% - 5,5% cả năm. Mặc dù có dự báo tương đối lạc quan với kỳ vọng tình hình có chiều hướng sáng sủa như vậy nhưng Trung tâm này vẫn cảnh báo: Cần có dự phòng những khả năng và tình huống xấu hơn để có sự chủ động thích ứng cần thiết; trong tháng 5 và quý II, cần có những chính sách mạnh mẽ hơn để chủ động đối phó với ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, chặn đà suy giảm kinh tế.

Để hạn chế được đà suy giảm nền kinh tế cũng như giải quyết những vấn đề lâu dài cơ bản của kinh tế Việt Nam, Trung tâm kiến nghị Chính phủ những vấn đề cần tập trung. Trước hết là cần thường xuyên cập nhật thông tin, chuẩn xác các số liệu cập nhật để chỉ đạo sát sao, bám sát tình hình thực hiện các biện pháp đề ra. Tiếp đó là: Đảm bảo các gói kích cầu thực hiện đúng mục đích, thủ tục cho vay nhanh, có sự kiểm tra kiểm soát thường xuyên liên tục các dự án cho vay; đẩy mạnh giải ngân vốn xây dựng cơ bản, đặc biệt là vốn năm 2009 đồng thời xem xét ngay các điều kiện để ứng vốn năm 2010; nghiên cứu thắt chặt chi tiêu và chuyển đầu tư công sang cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hoặc vay nước ngoài để khuyến khích các doanh nghiệp tập trung cho sản xuất và tìm thị trường; khẩn trương đẩy mạnh việc nghiên cứu và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường mới cùng với những biện pháp kích thích thị trường trong nước, chống hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại...

Trung tâm cũng nhấn mạnh đến việc phải tập trung và xử lý tốt công tác điều hành để khai thác tận dụng cơ hội, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là quản lý vĩ mô (trong giao việc, thủ tục hành chính); khẩn trương nghiên cứu và triển khai dần các phương án cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là đổi mới và hoàn thiện thể chế, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực; rà soát lại và lành mạnh hóa hệ thống tài chính, ngân hàng và tiếp tục theo dõi diễn biến của khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhất là các nước trong khu vực và các nước có nhiều quan hệ kinh tế với nước ta để đánh giá và ứng phó kịp thời với các tác động tiêu cực và tích cực tới nền kinh tế nước ta- mà theo các chuyên gia: “Các tác động này tới nước ta thường chậm hơn các nước khác”.

MINH CHÂU (TTXVN)

Chia sẻ bài viết