21/09/2009 - 08:25

Phó Thủ tướng , Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo Nguyễn Thiện Nhân:

Hợp tác quốc tế là biện pháp để nâng cao chất lượng đại học

 

Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam - Nhật Bản lần đầu tiên đã được tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 17-18/9. Đây là một hoạt động hợp tác quốc tế lớn được chọn mở đầu cho năm học 2009-2010 bậc đại học có chủ đề: “Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội”. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời phỏng vấn TTXVN. Báo Cần Thơ xin trân trọng giới thiệu nội dung phỏng vấn.

* PV: Xin Phó Thủ tướng cho biết hợp tác quốc tế có vai trò như thế nào trong việc thực hiện chủ đề của năm học 2009 - 2010?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Trong điều kiện nước ta, muốn nâng cao chất lượng đại học thì hợp tác quốc tế là một giải pháp bắt buộc phải làm. Hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục là hướng tới có nội dung đạt trình độ quốc tế. Chỉ có thông qua hợp tác quốc tế chúng ta mới tiếp cận và hiểu được yêu cầu của trình độ quốc tế là như thế nào? Hợp tác quốc tế sẽ tạo thêm khả năng, nguồn lực giúp chúng ta nâng cao chất lượng giáo dục.

Mặt khác, cùng với quá trình mở cửa và hội nhập, hiện nay các đối tác nước ngoài cũng có nhu cầu tìm hiểu về đất nước Việt Nam, giảng dạy về văn hóa, lịch sử Việt Nam ở nước họ. Các bạn cũng muốn khai thác khả năng đào tạo của họ vì hiện nay nhiều nước tuổi bình quân già đi, năng lực đào tạo dư thừa so với số người trẻ của họ. Họ có một chiến lược thu hút người nước ngoài đến học tập tại nước họ vừa giúp giải quyết bài toán kinh tế giáo dục vừa thúc đẩy hợp tác lâu dài với các nước. Hợp tác quốc tế luôn phải xuất phát từ lợi ích cả hai phía.

Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam - Nhật Bản lần đầu tiên tổ chức đã thu hút sự quan tâm rộng lớn của các trường đại học hai nước. Lúc đầu chúng tôi dự kiến chỉ có khoảng 30 hiệu trưởng đại học phía Nhật Bản tham gia, nhưng thực tế đã tăng lên gần gấp đôi: 54 vị hiệu trưởng trong tổng số 110 cán bộ tham gia.

Sinh viên đang truy cập mạng internet tại Trung tâm học liệu, Trường Đại học Cần Thơ - Đây là một trong những công trình được xây dựng từ chương trình hợp tác quốc tế của Trường Đại học Cần Thơ.
Ảnh: B.NG 

Qua trao đổi, thảo luận, lãnh đạo các trường đại học Nhật Bản cho biết hiện nay họ cũng không ngừng phải đổi mới công tác quản lý. Từng trường đại học Nhật Bản cũng đang phải thay đổi. Ví dụ, trường danh giá bậc nhất là Đại học Quốc gia Tokyo cho biết: họ cũng phải thay đổi để thực sự đem lại chất lượng đào tạo phục vụ nhu cầu cấp thiết của xã hội, không chỉ vì danh tiếng trong quá khứ. Ở cấp quốc gia, từ năm 2004, Nhật Bản quy định các trường đại học bắt buộc phải kiểm định chất lượng. Ở nước ta năm 2004, Bộ Giáo dục Đào tạo cũng thành lập Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục. Vậy, có thể nói rằng: Chúng ta nhiều mặt yếu kém hơn bạn nhưng về nhận thức trong quản lý không phải lúc nào cũng hoàn toàn lạc hậu. Có những thời điểm chúng ta đã theo kịp bước trình độ quản lý bên ngoài.

* PV: Phó Thủ tướng có thể nói rõ hơn vì sao chúng ta lại chọn Nhật Bản là đối tác về giáo dục đại học trong thời điểm này?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Gần đây chúng ta đã tổ chức các hội thảo hợp tác quốc tế riêng với các đối tác: New Zealand, Canada, Australia, Đức và Anh (hàng năm). Với Nhật Bản, chúng ta làm chậm hơn. Chúng tôi thấy đã đến lúc muốn khơi thông quan hệ hợp tác này.

Trong chuyến thăm cấp cao Nhật Bản năm 2008, chúng ta đã ký kết hợp tác lâu dài với Nhật Bản, trong đó có nội dung Nhật Bản giúp Việt Nam đào tạo 1.000 tiến sĩ từ 2008-2010 và tổ chức hội nghị hiệu trưởng Việt Nam - Nhật Bản nhằm tạo điều kiện để các trường đại học hai nước hiểu biết nhau nhiều hơn, để xã hội cũng hiểu biết hơn về các trường đại học.

Ngay trong nước mình không phải ai cũng biết đại học Ngoại thương và Đại học Huế đã có quan hệ hợp tác rất lâu và rộng lớn với các đại học Nhật Bản.(Sinh viên ĐH ngoại thương đã có thể học 2 năm tại Việt Nam, sau đó học 2 năm tại Nhật Bản để nhận bằng quốc gia của Nhật Bản). Trong 53 trường đại học Nhật Bản có mặt tại hội nghị, có trường đã hợp tác với Việt Nam rất khăng khít, có trường chưa nhiều. Hội nghị này giúp các trường biết thêm về tiềm năng của nhau.

Cũng cần phải nói thêm là Việt Nam và Nhật Bản có quan hệ hợp tác chiến lược về kinh tế và ngoại giao. Làm thế nào để hợp tác giáo dục đại học Việt Nam - Nhật Bản phát triển tương xứng ? Đã có 2.800 sinh viên Việt Nam đang học tại Nhật Bản. Ngay tại hội nghị này đã có 9 văn bản thỏa thuận hợp tác song phương được ký kết giữa Cục Đào tạo với nước ngoài, một số trường đại học của Việt Nam và một số trường đại học của Nhật Bản. Tuy nhiên, thời gian tới cần phải đẩy mạnh hơn nữa vai trò của Nhà nước trong việc thúc đẩy quá trình hợp tác giáo dục Việt Nam - Nhật Bản.

* PV: Xin Phó Thủ tướng cho biết triển vọng về hợp tác giáo dục đại học Việt Nam - Nhật Bản trong việc xây dựng một trường đại học trình độ quốc tế tại Đà Nẵng?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Tại Hội nghị này, chúng ta có giới thiệu với các bạn Nhật Bản Đề án xây dựng trường đại học định hướng nghiên cứu trình độ quốc tế tại Đà Nẵng với mong muốn các đại học Nhật Bản xem xét khả năng tham gia Đề án này.

Kỳ vọng, cùng với các đại học quốc tế khác như: Đại học Việt - Đức tại TP Hồ Chí Minh, Đại học KHTN tại Hà Nội..., giai đoạn 2025-2030 Việt Nam sẽ có 1 trường lọt vào tốp 200 trường đại học hàng đầu thế giới và 3 - 4 trường nằm trong danh sách xếp hạng 200 - 400.

Vùng đất xung quanh Đà Nẵng là nơi có lịch sử gắn bó thân thiết truyền thống với Nhật Bản (Khu phố cổ Hội An). Gần đây cũng có rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã vào Đà Nẵng. Tuy nhiên, triển vọng hợp tác phải trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện của hai phía. Người Nhật vốn rất thận trọng. Trong quá trình phấn đấu nâng cao chất lượng hệ thống đại học tại Việt Nam ngang tầm thế giới, chúng ta cũng không phải thúc bách. Bài học kinh nghiệm về việc thành lập 2 Đại học hợp tác quốc tế tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội vừa qua cho thấy trong thời gian ngắn, muốn thành lập được cần có sự ủng hộ mạnh mẽ và quyết tâm chính trị của Chính phủ các nước và sự tích cực nỗ lực của các trường đại học.

* Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

HOÀNG HOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết