11/06/2019 - 09:41

Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực tiếng Hàn 

Những năm gần đây, nhu cầu nhân lực biết tiếng Hàn Quốc nói chung và nhân lực chuyên ngành Hàn Quốc học nói riêng tăng cao. Nắm bắt xu thế này, một số trường đại học, cao đẳng tại Cần Thơ đã và đang đa dạng hóa hoạt động giao lưu hợp tác, mở thêm ngành học mới - điển hình như ngành Hàn Quốc học - nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như tiệm cận nền giáo dục xứ sở Kim Chi.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Đại học FPT Cần Thơ và các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Đại học FPT Cần Thơ và các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Sự kiện Trường Đại học (ĐH) FPT phân hiệu Cần Thơ ra mắt chương trình đào tạo cử nhân ngành Ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc vào tháng 5-2019 đánh dấu một xu hướng mới trong đào tạo nhân lực cho vùng ĐBSCL, bởi đây là chương trình tiên phong của vùng. Theo thầy Huỳnh Văn Bảy, Trưởng Ban đào tạo của trường, khóa học 4 năm, gồm 9 học kỳ; trong đó 4-8 tháng đào tạo trong môi trường thực tế, 1 tháng rèn luyện giáo dục quốc phòng. Sinh viên theo học Ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc tại ĐH FPT, ngoài việc lấy bằng tốt nghiệp của ĐH FPT còn có thêm lựa chọn chuyển tiếp học 2 năm cuối tại ĐH Kangnam, Hàn Quốc, để lấy bằng tốt nghiệp ĐH của trường này.

Trong ngày ra mắt ngành học mới, gần 2.000 học sinh, sinh viên của Cần Thơ trải nghiệm mặc những bộ đồ truyền thống Hàn Quốc, tìm hiểu văn hóa xứ Hàn. Nhiều bạn hy vọng có thể học tập, làm việc tại xứ sở Kim Chi thông qua buổi chia sẻ với diễn giả là cựu sinh viên chuyên ngành Hàn Quốc học. Học sinh Nguyễn Kim Tín (quận Ninh Kiều), cho biết: "Em muốn tìm hiểu ngành Ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc không chỉ vì yêu thích, mà vì cơ hội học tập và tìm việc tại thị trường lao động Hàn Quốc". Theo anh Trần Ngọc Dương, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Du lịch Vân Phong, nhu cầu thông dịch viên tiếng Hàn ở các công ty rất lớn. ĐBSCL là vùng nông nghiệp, công ty không chỉ cần nhân lực có kỹ năng, kiến thức chuyên môn, mà cần biết cả tiếng Hàn để phát triển ngành du lịch. Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (cựu sinh viên Khoa Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học và Xã hội Nhân văn TP Hồ Chí Minh) cho rằng: "Học tiếng Hàn không quá khó. Nếu các bạn chịu khó luyện tập thường xuyên, tích cực tham gia hoạt động đoàn thể, sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn sau khi tốt nghiệp ra trường".

Hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã có những bước phát triển đầu tiên từ năm 1992. Tại Hàn Quốc, du học sinh Việt Nam đang đứng thứ 2 về mặt số lượng (trên 15.000 sinh viên) trong số các sinh viên nước ngoài. Bên cạnh đó, các hoạt động trao đổi sinh viên giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng diễn ra sôi nổi. Từ năm 2018 đến nay, cả nước có khoảng 10 trường ĐH đào tạo ngành Ngôn ngữ Hàn. Riêng ĐBSCL, nhu cầu học tiếng Hàn đã xuất hiện từ khá lâu, khi nhu cầu nguồn nhân lực biết tiếng Hàn tăng lên trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Rất nhiều đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đến làm việc và đặt mối quan hệ hợp tác với TP Cần Thơ trong thời gian qua. "Đó là lý do trường chọn mở ngành Ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc; liên kết với ĐH Kangnam, Hàn Quốc thực hiện chương trình đào tạo 2 cộng 2", ông Nguyễn Xuân Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT phân hiệu Cần Thơ, cho biết. Theo ông Phong, nhu cầu nguồn nhân lực tiếng Hàn tại Cần Thơ rất lớn. Dự kiến, 3-4 năm nữa, trường sẽ cung cấp thị trường lao động nguồn nhân lực chuyên ngành Ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc cho ĐBSCL. 

* * *

Từ cuối năm 2015, Trung tâm Hàn Quốc học và Viện Vua Sejong Cần Thơ được thành lập đặt tại Trường ĐH Cần Thơ, song song với hoạt động của Trung tâm Hàn ngữ. Hai trung tâm này đã mở nhiều khóa học dạy ngôn ngữ Hàn Quốc cho sinh viên; tổ chức lớp dạy văn hóa, phong tục tập quán Hàn Quốc, đáp ứng nhu cầu người dân muốn tìm hiểu về đất nước này. Tại Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, tuy mới thành lập hơn 6 năm nay, nhưng cũng có không ít hoạt động giao lưu văn hóa, tạo không gian quốc tế trong trường thông qua "Góc Hàn quốc" đặt ở khuôn viên trường. Nguyễn Thu Hà, sinh viên ngành Khoa học máy tính của trường, nói: Từ những chuyến giao lưu, tìm hiểu văn hóa Hàn qua "Góc Hàn quốc", Hà thêm yêu thích xứ sở Kim Chi. Hà đã học xong khóa học sơ cấp tiếng Hàn. Trước mắt, Hà cần hoàn thành chương trình đại học, có điều kiện sẽ học thêm tiếng Hàn để có thể làm việc ở công ty Hàn Quốc.

Ở một số trường cao đẳng tại TP Cần Thơ, như Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, từ năm 2016, trường đã hợp tác với Trường ĐH Soon Chun Hyang - Hàn Quốc, qua chương trình sinh viên tình nguyện. Theo thầy Trang Vũ Phương, Phó Hiệu trưởng nhà trường, những sinh viên tham gia chương trình đã trưởng thành, định hướng rõ nghề nghiệp tương lai mình để phấn đấu học tập, rèn luyện. Phía trường, đã nâng cao hơn chất lượng đào tạo, vị thế theo xu hướng hội nhập quốc tế…

TP Cần Thơ hiện có 5 trường ĐH: Cần Thơ, Y Dược Cần Thơ, Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Tây Đô và Nam Cần Thơ; 2 cơ sở ĐH của Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh và FPT thuộc Tập đoàn FPT. Thành phố còn có 7 trường và 3 phân hiệu cao đẳng. Ngoài hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, các trường còn đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, tạo cầu nối thắt chặt mối quan hệ hợp tác song phương. Việc liên kết không chỉ giúp đôi bên cùng phát triển mà còn mở rộng cơ hội việc làm, học tập cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Hơn hết còn giúp các đối tác nước ngoài - Hàn Quốc có nguồn tuyển dụng lao động chất lượng.

Bài, ảnh: Bích Kiên

Chia sẻ bài viết