27/08/2022 - 09:09

Hợp lực phát triển, nhân rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ 

Bài, ảnh: MỸ THANH

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp TP Cần Thơ có bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu về năng suất, sản lượng cũng như đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu nông sản chung của cả nước. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp thành phố đang đối mặt với nhiều thách thức: ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, suy giảm đa dạng sinh học, bùng phát sâu bệnh… Chính vì vậy, việc chuyển sang nền nông nghiệp hữu cơ là giải pháp phù hợp, đáp ứng xu thế tiêu dùng mới ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Ðây cũng là nội dung chính được đề cập tại tọa đàm "Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ - Ðịnh hướng và giải pháp" vừa diễn ra.

Một số sản phẩm gạo của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An được sản xuất theo chuẩn hữu cơ và đã được chứng nhận.

Nỗ lực

Theo các chuyên gia, trên thực tế, phát triển nông nghiệp hữu cơ đã và đang gia tăng liên tục trong những năm qua và có xu hướng tiếp tục tăng cao do sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Ðây cũng là hướng đi phù hợp trong hành trình đưa nông sản ra thế giới, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. TS Vũ Ðức Khang, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp hữu cơ Á Châu, cho biết: "Ở nhiều nước trên thế giới, nông dân từ lâu đã trồng trọt theo phương thức hữu cơ, trong khi đó, canh tác hữu cơ theo hiểu biết quốc tế lại khá mới đối với Việt Nam. Tháng 12-2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các tiêu chuẩn cơ bản cấp quốc gia đối với sản xuất theo hình thức hữu cơ. Ðây là bộ khung có thể áp dụng làm quy chiếu cho các nhà sản xuất, chế biến và những người quan tâm đến sản phẩm hữu cơ dành cho thị trường trong nước".

Tại TP Cần Thơ, ngành Nông nghiệp thành phố đã và đang phối hợp với một số doanh nghiệp triển khai các mô hình sản xuất hữu cơ trên lúa, cây ăn trái. Bên cạnh đó, thành phố cũng có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để làm nền tảng cho nông nghiệp hữu cơ. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các chính sách của Chính phủ để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thành phố còn lồng ghép nhiều chương trình như khuyến nông, xây dựng nông thôn mới hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển nông nghiệp chuyên canh, chuỗi liên kết... Ngành Nông nghiệp cũng thường xuyên kêu gọi, tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết với nông dân, hợp tác xã trên địa bàn để thúc đẩy tổ chức các dự án sản xuất hữu cơ. Gần đây nhất là mô hình liên kết với Tập đoàn Lộc Trời để trồng xoài Cát Lộc theo chuẩn hữu cơ và đã mang lại kết quả bước đầu".

Mặc dù có nhiều nỗ lực, song sản xuất nông nghiệp hữu cơ của thành phố chỉ ở bước đầu phát triển với quy mô và phạm vi chưa lớn. Ðồng thời, đối mặt với nhiều khó khăn như tập quán canh tác thâm canh sử dụng nhiều phân thuốc, giá bán bấp bênh, biến đổi khí hậu… Mặt khác, yêu cầu về chất lượng đất canh tác và nước tưới (không bị ô nhiễm bởi hóa chất tổng hợp từ công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt dân sinh) cũng là một trong những trở ngại làm giới hạn việc mở rộng diện tích canh tác hữu cơ.

Hợp lực

Với định hướng phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, TP Cần Thơ đã khảo sát, định hướng quy hoạch sản xuất hữu cơ khoảng 4.000ha lúa, 1.300ha cây ăn trái và 150ha rau; nuôi trồng thủy sản hữu cơ nằm trong ruộng lúa và vườn rau ăn trái. Ông Trần Thái Nghiêm, cho biết: Ngành Nông nghiệp sẽ tập trung ứng dụng các giải pháp từ các tiến bộ công nghệ sinh học, hữu cơ nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm an toàn và từng bước được chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp. Ðồng thời, chú trọng xây dựng vùng nông nghiệp hữu cơ trọng điểm, tập trung khối lượng sản phẩm lớn, chủng loại phong phú, đa dạng. Ðầu ra của sản phẩm là yếu tố quyết định, vì vậy, thành phố tiếp tục phát triển, nhân rộng các mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để cùng chia sẻ rủi ro, quảng bá và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Nhận thấy tiềm năng từ nông nghiệp hữu cơ, nhiều doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đã phối hợp với nông dân, hợp tác xã xây dựng các mô hình trình diễn về nông nghiệp hữu cơ. Qua đó, giúp người dân thay đổi dần tư duy sản xuất từ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Theo ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Công ty Dafa Việt, công ty đã phối hợp với một số  địa phương trong vùng ÐBSCL triển khai các mô hình sản xuất hữu cơ trên lúa, cây ăn trái, rau màu. Các mô hình góp phần thay đổi nhận thức của bà con nông dân về hiệu quả của việc chuyển đổi từ phân bón vô cơ sang hữu cơ; đồng thời chất lượng sản phẩm, môi trường cũng dần được cải thiện... Tiếp nối thành công này, thời gian tới, công ty tiếp tục đồng hành cùng nông dân phát triển và nhân rộng thêm nhiều mô hình điểm.

Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững vừa đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm, ngành Nông nghiệp thành phố cần thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy cũng như phụ trợ. TS Vũ Ðức Khang, nhấn mạnh: "Muốn sản xuất nông nghiệp hữu cơ thành công cần ứng dụng mạnh mẽ các công cụ trong canh tác hữu cơ gồm: giống kháng sâu bệnh; chỉ dùng phân hữu cơ; không dùng thuốc hóa học mà phải phát huy tính chống chịu của cây trồng; chỉ làm ở lớp đất mỏng (10-15cm), bón phân để tạo điều kiện cho vi sinh vật hoạt động; luân canh cây trồng và quản lý cỏ dại".

Chia sẻ bài viết