07/02/2013 - 09:58

Hợp lực để thành phố Cần Thơ phát triển

TUYẾT TRINH - MỸ HOA

Năm 2013 có ý nghĩa đặc biệt - năm Ðảng bộ và nhân dân TP Cần Thơ hướng tới kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố, 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) ngày 17-2-2005 về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Gần một thập niên qua, thành phố đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, từng bước khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế - xã hội của vùng ÐBSCL.

Nhân dịp đầu Xuân Quý Tỵ, chúng tôi ghi nhận những ý kiến đầy tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo thành phố, quận, huyện và chuyên gia kinh tế về những thành tựu, định hướng tương lai phát triển của thành phố trẻ năng động...

ÔNG NGUYỄN THANH SƠN, CHỦ TỊCH UBND TP CẦN THƠ:

6 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM ĐỂ THÀNH PHỐ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG

 

Trong những năm qua, kinh tế của TP Cần Thơ phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao, giai đoạn 2004-2012 đạt 14,6%/năm; thu nhập bình quân đầu người hàng năm (theo giá hiện hành) tăng từ 10,3 triệu đồng (năm 2004) lên 53,7 triệu đồng (năm 2012). Sản xuất công nghiệp của thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đạt mức tăng bình quân trên 16%/năm. Nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện. Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng với nhiều loại hình, đáp ứng yêu cầu phát triển của một thành phố đang chuyển mình theo hướng công nghiệp hóa…Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, triển khai ngày càng hiệu quả. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống tinh thần của nhân dân không ngừng nâng lên.

TP Cần Thơ phấn đấu đến năm 2020, trở thành trung tâm về công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế và văn hóa của vùng ĐBSCL. Thành phố từng bước điều chỉnh mô hình tăng trưởng kinh tế từ chủ yếu theo số lượng sang chất lượng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả; chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy lợi thế so sánh và hiệu quả sử dụng nguồn lực; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng... để tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện thuận lợi giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển. Để thực hiện mục tiêu, định hướng đó, thành phố xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu trong thời gian tới. Đó là: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trên các lĩnh vực, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, có chính sách thu hút nhân tài, xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành, cán bộ chuyên môn giỏi, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng cơ chế, chính sách thích hợp để phục vụ sự phát triển của thành phố. Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, phát triển hài hòa, hiện đại, sáng, xanh - sạch - đẹp; xây dựng và vận động thực hiện tiêu chí con người Cần Thơ "trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch". Giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân thành phố.

TIẾN SĨ TRẦN THANH BÉ, VIỆN TRƯỞNG VIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI TP CẦN THƠ:

PHÁT HUY TỐT LỢI THẾ THÀNH SỨC MẠNH LIÊN KẾT VÙNG

 

Cần Thơ trở thành đô thị loại I, nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội cấp vùng và địa phương được nâng cấp và đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại hơn. Những công trình mang đậm dấu ấn của sự phát triển như: Cảng hàng không quốc tế, cảng biển, hệ thống cầu và tuyến giao thông thủy bộ; hệ thống nhà máy sản xuất và truyền tải điện; nhà máy và trạm cung cấp nước; các bệnh viện đa khoa với trang thiết bị ngày càng hiện đại... Thời gian qua, lãnh đạo TP Cần Thơ đã sâu sát cơ sở để có những vận dụng, quyết sách cụ thể, như: thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, tính toán lại giá đất (theo hướng giảm), hỗ trợ nông dân mua máy gặt đập liên hợp, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư… Đặc biệt lúc khó khăn, lãnh đạo thành phố và những cơ quan chức năng đã tích cực và chủ động lắng nghe doanh nghiệp, người sản xuất để cùng bàn cách tháo gỡ. Tất cả đã tạo nên động lực, diện mạo, sức hút mới, đưa TP Cần Thơ từng bước thể hiện vai trò trung tâm động lực phát triển vùng.

Xây dựng TP Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm đô thị văn minh hiện đại, "trung tâm động lực phát triển vùng", thành phố cần tập trung một số khâu quan trọng. Khẩn trương hoàn thiện xây dựng và phê duyệt quy hoạch định hướng (đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 hoặc xa hơn) phát triển kinh tế - xã hội và phát triển ngành phù hợp chiến lược phát triển vùng và cả nước. Trong đó, phát huy lợi thế riêng (các nguồn lực tự nhiên, kỹ thuật và con người), liên kết toàn vùng và hội nhập quốc tế. Đào tạo, nâng chất và sử dụng nguồn nhân lực phù hợp yêu cầu. Tiếp tục thu hút, tạo môi trường làm việc thuận lợi hấp dẫn nhân lực chất lượng cao đến sống, làm việc và cống hiến vì sự phát triển của thành phố. Huy động nguồn vốn đầu tư của trung ương, địa phương, tư nhân, nước ngoài… cho phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Cải thiện mạnh mẽ thủ tục hành chính tạo điều kiện thu hút đầu tư sản xuất và dịch vụ… Có cơ chế thực sự hiệu quả, phối hợp tổng lực cả bộ, ngành trung ương và địa phương, phát huy tốt nhất lợi thế các tỉnh, thành để tạo sức mạnh liên kết vùng.

ÔNG VÕ VĂN CHÍNH, CHỦ TỊCH UBND QUẬN NINH KIỀU:

DỒN SỨC XÂY DỰNG ĐÔ THỊ TRUNG TÂM

 

Quận Ninh Kiều được xác định là đô thị trung tâm của TP Cần Thơ về kinh tế-xã hội và văn hóa, là cửa ngõ giao lưu quan trọng về giao thông đường bộ, đường sông… có lợi thế nhất định trong phát triển, thương mại, dịch vụ, công nghiệp xây dựng và tiểu thủ công nghiệp… Gần 10 năm hình thành và phát triển, diện mạo đô thị Ninh Kiều đã đổi thay nhanh chóng. Nhiều công trình, dự án mới hình thành, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng gắn với an sinh xã hội của quận và thành phố. Một ưu thế luôn được Ninh Kiều phát huy là hợp tác với Viện, trường đại học, Trung tâm nghiên cứu khoa học để đào tạo nguồn nhân lực, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế địa phương.

Thực hiện nghị Quyết số 05-NQ/TU của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng và phát triển quận Ninh Kiều thành đô thị trung tâm của TP Cần Thơ đến năm 2020, những năm tiếp theo, Ninh Kiều tập trung phát triển kinh tế theo hướng đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững, phát huy vai trò chủ đạo của thương mại-dịch vụ. Ninh Kiều sẽ huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ dân sinh, tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư; tập trung thực hiện trật tự, kỷ cương đô thị… Tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp; thường xuyên rà soát quy hoạch, kiến nghị thành phố điều chỉnh hoặc hủy bỏ các đồ án, các dự án đã không còn phù hợp. Ninh Kiều phấn đấu xây dựng và phát triển thành quận đô thị văn minh, hiện đại, là trung tâm chính trị-hành chính, kinh tế - xã hội, đầu mối đối nội, đối ngoại quan trọng của thành phố. Xây dựng người Ninh Kiều theo tiêu chí người Cần Thơ "trí tuệ-năng động-nhân ái-hào hiệp-thanh lịch". Đó cũng là những việc làm thiết thực góp phần đưa TP Cần Thơ xứng tầm là thành phố trung tâm động lực phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL.

ÔNG NGUYỄN NGỌC HÈ, CHỦ TỊCH UBND QUẬN THỐT NỐT:

THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ VÀ CÔNG NGHIỆP SẼ LÀ MŨI NHỌN ĐỘT PHÁ

 

Cách trung tâm thành phố 40 km về phía Bắc, quận Thốt Nốt có địa lý thuận lợi về giao thông thủy, bộ. Là vùng cung cấp nguyên liệu nông - thủy sản, trung tâm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp với nguồn lao động dồi dào…Với thế mạnh này, Thốt Nốt tập trung phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản có hiệu quả, bố trí cơ cấu giống cây trồng vật nuôi phù hợp, thực hiện tốt việc chuyển đổi các mô hình như: lúa- cá, lúa-màu, VAC… mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế. Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả theo nhu cầu thị trường và đảm bảo môi trường sinh thái, chủ động liên kết với các doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín hỗ trợ đầu ra cho nông, thủy sản. Nhờ đó, các sản phẩm chế biến từ thủy sản, lúa gạo và một số mặt hàng thực phẩm khác của quận đã tạo được vị trí trên thị trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, được sự đầu tư xây dựng của trung ương và địa phương, các công trình như: Trung tâm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp Thốt Nốt, nâng cấp mở rộng quốc lộ 80, quốc lộ 91, chợ chuyên kinh doanh lúa gạo cấp khu vực... mở ra nhiều cơ hội là tiền đề để Thốt Nốt phát triển.

Thời gian tới, Thốt Nốt sẽ rà soát các khu công nghiệp đã được quy hoạch, có chính sách, giải pháp đồng bộ, nhất quán trong việc quản lý thực hiện đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Tiến hành quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp, hình thành 3 vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao như: vùng chuyên sản xuất giống lúa chất lượng cao, lúa xuất khẩu gắn với quy hoạch cánh đồng mẫu lớn; vùng nuôi trồng thủy sản xuất khẩu và vùng sản xuất màu chuyên canh hoặc xen canh gắn liền với quy hoạch các đề án hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, phát triển các nghề phi nông nghiệp… Việc làm này nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, đưa Thốt Nốt trở thành quận phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của thành phố.

ÔNG NGUYỄN HOÀNG BA, CHỦ TỊCH UBND HUYỆN PHONG ĐIỀN:

PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ SINH THÁI CHẤT LƯỢNG CAO

 

Nằm về phía Tây của TP Cần Thơ, huyện Phong Điền được xem là "vành đai xanh", vùng đô thị sinh thái miệt vườn, giàu tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử. Vì vậy, Phong Điền xác định sản xuất nông nghiệp là nền tảng, ngành kinh tế mũi nhọn. Trong các năm qua, nỗ lực của chính quyền các cấp, sự đồng thuận của nhân dân, thúc đẩy kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Phong Điền có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân Phong Điền đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng phù hợp với từng vùng, từng khu vực. Nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả được nhân rộng. Các hoạt động thương mại - dịch vụ - du lịch trên đà phát triển. Nhiều khu du lịch sinh thái nổi tiếng được bạn bè gần xa biết đến như: Vườn du lịch Mỹ Khánh, Giáo Dương… Nhiều loại trái cây đặc sản như: dâu Hạ Châu, dâu xiêm, dâu bòn bon, vú sữa... đã và đang xây dựng và khẳng định thương hiệu, tạo tiền đề cho mô hình nông nghiệp nông thôn gắn với du lịch sinh thái miệt vườn, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo, Phong Điền chủ trương kêu gọi nhà đầu tư với hình thức khai thác quỹ đất, huy động mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với chỉnh trang đô thị môi trường sinh thái. Mục tiêu đến năm 2015, Phong Điền đạt các tiêu chí đô thị sinh thái để góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại-dịch vụ, du lịch, tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái chất lượng cao. Tăng cường huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

ÔNG NGUYỄN VĂN PHƯỚC, CHỦ TỊCH UBND HUYỆN VĨNH THẠNH:

TẬN DỤNG CƠ HỘI, NĂNG ĐỘNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG

 

Là huyện có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn của thành phố nên Vĩnh Thạnh xác định chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và hiệu quả làm khâu đột phá. Những năm qua, Vĩnh Thạnh đã lãnh đạo thực hiện có hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất lúa, thủy sản, lúa - màu. Huyện đẩy mạnh đưa cơ giới vào sản xuất, đưa công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Song song đó, Vĩnh Thạnh tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của nhân dân; xây dựng khá hoàn chỉnh hệ thống đê bao, phát triển lưới điện, nước sạch và các công trình khác... Thời gian tới, huyện sẽ tổ chức lại sản xuất với hình thức liên kết, hợp tác theo quy mô hàng hóa tập trung. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình phương pháp canh tác mới, cơ giới hóa sản xuất, nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao... đến người dân. Vĩnh Thạnh tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thâm canh lúa kết hợp nuôi thủy sản, hướng dẫn nông dân ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nâng cao giá trị sản lượng trên một đơn vị sản xuất. Phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản theo quy trình nuôi sạch, tiêu chuẩn SQR, ISO, GAP… đa dạng các mô hình nuôi thủy sản truyền thống, nuôi thâm canh trên ruộng lúa trong mùa lũ... Khuyến khích phát triển nuôi gia súc, gia cầm theo hướng bán công nghiệp, theo mô hình VAC-VACR kết hợp với xử lý và giảm ô nhiễm môi trường.

Vĩnh Thạnh tiếp tục tập trung các lĩnh vực có lợi thế, tạo động lực phát triển công nghiệp chế biến lương thực, cơ khí phục vụ nông nghiệp, cơ khí xây dựng; tập trung chỉnh trang, sửa chữa và xây dựng mới các công trình công cộng, hoàn chỉnh các tuyến đường liên xã, đường ấp, liên ấp… Vĩnh Thạnh sẽ tiếp tục khai thác và tận dụng tốt lợi thế sẵn có của huyện mới thành lập, góp phần tạo tiền đề vững chắc cùng thành phố hiện thực hóa mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững.

Chia sẻ bài viết