17/08/2020 - 17:28

Hội thảo khoa học cấp quốc gia về văn hóa trong phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ 

(CTO)- Ngày 17-8, Trường Đại học (ĐH) Trà Vinh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Văn hóa trong phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ - thực trạng và giải pháp”, với sự tham dự của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, quản lý thuộc các viện, trường trong cả nước. Ban Tổ chức hội thảo cho biết chỉ trong thời gian ngắn đã nhận được 58 tham luận cho thấy vấn đề văn hóa trong phát triển bền vững Tây Nam Bộ đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các các nhà khoa học, nhà quản lý, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên trong cả nước.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Bình Nguyên

Theo đánh giá của các đại biểu, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay, vùng Tây Nam Bộ đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Thực tế cho thấy Tây Nam Bộ là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường trong vùng; ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế và đời sống của hàng triệu người dân vùng Tây Nam Bộ. Sự tác động này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến những tập quán, những nếp văn hóa truyền thống của cư dân trong lao động, cư trú, đi lại, ăn uống và vui chơi, giải trí. Từ đó đòi hỏi cần phải có tầm nhìn mới, giải pháp mới để huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế góp phần phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ, trong đó yếu tố văn hóa.

PGS-TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, cho biết các tham luận gửi đến hội thảo đã góp phần làm rõ những vấn đề liên quan thực trạng văn hóa Tây Nam Bộ trong phát triển bền vững vùng và đề xuất các giải pháp khả thi. Những chủ đề được phân tích chủ yếu trong các tham luận gồm: xác định mối quan hệ giữa văn hóa Tây Nam Bộ và phát triển bền vững; nhận diện những đặc trưng và giá trị của văn hóa vùng Tây Nam Bộ từ các phương diện: lịch sử vùng đất, ngôn ngữ, tín ngưỡng - tôn giáo, giáo dục, nghệ thuật, lễ hội, ẩm thực, môi trường... của các cư dân vùng Tây Nam Bộ; những bài học kinh nghiệm của các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới trong việc phát huy vai trò tích cực của văn hóa đến sự phát triển bền vững vùng; và phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp khai thác giá trị văn hóa vùng trong phát triển kinh tế, du lịch bền vững vùng Tây Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung.

Theo PGS-TS Phạm Tiết Khánh, nhiều bài viết công phu, nghiêm túc và có hàm lượng khoa học cao; những nhận định, đánh giá trong các bài viết đều thể hiện rõ tinh thần khoa học, tâm huyết của người viết. “Hội thảo là dịp gặp gỡ quý báu của những nhà khoa học và nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn; là sự tập trung trí tuệ của các nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm, có uy tín. Những nội dung trao đổi, thảo luận, kiến nghị, đề xuất và kết luận tại hội thảo trước hết sẽ là cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng cho việc xác định thực trạng văn hóa Tây Nam Bộ trong phát triển vùng. Từ đó cung cấp cơ sở khoa học cho những định hướng, những giải pháp phù hợp phát huy vai trò tích cực của văn hóa Tây Nam Bộ trong phát triển vùng hiện nay; đồng thời đóng góp tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy về văn hóa Tây Nam bộ”- PGS-TS Phạm Tiết Khánh cho biết thêm.

BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết