10/06/2019 - 21:35

Hội quán nông dân - cầu nối làm giàu 

Hội quán nông dân là cách làm mới ở tỉnh Đồng Tháp trong thực hiện liên kết nông dân với nhau, nông dân với nhà khoa học, với doanh nghiệp và cả chính quyền để không chỉ phát triển sản xuất mà còn tạo đầu ra cho nông sản. Đây là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL thành lập mô hình hội quán, quy tụ nông dân bàn phương án sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ. Bằng các hình thức sản xuất đa dạng, một số Hội quán đã có nhiều mặt hàng nông sản chất lượng cao, có giá trị xuất khẩu.

Một buổi sinh hoạt của Hội quán nông dân ở xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Một buổi sinh hoạt của Hội quán nông dân ở xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Tuy chỉ mới thành lập chưa đến nửa năm, nhưng hiệu quả hoạt động của Nhân nghĩa Hội quán ở xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh được chú ý. Hội quán hiện có 45 thành viên, chủ yếu là trồng lúa và rau màu, với tổng diện tích gần 200ha, trong đó rau màu 40ha, mùa này chủ yếu là trồng ớt. Hội quán tổ chức họp định kỳ mỗi tháng 1 lần.

Ông Trương Thanh Việt, Phó Chủ nhiệm Hội quán xã Tân Nghĩa, chia sẻ: Mỗi kỳ họp, thứ nhất là phổ biến chủ trương của Tỉnh ủy trong phát triển nông thôn để mọi người cùng làm; thứ hai là mời các nhà khoa học đến chuyển giao kỹ thuật; thứ ba là bà con cùng bàn bạc kinh nghiệm sản xuất, tính toán đầu ra sản phẩm, cuối cùng là bàn bạc chuyện xóm, chuyện làng…

Nhà nông Huỳnh Văn Nao,  cho biết: Qua sinh hoạt tôi học kinh nghiệm của những hội quán khác như rải phân hữu cơ vi sinh nên ớt không bệnh, năng suất tốt. Những kinh nghiệm của các hội quán khác rất là hay, hoạt động vậy rất là đúng, chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau phát triển. Hội quán tham gia là nông dân tự nguyện học hỏi kinh nghiệm sản xuất, thấy có lợi tui tham gia. Còn ông Lê Tấn Bửu, cho biết thêm: “Hồi đó sạ dày khó quản lý, nặng nề về sâu rầy. Nay vô hội quán nghe sạ thưa nên năm nay quản lý rất nhẹ công chăm sóc. Bạn bè trao đổi rút kinh nghiệm rất hay!”.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nói: Hội quán là một thiết chế tự nguyện của cộng đồng dân cư, nó khác những thiết chế mà chúng ta cũng đang tập hợp, ví dụ như các đoàn thể. Còn cái này là một tổ chức rất tự nguyện mà Đồng Tháp hướng đến kích hoạt xã hội nông thôn lên, kích hoạt người nông dân lên. Xưa giờ chúng ta quen áp đặt từ trên xuống, còn bây giờ thiết chế từ cộng đồng dân cư, thông qua cấp ủy, thông qua chính quyền, thông qua sự gợi ý, sự truyền cảm hứng để người ta tập hợp lại và người ta tự hoạch định chuyện cuộc sống của họ và tới tiếp tục là sản xuất- kinh doanh của họ, không ai làm thay người dân được hết.

Bà Trần Thị Thanh Thảo, Bí thư Đảng ủy xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, chia sẻ: Qua 6 lần sinh hoạt hội quán thì hiệu quả rõ ràng. Đây là nơi gặp gỡ nghe nhau nói và nói nhau nghe, bàn chuyện làng, chuyện xóm, an ninh trật tự, cây lúa, hoa màu của quê hương Tân Nghĩa. Qua những lần sinh hoạt như vậy, nông dân tập hợp lại làm cùng một loại giống, sử dụng cùng một loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cùng ký liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó được chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng cho sản xuất lúa cũng như hoa màu, các cây trồng chủ lực của xã Tân Nghĩa.

Kỹ sư Huỳnh Thanh Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh, bộc bạch: Câu lạc bộ Khuyến nông dừng lại ở mức độ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, còn đối với hội quán là khi chuyển giao tiến bộ kỹ thuật còn định hướng người dân gắn kết với liên kết tiêu thụ. Và hội quán là nơi nông dân và ngành nông nghiệp có những thông tin để phân tích, định hướng giúp dân sản xuất hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Huyện Cao Lãnh là địa phương có phong trào thành lập các Hội quán mạnh nhất trong tỉnh Đồng Tháp, đến nay đã lên con số 12/18 xã. Ở xã Phong Mỹ, Phong Tân, Hội quán được thành lập cách nay gần 2 năm, hiện tập hợp 57 nhà vườn canh tác chủ yếu là cam xoàn và xoài. 6 tháng qua Hội quán đã là cầu nối để doanh nghiệp ký bao tiêu cho 15ha cam của bà con ở đây.

Ông Dương Văn Thành, Chủ nhiệm Phong Tân Hội quán, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, cho biết: Mấy năm trước bà con bán trái cây cho thương lái, nay có Công ty Đại Thuận Thiên ở Cần Thơ bao tiêu. Cam thu về kiểm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, qua nhiều lần như vậy thấy cũng ổn. Nông dân phấn khởi vì bán cho doanh nghiệp được giá cao, nếu thị trường giá 15.000 đồng/kg, thì doanh nghiệp mua giá 16.000-17.000 đồng/kg, đầu ra ổn định. Khi cam chín thì công ty đến hái mua, chứ bán cho thương lái bên ngoài rất bấp bênh, nhiều khi thương lái bỏ cọc không mua.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, cho biết: Tâm lý bà con trên địa bàn rất thích vào hội quán vì được hỗ trợ cách sản xuất sản phẩm sạch, được liên kết tiêu thụ sản phẩm, ổn định sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng xã nông thôn mới. Trong kỳ họp cuối năm 2018, các thành viên của Phong Tân Hội quán xã Phong Mỹ được tập huấn về bảo vệ xoài, cây trồng chiếm diện tích khá lớn trong đất vườn của bà con, với tổng diện tích khoảng 20ha.

Hiện nay chính quyền các địa phương rất quan tâm đến hoạt động của các Hội quán nông dân, tạo điều kiện và có những định hướng phát triển lâu dài, đồng bộ các hội quán này. Hiện nay ở huyện Cao Lãnh đã có 3 Hợp tác xã nông nghiệp hình thành từ hoạt động hiệu quả của Hội quán nông dân. Đồng Tháp đang từng bước phát triển thận trọng các Hội quán nông dân, bởi trước mắt các Hội quán đã là cầu nối làm giàu khi tăng được hiệu quả sản xuất, tổ chức tiêu thụ ổn định sản phẩm đầu ra với giá bán cao cho nông sản hàng hóa của nhà nông.

Bài, ảnh: Kỉnh Huy

Chia sẻ bài viết