Bài, ảnh: QUỲNH LAM
Cục Trẻ em, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) vừa tổ chức hội thảo, tập huấn triển khai Chương trình “Làm cha mẹ” trong phát triển toàn diện trẻ thơ. Tại TP Cần Thơ, dự án được triển khai tại các phường: Long Hòa, Thới An Đông, Trà An (quận Bình Thủy) và các xã: Thới Đông, Thới Xuân, Đông Hiệp (huyện Cờ Đỏ). Đây là một trong những mô hình, hoạt động thiết thực, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1437/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025 (Quyết định 1437/QĐ-TTg).
Tham gia hội thảo, các đại biểu được giới thiệu tổng quát về Chương trình “Làm cha mẹ” trong phát triển toàn diện trẻ thơ; Quyết định số 1437/QĐ-TTg; kế hoạch và hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện dự án trong thời gian tới, bao gồm: cơ chế điều hành, quản lý dự án, công tác kiểm tra, giám sát, báo cáo tại các cấp; kế hoạch tổ chức các buổi sinh hoạt nhóm làm cha mẹ tại các xã triển khai dự án…

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo, tập huấn triển khai Chương trình “Làm cha mẹ” trong sự phát triển toàn diện trẻ thơ.
Theo bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó cục trưởng Cục Trẻ em, thông qua chương trình, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ trong chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em từ 0-8 tuổi để cha mẹ, người chăm sóc trẻ có đủ năng lực chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời. Cụ thể, giúp cha mẹ xây dựng các kỹ năng sẵn có và học các kỹ năng mới, tăng cường sự tự tin và các kỹ năng ứng phó của cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con, thúc đẩy việc nuôi dạy con cái tích cực của cha mẹ. Đồng thời, tăng cường sự giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau giữa các cha mẹ, người chăm sóc trẻ và kết nối cha mẹ với các dịch vụ, nguồn lực cộng đồng; triển khai các hoạt động tư vấn hướng dẫn tại cộng đồng; tăng cường hiểu biết của cha mẹ về chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phát triển trí tuệ, hành vi và sự an toàn của trẻ; cũng như hình thành mạng lưới hướng dẫn viên về làm cha mẹ trong phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời.
Để tạo nguồn giảng viên, hướng dẫn viên nòng cốt tham gia Chương trình “Làm cha mẹ” tại các địa bàn triển khai dự án, Cục Trẻ em, UNICEF phối hợp Phòng LĐ-TB&XH quận Bình Thủy và huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn viên Chương trình “Làm cha mẹ” cho phát triển toàn diện trẻ thơ. Mỗi lớp tập huấn diễn ra trong 5 ngày. Kết thúc lớp tập huấn có kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận hoàn thành. Tham gia khóa tập huấn, các ứng viên được Sở LĐ-TB&XH phối hợp địa phương lựa chọn đảm bảo các tiêu chí: có kiến thức về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và sự phát triển của trẻ em; có kinh nghiệm hoạt động tiếp cận cộng đồng một trong các lĩnh vực về sức khỏe (y tế, dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh môi trường…), giáo dục, bảo vệ trẻ em và công tác xã hội; có kỹ năng giao tiếp cá nhân tốt, kinh nghiệm trong điều hành nhóm lớp hoặc làm giảng viên các lớp tập huấn, hướng dẫn, khả năng tổ chức và điều hành nhóm sinh hoạt; có thái độ tích cực, làm việc chuyên nghiệp và cam kết vì trẻ em và các vấn đề liên quan đến trẻ em; nhiệt tình, tâm huyết với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và quan tâm tới chương trình giáo dục kỹ năng làm cha mẹ…
Nhiều hướng dẫn viên cho biết, đến với lớp tập huấn, mọi người được cập nhật, bổ sung rất nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích, kể cả việc nhận thức đúng đắn hơn, sâu sắc hơn một số kiến thức, kỹ năng mà trước đây họ không thật sự hiểu rõ liên quan đến chủ đề khám phá các giá trị bản thân, phát triển trí tuệ ở trẻ và vui chơi cùng trẻ, kỹ năng làm cha mẹ… Qua đó, giúp học viên hiểu được giá trị và nội dung của chương trình; thể hiện được các kỹ năng cơ bản của hướng dẫn viên; hiểu và thực hành được các công cụ, kỹ năng, phương pháp được học qua lớp tập huấn; lập kế hoạch chương trình làm cha mẹ cho phát triển toàn diện trẻ thơ và triển khai tại địa phương, tại nơi làm việc. Sau khóa học, những hướng dẫn viên này sẽ trở thành lực lượng nòng cốt tham gia giảng bài, hỗ trợ truyền thông cho cha mẹ có con từ 0-8 tuổi về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ thơ; hỗ trợ phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ cho phát triển toàn diện trẻ thơ và xây dựng kế hoạch để triển khai chương trình giáo dục kỹ năng làm cha mẹ tại địa phương.