03/02/2015 - 21:22

HỌC BÁC LÀM ĐIỀU CÓ ÍCH

Đó là lời tâm sự và cũng là phương châm sống của chú Khưu Văn Long, ngụ tại ấp Tân Hưng, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Học Bác làm những điều có ích cho xã hội, những năm qua, người nông dân này đã không ngại khó khăn, vất vả, góp công, góp sức xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, nối những tuyến bờ vui trên quê hương mình. Chú là một trong những cá nhân tiêu biểu được Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP Cần Thơ, giai đoạn 2004 – 2013.

Những ngày gần Tết, chúng tôi ghé tham quan vườn vú sữa của chú Khưu Văn Long đúng vào mùa thu hoạch. Lần đầu tiên gặp chú, chúng tôi đã có sự cảm mến bởi nét mộc mạc, hiền lành, đúng chất Nam Bộ của người nông dân này. Cầm trên tay những trái vú sữa chín căng mọng, chú tỉ mỉ giới thiệu cho chúng tôi nghe từng giống vú sữa mà chú đang trồng. Chú cười hiền lành cho biết: “Ngày trước, gia đình tôi nghèo lắm. Nhà tôi chỉ có 2 công đất vườn. Về sau nhờ siêng năng làm lụng, vợ chồng khéo dành dụm, tích cóp tiền sang thêm đất. Đến nay có hơn 9 công đất trồng vú sữa. Đa phần tôi trồng vú sữa Lò Rèn và vú sữa Cà Na. Bình quân mỗi năm thu hoạch khoảng 200 triệu đồng…”. Từ khi kinh tế gia đình ổn định, chú Long bắt đầu tham gia các công việc thiện nguyện tại địa phương. Hơn 10 năm qua, thấy nơi nào cầu hư, đường xuống cấp, gây khó khăn cho bà con đi lại, chú Long cũng đều có mặt, hỗ trợ xây, sửa kịp thời.

Chú Khưu Văn Long, ngụ tại ấp Tân Hưng, xã Giai Xuân (bên phải) bàn bạc với cán bộ MTTQVN xã Giai Xuân về việc xây dựng cây cầu giao thông nông thôn mới trên địa bàn.
 

Cùng chúng tôi đi trên cây cầu đầu tiên chú Long xây dựng vào năm 2010, chú bồi hồi nhớ lại: “Ngày trước, để làm cây cầu này phải chật vật lắm vì tôi chưa từng xây cầu bao giờ. Tính toán vật tư thiếu hụt nên mất nhiều thời gian đi mua xi măng, cát đá... Cây cầu nhỏ nhưng cũng mất mấy tháng mới hoàn thành…”. Theo lời chú kể, ở vào thời điểm còn nghèo khó, để có tiền nuôi con, vừa lo chăm sóc vườn tược, chú phải bươn chải làm thuê, làm mướn và làm thợ hồ để kiếm sống. Từ vốn kiến thức ít ỏi từ công việc thợ hồ trước đây, chú tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm của mọi người xung quanh để thiết kế xây dựng cầu, đường. Ban đầu cũng lắm khó khăn nhưng đến bây giờ, với chú Long - “chuyện xây cầu còn dễ hơn xây nhà”. Từ khâu thiết kế cho đến việc tính toán ước lượng bao nhiêu vật tư, chú đều thuộc nằm lòng. Có được điều này là cả một quá trình tích lũy kinh nghiệm lâu dài. Cứ mỗi lần xây dựng cầu đường, chú lại rút ra cho mình những kinh nghiệm hay. Nhờ vậy, các cây cầu về sau mà chú Long xây dựng đều quy mô hơn, đẹp hơn và chất lượng hơn. Không chỉ chịu trách nhiệm thiết kế và đảm nhận luôn vai trò thợ chính, chú Long còn tích cực vận động bà con quyên góp tiền bạc, công sức cùng nhau xây dựng cầu đường. Ở nơi nào chuẩn bị xây cầu, chú Long đều lặn lội đến từng nhà khuyến khích, vận động bà con đóng góp.

Tại ấp Tân Hưng, cùng với ban ngành, đoàn thể, chú Long đã tham gia vận động bà con xây dựng được 7 cây cầu lớn nhỏ. Nhờ vậy mà bà con đi lại thuận tiện hơn. Chỉ cho chúng tôi thấy cây cầu nhỏ khang trang, cô Đặng Thị Ngài, 66 tuổi, ngụ tại ấp Tân Hưng, vui vẻ cho biết: “Ngày trước cây cầu này chỉ là cầu khỉ vắt vẻo, khó đi. Bà con bên sông đi lại khó khăn lắm! Học sinh đi học không an toàn. Xe cộ không qua lại được nên bà con thường phải gửi xe tại nhà tôi. Từ khi chú Long vận động xây cầu, ai cũng ủng hộ. Những ngày khởi công, ông xã tôi cũng ra phụ tiếp một tay. Ở đây ai cũng quý mến chú Long vì chú hiền lành, tốt bụng. Hễ ở đâu xây dựng cầu đường cũng thấy chú nhiệt tình tham gia….”. Chú Huỳnh Văn Thích, 49 tuổi, ngụ cùng ấp cũng nhắc nhiều về cây cầu đầu tiên mà chú Long khởi xướng xây dựng vào năm 2010. Chú Thích kể: “Những ngày khởi công, bà con ai cũng góp tiền bạc, công sức. Bản thân tôi cũng góp 1 triệu đồng và ngày công lao động. Cây cầu hoàn thành, bà con ai nấy cũng đều phấn khởi…”.

Không chỉ tích cực vận động, bản thân chú Long cũng tự bỏ tiền túi để ủng hộ cho việc xây dựng cầu đường. Nhưng nhắc đến việc làm ý nghĩa đó, chú Long chỉ xem đó là “của ít, lòng nhiều”, không tính toán. Hơn 10 năm qua, cùng với tổ từ thiện, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo và các ban, ngành, đoàn thể của xã Giai Xuân, chú Long đã tham gia xây dựng 52 cây cầu giao thông nông thôn lớn nhỏ (trong đó có 2 cây cầu ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy). Khắc ghi lời Bác dạy, những năm qua, chú Long luôn gắn bó với việc thiện nguyện. Chú bộc bạch: “Noi gương Bác, tôi chỉ muốn làm người tốt, việc tốt; thấy việc gì có lợi cho nhân dân, cho địa phương thì tôi cố gắng góp công sức thực hiện. Công việc tuy có mệt nhọc nhưng khi nhìn thấy bà con vui, đi lại thuận tiện thì tôi cũng thấy vui. Già rồi nhưng còn sức thì tôi còn làm…”.

Ông Hà Tấn Tòng, Phó Chủ tịch UBMTTQVN xã Giai Xuân, nhận xét: “Tại xã Giai Xuân có nhiều cầu đường xuống cấp. Những năm qua, công tác xây dựng nông thôn mới luôn được lãnh đạo địa phương và UBMTTQVN xã chú trọng. Gắn bó với việc xây dựng cầu giao thông nông thôn không thể không nhắc đến công của anh Khưu Văn Long. Mọi việc liên quan đến xây dựng cầu đường thì anh Long đều sẵn sàng hỗ trợ hết sức, hết lòng…”. Với những đóng góp của mình trong công tác xây dựng nông thôn mới tại địa phương, những năm qua, chú Long luôn nhận được nhiều giấy khen của huyện, xã trao tặng.

Chia tay chúng tôi, chú Long lại tất tả trở về với công việc của mình, nhanh tay thu hoạch vú sữa để kịp thời gian thi công thêm chiếc cầu mới do UBMTTQVN xã Giai Xuân vừa mới phát động nhân dân đóng góp xây dựng. Có thể nói, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng có sức lan tỏa rộng lớn đến các tầng lớp nhân dân. Từng ngày, với sự nỗ lực của các ban ngành, đoàn thể xã và những người dân góp công sức thầm lặng như chú Long đã và đang góp phần thay đổi diện mạo xã Giai Xuân, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Bài, ảnh: H. VÂN

Chia sẻ bài viết