01/06/2023 - 13:01

Hoàn thiện pháp luật đất đai trong thời kỳ hội nhập​ 

CHẤN HƯNG

Ðó là chủ đề của hội thảo khoa học do Khoa Luật, Trường Ðại học Cần Thơ vừa tổ chức. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) theo hướng tích cực, hiệu quả hơn trong quản lý và sử dụng đất (SDÐ).

Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học do Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ vừa tổ chức.

Đề xuất bổ sung quy định về nguyên tắc của việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch SDĐ

Tại hội thảo khoa học “Hoàn thiện pháp luật đất đai trong thời kỳ hội nhập”, do Khoa Luật, Trường Ðại học Cần Thơ vừa tổ chức, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Ðại học Luật Hà Nội, nhận định việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch SDÐ cho phù hợp là điều cần thiết. Tuy nhiên, nếu các nhà làm luật không quy định chi tiết, chặt chẽ các điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, vấn đề giám sát, chế tài xử lý vi phạm... thì dễ tiềm ẩn việc lợi dụng rà soát, điều chỉnh để thay đổi quy hoạch, kế hoạch SDÐ đã được phê duyệt theo hướng có lợi cho một nhóm người trong xã hội hoặc phát sinh tham nhũng, tiêu cực, làm ảnh hưởng, thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người SDÐ.

Do đó, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến kiến nghị: “Một là, bổ sung một điều khoản về nguyên tắc của việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch SDÐ nhằm tương thích với nội dung về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch SDÐ quy định tại Ðiều 56, Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi). Bởi lẽ, xét về bản chất, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch SDÐ cũng có vai trò quan trọng như lập, thẩm định, xét duyệt quy hoạch, kế hoạch SDÐ trong việc làm thay đổi toàn bộ hoặc một phần nội dung quy hoạch, kế hoạch SDÐ. Hậu quả của việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch SDÐ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người SDÐ. Mặt khác, quy định nguyên tắc của việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch SDÐ còn đảm bảo nâng cao tính khoa học, chặt chẽ, thận trọng trong việc thay đổi, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch SDÐ; đảm bảo tuân thủ nghiêm kỷ luật thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDÐ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt. Hai là, bổ sung quy định về các tiêu chí cơ bản để thực hiện việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch SDÐ nhằm hạn chế việc thay đổi, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch SDÐ trong trường hợp không thực sự cần thiết. Ba là, bổ sung quy định về chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc vi phạm về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch SDÐ với các mức xử lý đủ sức răn đe, nghiêm minh, góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định về thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDД.

Đảm bảo tính thống nhất cao giữa các quy định pháp luật

Theo Ths Ðinh Thanh Phương, Khoa Luật, Trường Ðại học Cần Thơ, một số quy định của Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) chưa đảm bảo tính thống nhất. Cụ thể, tại Ðiều 266 của Dự thảo, có một số bất cập. Cụ thể, quy định của đoạn 2, khoản 1, Ðiều 266 không đầy đủ, không tạo nên một chỉnh thể thống nhất về quyền khiếu nại của người SDÐ. Trong nội dung trên, Dự thảo đã đưa ra một dẫn chiếu về áp dụng pháp luật. Theo đó, “trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại”. Theo quy định của Luật Khiếu nại hiện hành, khiếu nại và giải quyết khiếu nại có trình tự, thủ tục riêng biệt. Ở đây, Dự thảo chỉ yêu cầu thực hiện quy định của pháp luật khiếu nại đối với trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, mà không đề cập đến trình tự, thủ tục khiếu nại. Do đó, có thể hiểu trình tự, thủ tục khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai. Tuy nhiên, trong toàn bộ quy định của Dự thảo lại không có đề cập đến trình tự, thủ tục khiếu nại. Vậy, một khi người SDÐ và cả người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến SDÐ, thực hiện quyền khiếu nại thì phải làm theo trình tự, thủ tục nào?

Bên cạnh đó, theo khoản 3, Ðiều 226 của Dự thảo, “trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án Nhân dân theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính”. Theo đó, ở bước “khiếu nại lần đầu”, nếu người khiếu nại không đồng ý với “quyết định giải quyết lần đầu” hoặc quá thời hạn giải quyết mà không được giải quyết thì người khiếu nại chỉ có một con đường duy nhất để đi tiếp là “khởi kiện vụ án hành chính”. Trong khi đó, theo khoản 1, Ðiều 226, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định của pháp luật khiếu nại, mà Ðiều 33 Luật Khiếu nại cho phép người khiếu nại được lựa chọn “khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính”. Như vậy, khoản 3, Ðiều 226 vừa không thống nhất với khoản 1 của Ðiều này, vừa không hợp lý, triệt tiêu quyền lựa chọn của người khiếu nại. Ðó cũng là hạn chế quyền của người SDÐ.

Ths Ðinh Thanh Phương kiến nghị: “Ðể đảm bảo tốt nhất quyền khiếu nại của người SDÐ, đồng thời các quy định của Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) có tính thống nhất cao hơn, Ðiều 226 nên được điều chỉnh theo hướng: thứ nhất, bổ sung thêm nội dung về trình tự, thủ tục khiếu nại vào đoạn 2, khoản 1 “Trình tự, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại”. Thứ hai, bỏ quy định tại khoản 3, Ðiều 226 của Dự thảo”.

Chia sẻ bài viết