18/03/2023 - 21:00

Hoài niệm cùng “Chuyện xứ Dran xưa” 

CÁT ĐẰNG

Miên man theo dòng hồi ức của một cây bút cao niên đi vào miền sương khói hoang vu của một thời quá vãng, độc giả sẽ thích thú khi đọc “Chuyện xứ Dran xưa” (Phương Nam Book và NXB Văn hóa - Văn nghệ phối hợp phát hành). Trong dòng chảy hoài niệm ấy, Dran hiện ra mơ màng, sống động qua lời kể của tác giả Lâm Trung Châu. Vậy Dran là nơi nào và có gì hấp dẫn?

Dran là một thị trấn thuộc huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, cách TP Đà Lạt gần 40km đường bộ về hướng Đông Nam. Gần trọn cuộc đời gắn bó với Dran, chứng kiến gần như toàn bộ thăng trầm và cả sự đổi thay, khởi sắc của những cư dân ở thị trấn lưng đèo, tác giả kể lại chuyện đất và người nơi đây bằng giọng văn gần gũi, bình dị pha chút hóm hỉnh. Các tản văn trong sách được viết lần hồi trong khoảng 10 năm, chủ yếu đăng tại diễn đàn Danhim.net, khi sách được xuất bản, tác giả đã hơn 80 tuổi.  

Mở đầu, tác giả giới thiệu: “Nếu bạn nghĩ Dran chỉ là một nhúm ba khu phố lèo tèo thêm chín thôn lân cận thì đó là một nhầm lẫn lớn. Dran xưa thuộc vùng đất Hoàng triều Cương thổ (Domaine de la Couronne). Người ở nơi khác đến phải có người địa phương bảo lãnh, còn người ở Dran muốn đi xa phải xin giấy “Laissez-Passer” (giấy thông hành). Dran xưa rộng lắm”. Từng câu chuyện về một xứ sở vừa quen, vừa lạ lần mở ra theo từng trang sách.

Quen vì như bao ngôi làng cổ xưa khác, Dran cũng có cây đa, giếng nước; có dòng sông Danhim uốn lượn quanh làng; có những đứa trẻ hồn nhiên, nghịch ngợm với những trò chơi dân gian vui nhộn, có người dân hiền hòa sinh sống nhờ trồng trọt, chăn nuôi; có những món ăn ngon đậm đà hương quê khó quên… Lạ vì vùng đất này là một thung lũng được bao quanh bởi đồi núi, có nhiều địa danh đặc biệt và những con người đặc biệt… Qua hơn 160 trang sách, tác giả dẫn dắt người đọc tìm hiểu về xứ Dran xưa qua 5 phần. Phần thứ nhất “Ngày xưa ở xứ Dran” kể về các sự việc diễn ra trên vùng đất ấy thuở xưa. Phần thứ hai “Người xứ Dran xưa” kể về những cư dân, tạm gọi là “nổi tiếng”, được nhiều người suốt nhiều thế hệ nhớ mặt, nhớ tên. Phần thứ ba “Hương quê còn đó” viết về những món quà quê đặc sản của xứ Dran. Phần thứ tư “Bên dòng Mai Nương” với những sự kiện quan trọng trong đời của tác giả, có liên quan mật thiết đến sự gắn bó của tác giả với xứ sở Dran. Cuối cùng là phụ lục “Viết cho Đơn Dương”, gồm những bài viết của thế hệ con cháu nghĩ về vùng quê yêu dấu.

Đọc sách, có thể thấy đầy ắp những tư liệu thực tế được chuyển tải nhẹ nhàng, dễ hiểu qua những câu chuyện ngắn, dài theo các chủ đề một cách chọn lọc. Điển hình như  một loạt bài viết về trường học xứ Dran xưa giống như những mảnh ghép nhỏ tạo thành một bức tranh lớn về cách học hành, thi cử, sinh hoạt, giao lưu của học trò thời ấy như thế nào. Trong đó, có những thầy giáo bất ngờ bị chính quyền Pháp bắt và xử tử vì là Việt Minh hoạt động bí mật, có những người hiến đất, góp tiền xây nên ngôi trường đầu tiên, có ông cai trường đáng mến, cần mẫn giữ trường qua bao thế hệ học trò… Hay vì sao ở cái rẻo cao heo hút đó dần dần lại có đủ mọi thứ của một xã hội văn minh: trường học, nhà thương, nhà bảo sanh, chợ, giếng nước công cộng, tiệm sách, hiệu ảnh, rạp phim, quán bar sàn nhảy, câu lạc bộ thể thao, sân vận động, xe khách… Đặc biệt, nơi đây là quê hương của nhiều nhân tài, những con người thành đạt với học thức, địa vị cao trong chính trường, xã hội.  

Những hồi ức ấy như những hạt châu lấp lánh mà bụi thời gian không thể che lấp, được tác giả tỉ mẩn ghi chép, kể lại cho thế hệ con cháu và độc giả gần xa hiểu hơn về một xứ sở đặc biệt. Nơi mà giờ đây là một địa danh du lịch nổi tiếng, thơ mộng của tỉnh Lâm Đồng.

Chia sẻ bài viết