29/12/2017 - 12:12

Hòa nhập cộng đồng 

Từng lầm lỡ, sa vào tệ nạn xã hội khi tuổi đời rất trẻ, khi nhận thấy tương lai mờ mịt, gia đình kiệt quệ, họ quyết tâm làm lại cuộc đời, trở về nẻo sáng và tham gia nhiều hoạt động truyền thông giúp người trẻ phòng, chống ma túy. Một số bạn trẻ là người đồng tính đang có những việc làm thiết thực để chống sự kỳ thị, phân biệt về giới… Đó là phác thảo chung về những đồng đẳng viên, tiếp cận viên cộng đồng với ước mơ góp sức giúp các bạn trẻ sống lành mạnh, trở thành những công dân hữu ích cho xã hội.

Làm lại cuộc đời...

Buổi sáng, sau khi đến cơ sở y tế uống Methadone, H.N.G (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) trở về nhà, chăm sóc vườn tược, phụ giúp gia đình nuôi chim yến và trồng nấm. Nhờ biết nghề làm tủ nhôm nên mấy năm nay, G. có nguồn thu nhập ổn định, nuôi sống bản thân. Nói về tuổi trẻ bồng bột, G. cho biết, vì ham vui, "đua" theo bạn bè nên anh tập tành chơi ma túy, rồi nghiện khi nào không biết. G. kể: “Từ năm 2002, tôi nghiện nặng nên bỏ nghề đóng tàu. Tất cả số tiền tích cóp, tôi tiêu hết cho ma túy”. Đến khi hết tiền, gia cảnh khó khăn, G. hối hận và xấu hổ vì là con trai mà không giúp được gì, lại còn là gánh nặng cho cha mẹ. Nghĩ vậy, G. quyết tâm cai nghiện ma túy và điều trị bằng Methadone từ năm 2010 đến nay. 

Một buổi sinh hoạt, truyền thông về giới cho các bạn trẻ nhằm hạn chế tình trạng kỳ thị, phân biệt người đồng tính. Ảnh: CTV

Hiểu rõ tác hại của ma túy, G. tham gia nhiều hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại ma túy do các cấp, ngành và địa phương tổ chức, với mong muốn chia sẻ, động viên những người cùng cảnh ngộ làm lại cuộc đời cũng như giúp các bạn trẻ tránh xa ma túy. G. kể, đầu năm 2015, anh tham dự và chia sẻ trong chương trình truyền thông về tác hại ma túy ở phường với tâm trạng lo lắng, ngại nhiều người biết về quá khứ của anh, ảnh hưởng gia đình. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, G. nghĩ đây là việc làm ý nghĩa nên tích cực tham gia. Trong các buổi sinh hoạt với người cai nghiện, anh cũng chia sẻ về chính sách hỗ trợ người sau cai nghiện để làm lại cuộc đời. G. tâm sự: “Quá trình cai nghiện ma túy rất gian nan, không kiên trì sẽ có nguy cơ tái nghiện. Vì vậy,  tôi mong được góp sức, tiếp thêm sức mạnh để các bạn trẻ lầm lỡ, từ bỏ ma túy, trở về với gia đình, làm lại cuộc đời”. 

Trong các chương trình truyền thông về tác hại ma túy, chúng tôi đã gặp gỡ nhiều trường hợp nghiện, để có tiền tiêm chích, họ bất chấp tất cả, trộm cắp, lừa gạt hoặc tổ chức đua xe, đá gà, đánh bài hay vòi vĩnh tiền cha mẹ, khiến kinh tế gia đình kiệt quệ. Anh T.V.V. (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) là một trong những trường hợp như vậy. Thế nhưng, sau cai nghiện, được giới thiệu học nghề sửa xe, gia đình hỗ trợ mở cửa tiệm, cuộc sống của anh dần ổn định. Bên cạnh đó, nhờ sự động viên, giúp đỡ của bạn bè, các cấp, ngành, anh V. nhiệt tình chia sẻ, hỗ trợ địa phương tuyên truyền về tác hại ma túy, giúp các bạn trẻ không vướng vào tệ nạn xã hội, gây phiền lụy gia đình, uổng phí tuổi thanh xuân.  

Giảm sự phân biệt, kỳ thị

Là người đồng tính nên Đ.Q.P (28 tuổi, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) hiểu được những khó khăn của những bạn cùng cảnh ngộ. P. tâm sự, trước đây, P. từng quen với nam thanh niên và có quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su. Vì vậy, khi biết bạn nam quan hệ không lành mạnh với nhiều người, P. rất lo lắng bị nhiễm HIV. Sau khi được đồng đẳng viên tư vấn, P. ý thức hơn việc sử dụng các biện pháp an toàn tình dục, bảo vệ sức khỏe bản thân. Từ đó, P. tham gia làm đồng đẳng viên và sau này là tiếp cận viên cộng đồng cho Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều, với mong muốn giúp các bạn MSM (Men Sex Men: nam giới có quan hệ tình dục với nam giới) nâng cao kiến thức và ý thức bảo vệ sức khỏe khi quan hệ tình dục. Nhiệm vụ của P. là tiếp cận các bạn MSM tại các phường Cái Khế, An Khánh, An Bình để tư vấn, hỗ trợ kiến thức an toàn tình dục, cấp phát bao cao su, chất bôi trơn miễn phí, tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS và hỗ trợ xét nghiệm phát hiện sớm trường hợp nhiễm HIV.

Khó khăn lớn nhất của P. là việc tiếp cận các bạn đồng tính, bởi bên cạnh một bộ phận tự tin thể hiện giới tính, phần lớn đều "bí mật". Vì vậy, để vận động bạn trẻ đồng tính tham gia nhóm, có khi P. phải mất vài tháng. P. kể: “Giai đoạn làm quen, kết bạn phải mất vài tháng, bởi khi là bạn bè, các bạn mới tin tưởng biểu lộ chuyện thầm kín về giới tính của mình”. Bên cạnh đó, không ít thanh niên đồng tính cố tình tham gia nhóm để dụ dỗ, lôi kéo một số thành viên khác vào các hoạt động không lành mạnh. Vì vậy, không chỉ vận động, tiếp cận viên cần thường xuyên nắm bắt giao tiếp, trò chuyện với các thành viên để nắm bắt tâm tư, tình cảm, kịp thời có biện pháp giúp đỡ.

Là người đồng tính, P. hiểu rõ, thực tế còn nhiều người phân biệt kỳ thị với người đồng tính. Vì thế, P. cùng các tiếp cận viên khác tổ chức các thành viên nhóm tham gia các hoạt động đội, nhóm, vừa tạo điều kiện giao lưu, kết bạn, vừa góp phần xóa bỏ định kiến cộng đồng đối với người đồng tính. P. cho rằng, bằng những việc làm cụ thể, người đồng tính mong muốn mọi người đồng cảm, sẻ chia và thay đổi định kiến rằng họ vẫn sống tốt và làm nhiều việc hữu ích cho xã hội như người bình thường khác. 

Còn nhiều bạn trẻ là những tiếp cận viên cộng đồng đã và đang nỗ lực giúp nhiều thanh niên hòa nhập cộng đồng. Mỗi người một việc khác nhau, nhưng tựu chung là tinh thần tình nguyện, khát khao góp sức trẻ giúp nhiều thanh niên lầm lỡ, nghiện ma túy hoặc thanh niên đồng tính sớm hòa nhập cộng đồng…

TÚ ANH

Chia sẻ bài viết