08/10/2017 - 08:54

Hoa Cánh Đỏ 

Truyện ngắn: KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Thuở còn bé, nhà tôi nằm ở khu kinh tế mới hình thành từ một cánh rừng. Ba mẹ tôi đến đây lập nghiệp rồi thành vợ chồng. Khu kinh tế mới những ngày đầu gầy dựng thưa thớt người, những con đường đất, mùa nắng thì bụi bay mù mịt, mùa mưa thì lầy lội.

Tôi sinh ra trong một cơn mưa lũ cuối mùa. Ba chở mẹ trên chiếc xe đạp, vượt qua cơn mưa, qua những con đường lầy lội đến trạm xá. Tôi cất tiếng khóc như ba tôi nói, còn to hơn tiếng mưa. Vì vậy ba đặt cho tôi cái tên cũng rất riêng: Mưa.

Cuộc sống tuổi thơ của tôi thơm mùi cây cỏ, cả thời thơ ấu của tôi có Cỏ. Cái tên của anh cũng rất lạ. Nghe anh nói thì khi sinh ra anh, ba anh đặt tên Cò, nhưng cái tên mộc mạc ấy đã được bác cán bộ tư pháp xã sửa lại, kèm lời khuyên nhủ: “Cái tên mang theo suốt cuộc đời cháu, tôi sửa lại cho đẹp, chứ đặt tên Cò mai mốt cháu đi học, bạn bè cười, cháu sẽ mặc cảm”.

Hằng ngày, Cỏ chở tôi di học trên chiếc xe đạp của anh, vượt qua cả một cánh rừng đầy cỏ lau. Ngôi trường mới lập, nằm trên một ngọn đồi, không có tường rào, là cả thời thơ ấu của tôi. Cỏ hỏi tôi: “Mai sau lớn lên, Mưa định làm nghề gì?”. Tôi hồn nhiên với ước mơ trở thành cô giáo, nhưng tôi phải dạy trong một ngôi trường đẹp. “Ở ngôi trường đó có những cây phượng vĩ nở hoa vào mùa hè. Em sẽ mặc áo dài lên lớp dạy cho học trò.” Còn Cỏ thì lại mang trong lòng mình một giấc mơ khác: “Anh mơ mai sau anh trở thành một thủy thủ. Anh thích ở trên một con tàu, đi khắp mọi vùng biển”. Lạ cho những giấc mơ thuở thiếu thời. Bởi người dạy học cho chúng tôi là cô giáo tình nguyện, cô chẳng mặc áo dài lên lớp và ngôi trường tôi học cũng có những cây phượng vĩ, nhưng chỉ mới được trồng, thấp hơn cả tôi. Ở vùng kinh tế mới của chúng tôi chỉ có núi, có cỏ cây, nhưng Cỏ lại mơ về biển, cũng như tôi mơ về một ngôi trường xinh đẹp mà tôi là cô giáo với tà áo dài tha thướt.

Một ngày, mưa kéo dài, trường lại nằm ở nơi nước lũ từ trên đỉnh núi tràn xuống bất cứ lúc nào, học sinh chúng tôi được nghỉ học. Thế là tôi rủ Cỏ cùng vào bìa rừng chơi. Rừng cũng rất kỳ lạ, khi những cơn mưa bắt đầu đổ về thì như thể tất cả những hạt mầm nằm vùi trong lòng đất lại trỗi lên, tạo ra một không gian khác. Có một loại hoa rất lạ, chúng chỉ nở trong cơn mưa, sau khi dứt cơn mưa thì hoa cũng tàn héo theo. Hoa này chưa ai nghĩ đến việc đặt tên, chỉ gọi chung là hoa dại. Tôi đã đặt tên cho loài hoa khi nở cứ chao những cánh đỏ diệu kỳ làm rực rỡ cả một góc rừng ấy là hoa Cánh Đỏ. Cỏ bảo với tôi là cái tên tôi đặt có khi sẽ được đưa vào từ điển của các loài hoa. Khi trường cho nghỉ học, tôi đã rủ Cỏ cùng tôi đi hái hoa Cánh Đỏ.

Nếu ai đã từng chứng kiến cảnh một vạt cỏ đang xanh, bỗng dưng như có một chiếc đũa thần biến hóa, lần lượt trỗi lên những đóa hoa màu đỏ nở li ti thì sẽ chẳng bao giờ bỏ lỡ cơ hội đi ngắm hoa. Cỏ đã chở tôi đến cánh rừng rất kịp lúc, khi cơn mưa cũng vừa tạnh, hai đứa chúng tôi cùng chứng kiến cảnh hoa nở thật lạ lùng ấy. Tôi đã hái một bó hoa Cánh Đỏ đem về.
Nhưng khi chúng tôi trở về thì cơn mưa thật là dữ dội. Càng mưa, đường trở về càng lầy lội. Rồi gió đẩy xe đạp của hai đứa chúng tôi xuống một trũng sâu. Đó là một tai nạn nhỏ, nhưng một bàn chân của Cỏ đã bị một tảng đá rơi theo đập vào. Mãi cả tiếng đồng hồ mới có người đi ngang cứu chúng tôi.

***

Lâu lắm tôi không còn trở về khu kinh tế mới của thời thơ ấu nữa. Gia đình tôi chuyển về một thành phố miền Trung sinh sống. Tôi giã từ thời thơ ấu của mình với cái vẫy tay rối rít của Cỏ. Sau hơn hai tháng điều trị, cuối cùng Cỏ đã có thể chống trên đôi nạng, cùng tôi đi xem hoa Cánh Đỏ nở. Trong những quà bạn bè tặng chia tay, món quà của Cỏ là đặc biệt hơn cả. Đó là một hòn đá tự nhiên, giống hình người đang ngồi bó gối. Hòn đá ấy Cỏ rất quý, thường để trên bàn học của mình và tôi cũng rất thích. Cỏ đưa cho tôi một lá thư, dặn tôi là khi đến chỗ ở mới hãy mở ra. Tôi buồn cười khi nhớ ra rằng chuyện đọc thư sau khi lìa xa ấy tôi đã được xem ở một bộ phim truyền hình nào rồi.

Lá thư ấy tôi đặt trong ngăn kéo. Tôi di chuyển từ thành phố này đến thành phố khác, lá thư cứ nằm trong chiếc hộp tôi cất giữ những vật dụng kỷ niệm, vẫn chưa hề được mở ra.

Giữa tôi và Cỏ chỉ mới bắt đầu chớm nở một thứ tình cảm đặc biệt thì lìa xa. Tôi vẫn nghĩ tôi thấy có lỗi với Cỏ nhiều hơn là lưu luyến, nhất là khi nhìn bàn chân đã mất của Cỏ. Mãi một thời gian sau tôi mới quên được những buồn vui chốn cũ, bắt đầu hòa nhập với cuộc sống mới. Nhưng bất cứ đi đến nơi nào, tôi vẫn giữ hòn đá Cỏ tặng và lá thư chưa mở. Bởi tôi sợ sự hối lỗi sẽ sống dậy, sẽ níu chân mình. 

***

Tôi không đậu vào trường sư phạm, đành chọn học ngành địa lý du lịch. Tại đây tôi quen Tân. Tình yêu giữa tôi và Tân cũng mau chóng chớm nở, vì hai đứa đều là sinh viên xa nhà, lại cùng quê. Tân và tôi chia cho nhau từng chiếc bánh vào những ngày cuối tháng khi không còn tiền. Tân đợi tôi ở bên kia đường trước cổng trường để đôi khi chỉ cùng dạo quanh phố xá. Kỷ niệm buồn vui giữa tôi và Tân mỗi ngày cứ thế nhân rộng lên. Ký ức về những ngày ở khu kinh tế mới của tôi cứ thế xa rời. Nghĩ cho cùng thì điều đó cũng bình thường thôi, con người phải sống và luôn khám phá thế giới mình đang sống. Ra trường, tôi và Tân dự định sẽ tổ chức đám cưới sau khi ổn định việc làm.

Tôi đến Đà Nẵng vì một lời mời. Cô bạn học cùng khóa hiện đang làm việc ở Bảo tàng điêu khắc Chăm, tên Loan. Loan bảo: “Tại sao Mưa không ra Đà Nẵng thử một chuyến. Mình sẽ đưa Mưa đi thăm Ngũ Hành Sơn, sẽ đi Mỹ Sơn và nhiều nơi khác. Ở đây đang có một công việc phù hợp, lương cao nè”. Đi Đà Nẵng làm việc, cũng là vì Tân đang làm việc ở đó. Tôi đến Đà Nẵng cũng tạo cớ để gặp anh. Tôi chuẩn bị tất cả cho một chuyến đi lập nghiệp chứ không phải bị quyến rũ bởi những thắng cảnh như Loan nói. Tôi và Tân quyết định ổn định cuộc sống dài lâu ở thành phố này.
Sáng chủ nhật hôm đó Tân rủ tôi đi Lăng Cô ở bên kia đèo Hải Vân. Thế là hai đứa chuẩn bị mọi vật dụng cho chuyến dã ngoại trong ngày.

Lăng Cô có bãi biển rộng mênh mông và gần như còn hoang sơ. Chúng tôi đi lang thang dọc theo biển, vào xóm chài và vui đùa bên sóng nước. 
Khi trở về, tôi bảo anh dừng lại ở một quán nước, nghỉ ngơi và mua đặc sản ở đây đem về cho bạn bè. Quán nằm giữa những cây xanh, vài bộ bàn ghế để trong bóng mát nhằm đón khách qua đường.

Tiếng người phụ nữ gọi vọng vào trong khiến tôi giật mình:

Anh Cỏ ơi, chặt cho em ít đá…

***

Tôi xé lá thư được gởi từ ngày tôi lìa xa vùng kinh tế mới. Một tờ giấy vở học trò đã úa vàng, ép trong đó mấy cánh hoa Cánh Đỏ khô theo thời gian đã đen lại và sắp rơi ra. Cỏ viết: “Một ngày nào đó mình sẽ lấy nhau Mưa nhé.”

Ở quán nước ấy Cỏ không nhận ra tôi, vì anh không nhìn tôi hay anh giả vờ không nhìn tôi. Còn tôi, dẫu cuộc sống đã trôi qua bao ngày bao tháng, dẫu ngày tôi rời khỏi khu kinh tế mới, anh và tôi còn nhỏ, tôi vẫn nhận ra anh.
Tôi nhìn sau lưng anh, anh chống chiếc nạng vì bàn chân tàn tật do tôi gây ra của ngày mưa xa lắc.

Tôi ứa nước mắt, những dòng lệ nhỏ lên những cánh hoa Cánh Đỏ khô. 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Hoa Cánh Đỏ