19/07/2024 - 19:38

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp 

Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2021-2026, các cấp Hội LHPN huyện Phong Điền tập trung xây dựng, nâng chất nhiều mô hình kinh tế hiệu quả; đồng thời, phối hợp tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để hội viên, phụ nữ sản xuất, kinh doanh. Toàn huyện hiện có 4 hợp tác xã (HTX), 4 tổ hợp tác (THT) và 18 mô hình kinh tế trên nhiều lĩnh vực do Hội quản lý, tạo việc làm cho 643 hội viên, phụ nữ; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mô hình bánh tét ngũ sắc.

Mô hình bánh tét ngũ sắc của Hội LHPN xã Nhơn Nghĩa hiện là một trong những mô hình “ăn nên làm ra” tại địa phương. Chị Nguyễn Ngọc Lam, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhơn Nghĩa, bộc bạch: “Tôi học nghề gói bánh tét từ mẹ. Trước đây, tôi chỉ làm nhỏ lẻ tại gia đình. Với mong muốn món bánh truyền thống của quê hương được lưu giữ, phát triển, tháng 3-2023, tôi mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, thành lập mô hình bánh tét ngũ sắc”. Không chỉ đảm bảo tiêu chí ngon, rẻ, chị Lam còn chú trọng chế biến hợp vệ sinh, an toàn thực phẩm. Màu sắc bánh bắt mắt, hấp dẫn, chủ yếu sử dụng nguyên liệu thiên nhiên: lá dứa, lá cẩm và trái gấc nên được khách hàng yêu thích. Ngoài ra, với cách hút chân không, bánh tét có thể giữ được 6-7 ngày, không dùng đến chất bảo quản thực phẩm. 

Hiện nay, cơ sở của chị Lam kinh doanh nhiều loại bánh tét: bánh tét nhân chuối, nhân đậu mỡ, nhân chay và bánh tét ngũ sắc, với giá bán dao động 45.000-80.000 đồng/đòn, tùy theo trọng lượng và nhân bánh. Chỉ hơn 1 năm thành lập, mô hình khởi nghiệp làm bánh tét ngũ sắc không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình chị Lam mà còn hỗ trợ 22 thành viên có thêm 150.000-250.000 đồng/ngày. Chị Lương Thị Thu Hận ngụ ấp Nhơn Thuận 2, xã Nhơn Nghĩa, cho biết: “Từ khi tham gia mô hình, chị em rất phấn khởi vì việc mua bán thuận lợi. Mỗi người một công đoạn, phối hợp ăn ý, nhịp nhàng nên hoàn thành công việc nhanh chóng. Không chỉ tạo việc làm, có thêm thu nhập mà mô hình còn tạo niềm vui khi chị em cùng nhau tương trợ kinh doanh, gìn giữ nghề truyền thống”.

Theo chị Bùi Thị Uyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phong Điền, những năm qua, hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế được Hội triển khai đồng bộ, phát huy được nội lực của chị em. Các cấp Hội mở rộng liên kết, khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo; kết nối xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP; đồng thời, vận động, khích lệ chị em tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Qua đó, số mô hình kinh tế tập thể tăng cả về lượng và chất; nội dung hoạt động thiết thực, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Cụ thể, nửa đầu nhiệm kỳ 2021-2026, các cấp Hội đã thành lập mới 3 mô hình kinh tế; toàn huyện hiện có 26 mô hình, HTX và THT do Hội quản lý, với 643 thành viên tham gia. 

Chị Nguyễn Thị Kim Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Long, cho biết, Hội đang duy trì hoạt động hiệu quả 6 mô hình, câu lạc bộ kinh tế, như: HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A, HTX Vườn cây ăn trái Trường Thọ 2A, THT May gia dụng ấp Trường Phú B... Thông qua các HTX, THT đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 300 lao động nhàn rỗi tại địa phương. Bên cạnh đó, Hội chủ động phối hợp các ngành chức năng tham mưu xây dựng 2 nhãn hiệu tập thể được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, gồm: “Chanh không hạt Trường Long” của HTX Chanh không hạt và “Vú sữa Trường Khương A” của HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A. Các cấp Hội tích cực liên kết các công ty ký hợp đồng thu mua nông sản với giá cao; tiếp tục nâng chất các HTX, mô hình liên kết, THT theo chuỗi giá trị gắn với chương trình OCOP. Đến nay, sản phẩm vú sữa bơ hồng và vú sữa lò rèn của HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A đã đạt OCOP 4 sao. 

Thực hiện Ðề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Thủ tướng Chính phủ, nửa nhiệm kỳ qua, các cấp Hội LHPN huyện đã hỗ trợ 49 chị khởi sự kinh doanh, làm ăn có hiệu quả; tổ chức các lớp nghề, giới thiệu việc làm cho 1.057 chị; thường xuyên tạo điều kiện để chị em tham gia các hội thi, trưng bày giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp... Các cấp Hội còn quản lý 8 chương trình vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng dư nợ trên 243 tỉ đồng; duy trì các nguồn vốn từ các tổ tiết kiệm, nguồn vốn Delta, tổ góp vốn xoay vòng, giúp nhiều hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gia đình. 

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, các cấp Hội LHPN huyện Phong Điền đã phát huy vai trò cầu nối, giúp nhiều hội viên, phụ nữ mạnh dạn chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, phát triển bền vững.

Bài, ảnh: KIẾN QUỐC

Chia sẻ bài viết