26/01/2021 - 08:23

Hỗ trợ nông dân trồng rau màu ổn định giá cả đầu ra 

Sau thời gian bị rớt giá thảm hại, những ngày gần đây giá nhiều lại rau màu đã có khởi sắc tăng trở lại. Song, nhìn chung giá nhiều loại rau củ quả vẫn còn ở mức khá thấp, chưa đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất. Nông dân trồng rau màu rất mong ngành chức năng quan tâm hỗ trợ để giá cả đầu ra sản phẩm tốt hơn, giúp bà con an tâm sản xuất.

Thu hoạch dưa leo ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Trồng rau màu gặp khó

Bà Lý Kim Chia  ngụ ở  khu vực Tân An, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, có 5 công đất ruộng đang trồng dưa leo, cho biết: "Những ngày trước, giá dưa leo bán ngay tại ruộng chỉ ở mức 2.000 đồng/kg, còn hiện nay (ngày 20-1) giá đã tăng lên ở mức 3.000-3.200 đồng/kg. Tuy nhiên, với mức giá này, người trồng dưa leo thua lỗ nặng dù dưa leo rất trúng mùa, năng suất có thể đạt 4-4,5 tấn/công. Bởi chi phí để đầu tư trồng một công dưa leo đã ở mức trên 20 triệu đồng, đó là chưa kể chi phí chăm sóc và thu hoạch dưa. Ngoài ra, nếu ai không có đất nhà phải thuê mướn đất để sản xuất thì phải tốn thêm khoảng 4 triệu đồng/công/năm".

Gần đây giá nhiều loại rau ăn lá, rau ăn quả và rau ăn củ đã giảm hơn 50% so với những tháng trước, xuống còn ở mức rất thấp và có phần khó tiêu thụ nên người sản xuất gặp nhiều khó khăn. Ðáng chú ý, có nhiều mặt hàng như: cải thìa, bầu, bí, củ cải trắng… được nông dân bán ngay tại rẫy chỉ với giá từ 1.000-4.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Tuấn Nhuận, ngụ ấp 3, xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ, cho biết: "Chưa năm nào bầu, bí, củ cải trắng và cải thìa bị rớt giá xuống mức chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg như những tuần qua. Hiện giá các mặt hàng này dù có cải thiện nhưng vẫn còn khá thấp, với chỉ từ 3.000-4.000 đồng/kg. Riêng các loại rau quả như: đậu bắp, khổ qua, đậu cô ve… có giá cao hơn, với giá bán tại rẫy hiện ở mức 5.000-6.000 đồng/kg nhưng nông dân khó có lời do trồng các mặt hàng này đòi hỏi tốn nhiều chi phí chăm sóc và công thu hoạch". Theo bà Nguyễn Thị Nga ở xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ, gần đây giá nhiều loại rau màu không chỉ giảm mạnh và việc tiêu thụ cũng chậm nên nông dân lo lắng và tạm thời không dám phát triển diện tích trồng hoặc phải chuyển sang trồng đa dạng nhiều mặt hàng trên cùng diện tích để hạn chế rủi ro về đầu ra. Do vậy, việc chăm sóc, thu hoạch cũng tốn nhiều chi phí so với với chuyên canh trồng một loại rau màu.

Giá rau củ quả giảm mạnh do nguồn cung tăng cao và phần lớn các mặt hàng đang tiêu thụ dạng tươi sống tại thị trường nội địa mà chưa được đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu. Gần đây, diện tích, sản lượng sản xuất nhiều loại rau màu tại các địa phương vùng ÐBSCL đã tăng mạnh do nông dân tăng cường sản xuất và gần đây thời tiết, điều kiện sản xuất thuận lợi so với các tháng trước nên rau màu dễ trồng và cho năng suất cao. Theo tiểu thương ở TP Cần Thơ, lượng rau củ quả về các chợ tăng mạnh, trong khi sức tiêu thụ vẫn ở mức bình thường, dẫn đến "thừa hàng, dội chợ" và chuyện giá giảm là rất khó tránh khỏi. Bên cạnh nhiều loại rau củ quả được trồng tại các địa phương vùng ÐBSCL, nguồn cung rau quả tại thị trường TP Cần Thơ còn được tăng cường nhiều mặt hàng có xuất xứ từ Ðà Lạt (tỉnh Lâm Ðồng), cũng như một số tỉnh, thành khác trong nước và có cả nhiều loại rau củ quả được nhập khẩu.

Để nông dân bớt nỗi lo về đầu ra

Hiện nay, nông dân ở TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ÐBSCL đã thuận lợi trong sản xuất rau màu nhờ được ngành chức năng quan tâm hỗ trợ đầu tư, phát triển các cơ sở hạ tầng, thủy lợi giúp chủ động nguồn nước tưới tiêu, không lo bị thiếu nước tưới hay sợ rau màu ngập úng trong các tháng mùa lũ. Ðồng thời, ngành Nông nghiệp các địa phương tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ giống cây con để nông dân đưa cây màu xuống ruộng lúa và phát triển đa dạng nhiều chủng loại rau màu và mô hình sản xuất như: luân canh lúa - màu, chuyên canh màu… để phù hợp điều kiện sản xuất từng địa phương. Nhờ vậy, năng lực sản xuất rau màu tại các địa phương vùng ÐBSCL đã nâng cao rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch và phân phối, tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế. Ðặc biệt, việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân chủ yếu dựa vào thương lái và bán sản phẩm theo giá lên xuống hằng ngày của thị trường, chứ chưa có hợp đồng bao tiêu ổn định của doanh nghiệp và các nhà tiêu thụ. Vì vậy nông dân rất mong ngành chức năng hỗ trợ nông dân trong việc liên kết và kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu. Ðồng thời, đẩy mạnh chế biến và nâng cao khả năng bảo quản sản phẩm sau thu hoạch gắn với phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm ở cả trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Chiến ngụ khu vực Tân Lợi, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: "Gia đình tôi chỉ có 1 công đất, làm lúa không đủ sống nên tôi đã chuyển sang chuyên canh trồng rau màu khoảng 4 năm nay. Trồng rau màu nếu "trúng mùa, được giá", nông dân có thể kiếm thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Song, điều nông dân chưa an tâm phát triển sản xuất là giá cả đầu ra sản phẩm còn rất bấp bênh và phần lớn các công đoạn sản xuất rau màu phải làm thủ công, bằng tay nên tốn nhiều chí phí, dẫn đến giá thành cao".

Theo ông Lý Minh Nhật ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, nông dân tại quận Thốt Nốt và nhiều địa phương đã phát triển được nhiều vùng chuyên canh trồng rau màu với sản lượng lớn và sản xuất đạt theo các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều loại rau màu trồng tại địa phương như: bầu bí, mướp, dưa leo, ớt… không chỉ phục vụ tại chỗ mà còn được thương lái thu mua đem tiêu thụ mạnh tại các chợ đầu mối và khu công nghiệp ở các tỉnh, thành miền Ðông Nam Bộ như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai... Tuy nhiên, do việc tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều trung gian nên nông dân phải bán sản phẩm cho thương lái với giá tương đối thấp, còn người tiêu dùng phải mua giá cao. Nông dân mong rằng, tới đây ngành chức năng kết nối nông dân với các doanh nghiệp, siêu thị và các đầu mối trực tiếp tiêu thụ sản phẩm nhằm giảm khâu trung gian, giúp cho cả người sản xuất và tiêu dùng đều được hưởng lợi.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết