24/09/2017 - 18:30

Hỗ trợ nông dân sản xuất lúa VietGAP 

Trong vụ lúa thu đông 2017, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) đã hỗ trợ nông dân TP Cần Thơ xây dựng mô hình sản xuất lúa hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là mô hình sản xuất lúa đảm bảo môi trường và sức khỏe người nông dân. Đồng thời giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận trong sản xuất lúa hàng hóa, sản xuất theo hướng bền vững.

Nông dân ấp C1, xã Thạnh Thắng sản xuất lúa theo VietGAP.

Triển vọng từ mô hình

Mô hình sản xuất lúa hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP đã được Dự án VnSAT hỗ trợ cho nông dân ở ấp C1, xã Thạnh Thắng (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ); có diện tích 76,5 ha, với 36 hộ nông dân tham gia mô hình. Dự án VnSAT tập trung tập huấn kỹ thuật cho nông dân tham gia mô hình và hỗ trợ chi phí chứng nhận VietGAP, hỗ trợ cơ sở vật chất (tủ thuốc y tế cho hộ gia đình, sửa chữa kho bảo quản phân thuốc…). Đến nay, trà lúa của nông dân tham gia mô hình gần đến ngày thu hoạch, lúa đang phát triển tốt. Theo dự kiến, đến tháng 10-2017 mô hình sẽ được chứng nhận VietGAP. Đây cũng là mô hình sản xuất lúa hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên được Dự án VnSAT hỗ trợ cho nông dân tại TP Cần Thơ.

Ông Nguyễn Kim Tho, Chủ tịch HĐQT-kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Quyết Thắng (xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh), cho biết: “HTX tích cực vận động nông dân trong khu vực ấp C1 tham gia mô hình sản xuất lúa hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP này; trong đó có một số xã viên HTX tham gia với diện tích 16 ha và còn lại là nông dân bên ngoài. Ban đầu vận động nông dân tham gia mô hình rất khó khăn, do nông dân còn ngại sạ thưa (có nông dân gieo sạ chỉ 80 kg/ha), hiệu quả của mô hình. Nhưng đến nay, nhiều nông dân đã phấn khởi do giảm được chi phí sản xuất đáng kể, trà lúa đến đầu tháng 10-2017 thu hoạch, dự kiến cho năng suất tốt”…

Cũng theo ông Nguyễn Kim Tho, tham gia mô hình sản xuất lúa hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP nông dân áp dụng triệt để “1 phải, 5 giảm” sạ thưa, kéo theo giảm phân, thuốc bảo vệ thực vật (tính ra giảm chi phí vài triệu đồng mỗi ha). Ngoài ra, nông dân còn được  tham gia tập huấn nâng cao kỹ thuật sản xuất; sản xuất đảm bảo cảnh quan môi trường, thân thiện với môi trường và nông dân không bị ảnh hưởng bởi thuốc bảo vệ thực vật. Áp dụng theo đúng quy trình VietGAP là sản xuất gạo sạch; sản xuất tuân thủ theo mấy chục tiêu chí, từ nhà ra đến ruộng như: vệ sinh môi trường trong nhà và khu vực xung quanh nhà, thu gom xử lý bao bì phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, có kho bảo quản phân bón và thuốc riêng, cách ly thuốc bảo vệ thực vật ít nhất 20 ngày trước thu hoạch… Sau khi được chứng nhận VietGAP, HTX và nông dân sẽ duy trì sản xuất theo mô hình này.

Tìm kiếm đối tác

Ông Nguyễn Hữu Đôn, nông dân HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, có gần 3 ha đất sản xuất lúa, cho biết: “Trước đây, tôi quan tâm đến sạ thưa nhằm giảm chi phí sản xuất, lúa cũng ít bị sâu bệnh và đổ ngã, nhưng mật độ gieo sạ còn ở mức khoảng 150 kg/ha. Khi tham gia mô hình sản xuất lúa hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, sạ hàng 80 kg/ha nên tôi cũng ái ngại. Nhất là thời điểm sau xuống giống khoảng một tháng đầu thấy lúa thưa, đến khi lúa đẻ nhánh mới thấy trà lúa đẹp lại và đến nay gần thu hoạch lúa mới an tâm”. Ông Đôn dự kiến hơn 2 tuần nữa thu hoạch, năng suất lúa đạt khoảng 6 tấn trở lên, với giá thị trường 4.800 đồng/kg hiện nay và gần 3 ha lúa sẽ được hơn 80 triệu đồng, trừ chi phí còn lời khoảng 40 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Hữu Đôn, sản xuất theo VietGAP phải tuân thủ: xử lý các loại bao bì đựng phân thuốc, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người; tăng cường áp dụng kỹ thuật canh tác “1 phải, 5 giảm” để sản xuất lúa hiệu quả... Nhờ áp dụng gieo sạ mật độ thưa hơn, bón phân cân đối... nên vụ thu đông này ông đã giảm chi phí sản xuất thêm được khoảng 2 triệu đồng/ha. Qua vụ này, ông tiếp tục gắn bó sản xuất lúa theo VietGAP.

Theo nông dân Nguyễn Văn Tâm, sản xuất theo VietGAP giảm giống, phân, thuốc sâu nên giảm ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống. Ông cũng tiết kiệm được chi phí khoảng 300.000 đồng/công tầm lớn. “Trước đây, phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa xong, là tui vứt đại, còn giờ thu gom bao bì về có chỗ để tiêu hủy,  không làm ảnh hưởng đến môi trường. Hiện nay, ông cũng có kho bảo quản phân thuốc riêng, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sản xuất theo VietGAP đã tốt, nông dân ở đây mong sao đầu ra lúa thuận lợi, lúa có giá cao là nông dân an tâm sản xuất.

Ông Nguyễn Kim Tho, Chủ tịch HĐQT-kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, cho biết thêm: “Tới đây, HTX sẽ tăng cường tìm kiếm doanh nghiệp bao tiêu lúa cho nông dân trong khu vực, tìm đầu ra cho sản phẩm VietGAP”. HTX đang kiến nghị Dự án VnSAT xem xét hỗ trợ trạm bơm phục vụ cho diện tích 2 cánh đồng lớn 680 ha, 2 máy cấy lúa. Nếu được hỗ trợ, nông dân HTX và trong khu vực sẽ có điều kiện sản xuất lúa tập trung, hiệu quả hơn, từng bước liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa hàng hóa.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết