01/01/2020 - 09:55

Hỗ trợ nông dân phát triển vườn cây ăn trái 

Huyện Phong Điền có lợi thế trồng cây ăn trái. Nhiều năm qua, cùng với việc vận động nông dân khôi phục vườn cây ăn trái, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện đã hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT), vốn, xây dựng thương hiệu cây ăn trái...

Vườn cam mật không hạt của ông Phạm Văn Đảo, ngụ tại ấp Tân Nhơn, xã Tân Thới, huyện Phong Điền (bên trái) được trồng theo hướng VietGAP mang lại hiệu quả  kinh tế cao.

Vườn cam mật không hạt của ông Phạm Văn Đảo, ngụ tại ấp Tân Nhơn, xã Tân Thới, huyện Phong Điền (bên trái) được trồng theo hướng VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Các cấp HND huyện đã đồng hành cùng nông dân phát triển vườn cây ăn trái chất lượng cao, hỗ trợ nông dân sản xuất và xây dựng thương hiệu các sản phẩm trái cây. Trồng cây ăn trái theo quy trình VietGAP, nông dân Phạm Văn Đảo, ngụ tại ấp Tân Nhơn, xã Tân Thới mong muốn đưa ra thị trường mặt hàng cam mật không hạt đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao. Dẫn chúng tôi tham quan 1ha cam mật không hạt, ông Đảo bộc bạch: "Giai đoạn năm 1975, gia đình tôi trồng cam. Dịch bệnh vàng lá khiến cây chết nhiều. Sau đợt trồng chanh, 6 năm nay, tôi quyết định gây dựng lại vườn cam và được Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Phong Điền trợ giá để mua hơn 600 cây giống cam mật không hạt. Cam mật trồng sau 2 - 3 năm sẽ cho trái, nhưng muốn năng suất cao, chất lượng tốt, người trồng phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật, nhất là khâu xử lý đất, phân, thuốc sao cho hợp lý". Mỗi năm, ông Đảo thu hoạch 2 vụ chính, với khoảng 8 tấn cam. Giá thương lái thu mua 20.000 đồng/ký tùy thời điểm. Bình quân hằng năm, từ vườn cam mật không hạt, ông Đảo thu lời trên 120 triệu đồng.

Từ cuối năm 2017, vườn cam của ông Đảo đã được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Để thực hiện quy trình này, ông Đảo phải làm quen với cách ghi chép nhật ký chăm sóc cây trồng, phân thuốc. Theo ông Đảo nhẩm tính, việc trồng theo hướng VietGap giúp chi phí sản xuất ít hơn trồng theo cách truyền thống, bởi hạn chế sử dụng thuốc. Vừa qua, vườn cam của ông cũng được ngành nông nghiệp hỗ trợ lắp đặt bơm tưới tự động, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Đảo còn cung cấp cây giống cho các nhà vườn và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với những ai muốn trồng cam không hạt.

Theo ông Trần Văn Tám, Phó Chủ tịch HND huyện Phong Điền, toàn huyện có trên 7.000ha cây ăn trái. Các cấp Hội đã đẩy mạnh vận động nông dân mở rộng diện tích, cải tạo các vườn cây ăn trái suy thoái, kém hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT, quy trình tiên tiến vào sản xuất. Đến nay, huyện có 2 loại trái cây đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, gồm: Tổ hợp tác sầu riêng Tân Thới và Cam mật Tám Đảo. Ngoài ra, còn có 5 mô hình kinh tế hợp tác được công nhận VietGAP: Hợp tác xã dâu Hạ Châu Nhơn Ái; Tổ hợp tác trồng vú sữa lò rèn Tân Hưng, xã Giai Xuân; Cam mật Tám Đảo, ấp Tân Nhơn, xã Tân Thới; Hợp tác xã nhãn Nhơn Nghĩa; Tổ hợp tác sầu riêng tại ấp Nhơn Lộc 2, thị trấn Phong Điền.

Trong năm 2019, các cấp HND huyện phối hợp vận động nông dân cải tạo 130,5ha vườn tạp và đất sản xuất lúa kém hiệu quả để trồng cây ăn trái phục vụ cho xuất khẩu. HND huyện Phong Điền quan tâm, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất thông qua nhiều chương trình, hoạt động thiết thực. Trong năm, các cấp HND huyện hỗ trợ nông dân vay trên 1,4 tỉ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân; phối hợp cùng ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ hơn 6.000 cây giống các loại: sầu riêng, nhãn Idor, chanh không hạt… Đồng thời, phối hợp với ngành nông nghiệp huyện tổ chức 139 cuộc tập huấn, hội thảo về các mô hình sản xuất hiệu quả và chuyển giao KHKT cho 4.762 lượt nông dân tham dự. Những chương trình, hoạt động thiết thực này đã từng bước giúp bà con nông dân có điều kiện cải tạo vườn cây ăn trái kém hiệu quả, trồng những loại cây đặc sản có hiệu quả kinh tế cao, phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Qua đó, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện theo chuỗi giá trị trong sản xuất. Đây cũng chính là cơ sở thực hiện định hướng xây dựng Phong Điền thành huyện đô thị sinh thái, đa dạng hóa trong phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững.

Bài, ảnh: Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết