22/08/2017 - 21:21

Hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế 

Đa số nhân dân xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống còn khó khăn. Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể địa phương đã có nhiều giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ nhân dân trong sản xuất, ổn định cuộc sống... Đầu năm 2016, xã có 299 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 5,6%), đến nay, giảm còn 208 hộ (chiếm tỷ lệ 3,93%)…

    

Cán bộ đoàn thể xã Trung Hưng và ấp Thạnh Phú 2 đến thăm hỏi gia đình chị Nguyễn Thị Thêm, hộ nghèo được địa phương hỗ trợ đã vươn lên thoát nghèo năm 2016.

Theo ông Trần Văn Khen, Chủ tịch UBMTTQVN xã Trung Hưng, thực hiện nghị quyết HĐND giảm 1% hộ nghèo trong năm 2017, UBMTTQVN xã phối hợp cùng Hội Nông dân (HND), Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh xã xây dựng các mô hình giảm nghèo. Mô hình Tổ hợp tác (THT) xịt thuốc thuê do HND xã vận động, thành lập được xem là một trong những mô hình giảm nghèo thiết thực, hiệu quả. Theo ông Nguyễn Văn Đen, Phó Chủ tịch HND xã, 5 thành viên THT đều là những hộ nghèo, cận nghèo. Tham gia THT, mỗi thành viên được hỗ trợ vay 10-20 triệu đồng để mua máy móc, thiết bị hành nghề. Nhờ chuyên cần lao động, thu nhập của các thành viên đều đạt mức 4-5 triệu đồng/tháng. Anh Huỳnh Văn Dựa, thành viên THT bộc bạch: “Trước kia, tôi cũng nhận xịt thuốc thuê, nhưng xịt bằng tay nên thu nhập thấp. Nhờ tham gia THT, tôi có điều kiện mua sắm máy móc, công việc thuận lợi, hiệu quả hơn. Bà con trong xã cần bơm nước, xịt thuốc,… đều gọi chúng tôi”.

Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ, thông qua nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội, kinh tế gia đình chị Nguyễn Thị Thêm ở ấp Thạnh Phú 2 dần ổn định, thoát nghèo. Chị Thêm tâm sự: “Vợ chồng tôi không đất sản xuất, trước kia phải đi làm thuê kiếm sống. Được cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ hỗ trợ vay vốn, vợ chồng tôi đầu tư chăn nuôi gà, vịt. Tôi học thêm nghề đan lú, có thêm thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng, ổn định cuộc sống”. Năm 2016, gia đình chị Thêm thoát nghèo, có điều kiện lo cho con cái học hành. Hiện tại, các đoàn thể xã đang quản lý 35 tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội cho hơn 1.000 hộ vay vốn đầu tư chăn nuôi, sản xuất, cải tạo vườn tạp... Nhờ đó, nhiều bà con có điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, thoát nghèo bền vững.

Song song với phát triển kinh tế hộ, chính quyền và các đoàn thể địa phương chú trọng phát triển mô hình kinh tế hợp tác. Nhiều mô hình phát huy hiệu quả, như: THT trồng nấm rơm, THT trồng hoa kiểng, THT cánh đồng mẫu, hợp tác xã sản xuất lúa chất lượng cao… Trong đó, mô hình cánh đồng mẫu mang lại hiệu quả cao. Theo ông Trần Văn Khen, mô hình được thành lập tại ấp Thạnh Hưng 1 vào đầu năm 2017, với diện tích 280 ha (273 hộ tham gia), chuyên trồng lúa chất lượng cao. Nông dân tham gia mô hình được doanh nghiệp hỗ trợ giống, thuốc, phân bón và bao tiêu lúa hàng hóa với giá cao hơn giá thị trường khoảng 100 đồng/kg. Anh Trần Duy Khôi, thành viên cánh đồng mẫu cho biết: “Gia đình tôi có 4ha trồng lúa chất lượng cao. Vụ xuân hè vừa qua, sản lượng lúa của gia đình đạt 7,2 tấn/ha, giá bán 5.100 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi ha lãi khoảng 35 triệu đồng”.

Theo ông Nguyễn Đức Huy, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDC) xã Trung Hưng, thời gian qua, hệ thống chính trị xã đã tập trung vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng hiệu quả sản xuất, giảm nghèo bền vững. “Để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, chúng tôi luôn chú trọng thực hiện tốt QCDC ở cơ sở. Những việc liên quan đến dân đều được đưa ra cho nhân dân bàn bạc, thống nhất rồi mới thực hiện. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ để nâng chất, nhân rộng các mô hình, đảm bảo các hộ dân đều có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững”, ông Nguyễn Đức Huy cho biết thêm.

Bài, ảnh: ĐỒNG TÂM

Chia sẻ bài viết