24/03/2019 - 09:29

Hỗ trợ người dân tiếp cận tiện ích đô thị 

Là đô thị trung tâm vùng ĐBSCL, tốc độ đô thị hóa của TP Cần Thơ diễn ra nhanh chóng, song cũng đặt ra hàng loạt vấn đề về phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội hài hòa với việc tăng cường quản lý trật tự kỷ cương đô thị, vệ sinh môi trường... Thành phố đang nỗ lực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các tiện ích đô thị đạt hiệu quả nhất.

Các dự án nâng cấp đô thị đã góp phần cải tạo diện mạo đô thị và môi trường sống của người dân. Ảnh: MINH HUYỀN

Các dự án nâng cấp đô thị đã góp phần cải tạo diện mạo đô thị và môi trường sống của người dân. Ảnh: MINH HUYỀN

 

Quan tâm đầu tư hạ tầng

Thời gian qua, bên cạnh các dự án đầu tư từ nguồn vốn Trung ương và địa phương, thành phố còn tranh thủ nguồn vốn ODA cho đầu tư phát triển. Các dự án về nâng cấp đô thị đã cơ bản làm thay đổi đời sống của một bộ phận lớn dân cư đô thị khi cải thiện điều kiện sống và vệ sinh môi trường ở các khu thu nhập thấp. Cụ thể, từ năm 2004-2014, Cần Thơ triển khai Dự án Nâng cấp đô thị Việt Nam-Tiểu Dự án Nâng cấp đô thị TP Cần Thơ do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Dự án này đã cải tạo 35 khu thu nhập thấp ở 2 quận Ninh Kiều và Bình Thủy với 40,9km đường, hẻm được nâng cấp, 10km đường nội bộ được cải tạo, 42.714 hộ dân được nối nguồn nước sạch, 9km đường cống thoát nước được lắp đặt. Dự án còn cải tạo Hồ Xáng Thổi, Rạch Tham Tướng, Cái Khế và Rạch Sơn; xây dựng khu Tái định cư Thới Nhựt với trường học và trạm y tế phục vụ người dân.

Phát huy kết quả đạt được, từ năm 2012, thành phố tiếp tục triển khai Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL Tiểu Dự án TP Cần Thơ tập trung tại 31 khu thu nhập thấp tại 4 quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và Ô Môn. Qua dự án có 65km đường hẻm được nâng cấp, 4km bờ kè sông được xây dựng, 85km đường cống thoát nước được lắp đặt, hồ Bún Xáng được cải tạo lại… Ước tính có 46.000 người dân được hưởng lợi trực tiếp và 479.500 người dân hưởng lợi gián tiếp từ dự án. Người dân được mở rộng quy mô và khả năng tiếp cận với các dịch vụ cơ sở hạ tầng cơ bản. Giai đoạn 2015-2021, thành phố tiếp tục triển khai Dự án Phát triển TP Cần Thơ tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, hướng đến các mục tiêu chính là: giảm rủi ro ngập lụt trong khu vực đô thị trung tâm; tăng cường kết nối giữa trung tâm thành phố với các khu vực phát triển đô thị mới; tăng cường năng lực của chính quyền thành phố trong quản lý rủi ro thiên tai.

Theo ông Đoàn Hoài Nhân, Đại diện nhóm nghiên cứu Về Chỉ số thịnh vượng đô thị (CPI) TP Cần Thơ, trong bộ chỉ số Thịnh vượng đô thị, chỉ số phát triển cơ sở hạ tầng gồm các khía cạnh về nhà ở đầy đủ, dịch vụ nước sạch, vệ sinh môi trường, hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông được cải thiện, mạng lưới giao thông đầy đủ và có thể tiếp cận, lưu thông đô thị phù hợp, kết nối đường phố hợp lý… là những yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố, hướng tới thịnh vượng. Chỉ số chất lượng cuộc sống cũng quan trọng không kém với các khía cạnh vể y tế, giáo dục, an toàn và an ninh, không gian công cộng. Khía cạnh này đảm bảo cho mọi người dân có khả năng và được tiếp cận nguồn kiến thức, cảm thấy an toàn và có đủ không gian công cộng.

Tăng khả năng tiếp cận

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Nghi, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng đã gây áp lực nặng nề lên hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, đặt ra các vấn đề liên quan đến xử lý ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, chất lượng nhà ở tại các thành phố lớn. Đó là lý do ra đời của cụm từ “thành phố thông minh”. Thành phố thông minh ra đời nhằm đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân. Việc xây dựng thành phố thông minh từ lâu không còn là dự báo mà đã trở thành xu hướng quan trọng có khả năng giải quyết các thách thức mà các đô thị phải đối mặt.

Ở Dự án Phát triển TP Cần Thơ tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, một hợp phần rất quan trọng sẽ được triển khai là Tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu cụ thể là xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập; hỗ trợ cải thiện kết nối hệ thống giao thông công cộng; xây dựng nền tảng quản lý và chia sẻ cơ sở dữ liệu không gian; xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội ứng phó ngập. Hợp phần này sẽ tạo điều kiện để thành phố xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cần thiết để thích ứng biến đổi khí hậu và chia sẻ thông tin cảnh báo đến người dân kịp thời.

Theo ông Nguyễn Hoàng Đạo, Trưởng Ban Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng, Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ, phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sẽ hạn chế phương tiện cá nhân, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, giảm thời gian đi lại góp phần tiết kiệm chi phí cho xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển đô thị bền vững. Nhà nước nên có chính sách bù giá vì xe buýt lấy mục tiêu phục vụ cho các đối tượng học sinh, sinh viên, công nhân, các đối tượng lao động có thu nhập thấp. Thành phố cũng cần cụ thể hóa chính sách để hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế xã hội hóa tham gia vận chuyển hành khách công cộng.

Khi cơ sở hạ tầng đô thị được đầu tư ngày một hoàn thiện người dân sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận các tiện ích đô thị. Trong đó các tiện ích về y tế, giáo dục, dịch vụ mua sắm, giải trí, tiếp cận các không gian công cộng, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, thông tin liên quan đến quy hoạch, cải cách thủ tục hành chính, phúc lợi xã hội,... là những yếu tố cơ bản nhất cần được công khai cho người dân biết và thực hiện.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết