06/01/2014 - 21:43

Hỗ trợ hàng nông sản phát triển bền vững tại siêu thị

Vừa qua, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) phối hợp với Báo Tuổi trẻ và hệ thống Siêu thị Co.opmart tổ chức chương trình tọa đàm "Kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất nông đặc sản miền Tây và Đông Nam bộ với hệ thống siêu thị". Chương trình góp phần hỗ trợ thông tin cho các cơ sở đặc sản làng nghề ĐBSCL và các tỉnh miền Đông Nam bộ tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại.

Kết nối

Theo Hội Doanh nghiệp HVNCLC, chương trình tọa đàm là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho các đặc sản làng nghề ở các tỉnh ĐBSCL và miền Đông Nam bộ có cơ hội tiếp xúc, trao đổi thông tin trực tiếp với các nhà phân phối; đồng thời tìm cơ hội đưa đặc sản làng nghề vào siêu thị. Trên cơ sở đó, giúp các cơ sở đặc sản làng nghề đẩy mạnh liên kết đầu tư sản xuất, tìm kiếm giải pháp phù hợp trong việc hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa… góp phần đưa hàng nông đặc sản phát triển ngày càng bền vững trong hệ thống siêu thị.

Các cơ sở làng nghề cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất, quảng bá sản phẩm... tạo niềm tin của khách hàng, đưa hàng nông đặc sản tiếp cận kênh phân phối hiện đại.

Thời gian gần đây, các cơ sở làng nghề đã quan tâm đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của hệ thống siêu thị đặt ra. Nhiều cơ sở làng nghề đã đưa được sản phẩm vào hệ thống siêu thị Co.opmart với thị phần khá ổn định, chẳng hạn như: chả hoa Năm Thụy, rượu Phú Lễ... Ông Nguyễn Trường Chinh, Giám đốc Công ty TNHH chế biến thực phẩm Năm Thụy, tỉnh Trà Vinh, cho biết: "Ban đầu, chả hoa Năm Thụy chỉ là một món ăn đơn thuần làm thủ công, mẫu mã đơn giản và bán nhỏ lẻ ở các chợ xã tại địa phương. Lâu ngày, người tiêu dùng cũng ngán, nên tôi nghĩ mình phải làm mới sản phẩm và mở rộng thị trường. Từ đó, tôi bắt đầu đi chào hàng ở nhà hàng, tiệc cưới, quán ăn… ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác. Đầu tiên, khi giới thiệu món chả lụa, phần đông người tiêu dùng lắc đầu, họ nói sản phẩm xấu vậy ai mua… Từ những nhận xét trên, tôi đã cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng, thiết kế hình thức sản phẩm bắt mắt hơn và đáp ứng đủ các điều kiện pháp lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… để được siêu thị tiếp nhận hàng và phát triển kinh doanh". Ông Trần Anh Thuy, Giám đốc Công ty cổ phần rượu Phú Lễ, tỉnh Bến Tre, chia sẻ: "Rượu Phú Lễ vào siêu thị được là nhờ tiếp cận chương trình "Giỏ quà Tết Việt" năm 2012. Đến nay, công ty đã tiếp cận được 30 siêu thị của Co.opmart trên toàn quốc".

Bên cạnh những thành công khi đưa hàng vào siêu thị, nhiều cơ sở làng nghề ở vùng ĐBSCL, Đông Nam bộ còn gặp khó khăn khi tiếp cận kênh phân phối hiện đại. Nguyên nhân chủ yếu là mẫu mã, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu khắt khe của siêu thị, hoặc chưa phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC, nhận định: "Cơ sở làng nghề chưa tiếp cận được với các kênh phân phối hiện đại là do quá thiếu thông tin, không có cầu nối phù hợp, kịp thời. Do đó, thông qua chương trình kết nối các nhà sản xuất với hệ thống siêu thị sẽ tạo ra những cơ hội lớn trong sản xuất, kinh doanh cho các cơ sở đặc sản làng nghề". Theo bà Vũ Kim Hạnh, để đặc sản làng nghề phát triển ổn định, các cơ sở làng nghề cần phải hợp sức hình thành các câu lạc bộ làng nghề, liên kết lại để có một sự kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây chính là thế mạnh để cơ sở sản xuất đặc sản tiếp cận gần hơn với kênh phân phối hiện đại. Thời gian tới, Hội tiếp tục quảng bá quyết liệt để đặc sản vào siêu thị phát triển ổn định và bền vững hơn.

Hiệp lực gỡ rào cản

Ông Đinh Công Hoàng, Chủ cơ sở tàu hủ ky tươi Mỹ Hòa, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: "Cơ sở Mỹ Hòa sản xuất tàu hủ ki khoảng 20 năm nay, chủ yếu là làm thủ công. Đến nay, dù có cải tiến quy trình sản xuất nhưng cơ sở vẫn còn nhiều cái khó, chưa thể vào kênh phân phối hiện đại như siêu thị. Hiện quy trình sản xuất của cơ sở chưa khép kín, nguồn cung thiếu ổn định, thời hạn bảo quản sản phẩm chỉ có 10 ngày. Trong khi để sản phẩm vào được siêu thị, cơ sở phải cung cấp nguồn hàng ổn định và thường xuyên, thời gian bảo quản ít nhất từ 30-60 ngày… Điều này cơ sở rất khó đáp ứng". Theo bà Võ Thị Lấn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên trà túi lọc Tâm Lan, tỉnh Tây Ninh, lâu nay, trà Tâm Lan không vào được hệ thống siêu thị Co.opmart là do mức chiết khấu quá cao, khiến doanh nghiệp rơi vào thế khó. Trong khi đó, việc nâng giá bán sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng còn hạ giá bán doanh nghiệp dễ bị lỗ". Đây là những rào cản để sản phẩm đặc sản không vào được siêu thị.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Sài Gòn Co.op, cho rằng: "Các mặt hàng nông đặc sản dù có ngon, đặc sắc đến đâu nhưng chất lượng không đảm bảo vẫn khó thuyết phục người tiêu dùng. Theo điều tra của hệ thống siêu thị Co.opmart, có 88,3% khách hàng yêu cầu sản phẩm đạt chất lượng và an toàn cho sức khỏe; 80% người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền mua sản phẩm có chất lượng tốt hơn; 36% người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm vi phạm chất lượng. Để hàng đặc sản làng nghề vào được siêu thị cần phải có đầy đủ chứng từ hợp pháp liên quan tới sản xuất, kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận sở hữu trí tuệ; nguồn hàng ổn định, có thương hiệu mẫu mã đẹp và bao bì phù hợp. Hiện nay, cái thiếu nhất lâu nay với các chủ cơ sở sản xuất làng nghề đặc sản là thiếu thông tin". Theo ông Nguyễn Thành Nhân, khi sản phẩm của các cơ sở làng nghề đạt yêu cầu tiêu chuẩn đặt ra của siêu thị cùng với sự hỗ trợ từ phía Hội Doanh nghiệp HVNCLC, hệ thống siêu thị Co.opmart sẽ có kế hoạch hỗ trợ cho các cơ sở làng nghề khi đưa hàng vào siêu thị. Chẳng hạn như: Co.opmart sẽ dành khu vực riêng trưng bày sản phẩm làng nghề; xét duyệt 6 tháng một lần và chiết khấu 50% trong lần đầu tiên vào siêu thị, tạo cơ hội cho các đặc sản làng nghề thâm nhập tốt hơn vào hệ thống phân phối hiện đại.

Với vai trò là cầu nối, đại diện Hội Doanh nghiệp HVNCLC cho biết sẵn sàng cung cấp những thông tin cần thiết và hữu ích về những yêu cầu đặt ra của kênh phân phối hiện đại để cơ sở đặc sản làng nghề tiếp cận với siêu thị thuận lợi hơn. Theo ông Nguyễn Thành Nhân, để đặc sản đến tay người tiêu dùng thông qua kênh siêu thị, đòi hỏi các cơ sở sản xuất phải đảm bảo các yêu cầu của siêu thị. Trong đó, cung cấp đầy đủ các loại giấy tờ thể hiện chất lượng của sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bao bì nhãn mác phù hợp với quá trình vận chuyển và bảo quản. Các làng nghề cần cung cấp đầy đủ thông tin về chất lượng, lợi ích mà sản phẩm sẽ mang lại cho người tiêu dùng; cơ sở làng nghề phải cung ứng nguồn hàng ổn định và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Để làm được điều này, các cơ sở làng nghề cần năng động tìm đầu mối liên kết tạo nên nguồn dồi dào và ổn định, mẫu mã, bao bì, giá sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh, cho biết: Hiện các địa phương đều có chính sách khuyến công và chính sách xúc tiến thương mại, các cơ sở làng nghề cần tận dụng chính sách này. Bởi khuyến công có hỗ trợ tư vấn đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất, giúp cơ sở quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chủ động quảng bá sản phẩm, tạo niềm tin của khách hàng… góp phần đưa hàng nông đặc sản tiếp cận kênh phân phối hiện đại.

Bài, ảnh: M.Hoa

 

Chia sẻ bài viết