27/03/2024 - 11:32

Hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho mô hình lúa các-bon thấp 

Trên cơ sở Ðề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề xuất ý tưởng dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa các-bon thấp vùng ÐBSCL. Qua đó, thúc đẩy sản xuất lúa gạo các-bon thấp, chuyển đổi căn bản phương thức sản xuất lúa gạo của vùng ÐBSCL...

Vùng ĐBSCL hướng tới mô hình kinh tế xanh trồng lúa chất lượng cao, các-bon thấp. Ảnh chụp vùng trồng lúa huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. 

Gần 9.000 tỉ đồng hỗ trợ hạ tầng

Dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa các-bon thấp vùng ÐBSCL do Bộ NN&PTNT chủ trì, triển khai ở 12 tỉnh, thành vùng ÐBSCL gồm: An Giang, Kiên Giang, Ðồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ. Thời gian chuẩn bị dự án trong năm 2024-2025; thực hiện từ năm 2026-2031. Tổng chi phí dự kiến khoảng 375 triệu USD (tương đương 8.968 tỉ đồng). Trong đó, 360 triệu USD từ khoản vay Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) của Ngân hàng Thế giới, còn lại là vốn đối ứng từ đóng góp của Chính phủ và địa phương.

Theo ông Nguyễn Thế Hinh, Phó trưởng Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, Bộ NN&PTNT, dự án sẽ được thiết kế dựa trên 6 nguyên tắc. Cụ thể, thiết kế và cung cấp gói đầu tư toàn diện và thông minh cho nông dân nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng lợi nhuận cho trang trại. Hỗ trợ sản xuất của các hộ sản xuất nhỏ bằng cách phát triển và củng cố các tổ chức nông dân và hợp tác xã. Bên cạnh đó, huy động nguồn vốn tín chỉ các-bon cho các khu vực áp dụng các biện pháp thực hành các-bon thấp. Dự án khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân và hỗ trợ phát triển thị trường lúa các-bon thấp; tạo ra khung chính sách và kỹ thuật thuận lợi để hỗ trợ sản xuất lúa gạo có hàm lượng các-bon thấp. Dự án sẽ sử dụng tín dụng của Ngân hàng Thế giới để tài trợ cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng theo Luật Ðầu tư công và vốn đối ứng của Chính phủ sẽ được sử dụng cho các khoản đầu tư và hoạt động phi công trình theo quy định không được sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới.

Dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa các-bon thấp vùng ÐBSCL gồm 3 hợp phần. Cụ thể, hợp phần 1: Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, các-bon thấp, ước tính 350 triệu USD. Hợp phần này sẽ tài trợ cơ sở hạ tầng công cộng cần thiết để hỗ trợ chuỗi giá trị gạo các-bon thấp từ các giai đoạn sản xuất ban đầu đến chế biến và tiếp thị, với mục tiêu khoảng 500.000ha trên 12 tỉnh, thành tham gia. Các đầu tư thuộc hợp phần này bao gồm: các lĩnh vực nâng cấp hệ thống thủy lợi; hỗ trợ nông nghiệp kỹ thuật số; hỗ trợ cơ sở hạ tầng chuỗi giá trị lúa gạo; cải thiện hệ thống giao thông; hỗ trợ cơ sở hạ tầng năng lượng xanh; hỗ trợ các nền tảng trực tuyến và thương mại điện tử. Hợp phần 2: Phát triển và chuyển giao kỹ thuật, ước tính 20 triệu USD. Qua đó, nâng cao năng lực kỹ thuật của các cơ quan nghiên cứu và phòng kỹ thuật cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ. Hợp phần này gồm nhiều lĩnh vực như nghiên cứu, phát triển và chuyển giao các giống hạt mới thích ứng với biến đổi khí hậu và các-bon thấp; các gói công nghệ cải tiến như tiết kiệm nước, cải tiến phương án bón phân để giảm khí nhà kính; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tuần hoàn để quản lý phụ phẩm và giảm chất thải… Hợp phần 3: Quản lý dự án, ước tính 5 triệu USD từ vốn đối ứng. Hợp phần này sẽ cung cấp hỗ trợ trong việc điều phối, quản lý, giám sát và đánh giá dự án…

Sớm hoàn thiện dự án

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Bộ đề xuất lựa chọn 5 tỉnh, thành (TP Cần Thơ và các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Ðồng Tháp, Trà Vinh) đại diện cho 5 đặc trưng về thổ nhưỡng đất đai ở vùng ÐBSCL để triển khai mô hình thí điểm từ quy trình canh tác cho đến khi đo đếm được tín chỉ các-bon. Qua 3 vụ thí điểm, các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT sẽ đo được chính thức lượng phát thải. Từ đó, có văn bản chính thức công nhận quy trình đo đếm mức độ giảm phát thải và mở rộng ra các địa phương khác.

Dự án nhận được sự quan tâm, phối hợp từ các địa phương. Tại TP Cần Thơ, bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Cần Thơ dự kiến triển khai dự án ở huyện Cờ Ðỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh và chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 triển khai khoảng 38.000ha dựa trên kết quả trong dự án VnSAT, có 38 hợp tác xã và 8 doanh nghiệp tham gia; giai đoạn 2 khoảng 50.000ha, với 50 hợp tác xã và 28 doanh nghiệp tham gia. TP Cần Thơ đề xuất dự án hỗ trợ như xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi chủ yếu là nạo vét kênh mương, trạm bơm điện và đê bao; hạ tầng giao thông xây dựng cầu, đường; hỗ trợ về nông nghiệp kỹ thuật số, internet vạn vật (IoT) để đo đếm; hỗ trợ nền tảng trực tuyến và thương mại điện tử…

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, cho biết: Tỉnh đề xuất ưu tiên hợp phần đầu tư cơ sở hạ tầng (thủy lợi, trạm bơm) để giải quyết những khó khăn trong vấn đề canh tác của địa phương. Bên cạnh đó, quan tâm hỗ trợ hạ tầng logistics để kết nối trong, ngoài hợp tác xã cũng như kết nối liên tỉnh. Mặt khác, dự án cần quan tâm, nâng cao năng lực cho hệ thống khuyến nông cấp cơ sở…

Ðể dự án sớm hoàn thiện và triển khai, ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Ðây là dự án trọng yếu cơ bản để triển khai Ðề án 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp vùng ÐBSCL. Dự án có thể chuyển đổi về căn bản phương thức sản xuất của ÐBSCL về lúa gạo nên được rất nhiều tổ chức quốc tế quan tâm và nông dân đồng tình. Theo dự kiến, khoảng tháng 5-2025, Ngân hàng Thế giới sẽ phê duyệt dự án. Bộ NN&PTNT mong muốn các địa phương trong vùng chung sức phối hợp để dự án sớm hoàn thiện. Trong đó, tập trung rà soát, đề xuất đầu tư các công trình hạ tầng tại các địa phương gồm: thủy lợi, giao thông nội đồng, hạ tầng logistics và cơ giới hóa đồng bộ. Chủ thể của dự án là hợp tác xã, trong đó lực lượng trực tiếp phối hợp với hợp tác xã là khuyến nông cơ sở. Các địa phương cần rà soát, củng cố, kiện toàn lực lượng khuyến nông ở địa bàn, tập huấn nâng cao năng lực cho tổ khuyến nông cộng đồng…

Bài, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết