30/05/2021 - 12:13

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua “cú đấm bồi” 

Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam được ví như “cú đấm bồi” đối với doanh nghiệp (DN). Bởi DN vừa mới bắt đầu thích ứng với trạng thái bình thường mới và thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. “Cú đấm bồi” đã và đang tác động mạnh đến DN, dù nhiều DN đã cố gắng xoay trở trong điều kiện mới, nhưng vẫn rất cần chính sách hỗ trợ đến nhanh hơn.

Trong khó khăn, Công ty CP May Meko, TP Cần Thơ đã linh động nhận gia công sản phẩm mới để giữ công nhân.

Khó khăn chồng chất

Năm 2019, rất nhiều nền kinh tế chịu tác động mạnh từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, thị trường tài chính biến động khó lường, diễn biến giá dầu phức tạp đã làm nhiều DN rơi vào trạng thái ngủ đông, tạm rời thị trường, phá sản… Năm 2020, đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN và đẩy nhiều nền kinh tế thế giới rơi vào cuộc suy thoái trầm trọng.

Có rất ít nền kinh tế đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020. Mặc dù Việt Nam đạt tăng trưởng dương năm qua, nhưng số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) cho thấy, có đến 101.700 DN rời thị trường, tăng 13,9% so với năm 2019 (46.600 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 37.700 DN chờ làm thủ tục giải thể, 17.500 DN hoàn tất thủ tục giải thể). Còn trong 4 tháng năm 2021, trung bình mỗi tháng có gần 12.900 DN rút lui khỏi thị trường. Có thể nói, khó khăn chồng chất khó khăn, DN đang phải gồng mình để vượt qua.

Báo cáo kết quả tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với DN Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và World Bank công bố giữa tháng 3-2021, cũng cho thấy đại dịch COVID-19 có tác động rất tiêu cực đến DN. Trung bình mỗi tháng có 8.500 DN rút lui khỏi thị trường do tác động của dịch bệnh. Trong tổng số 10.197 DN phản hồi kết quả điều tra (8.633 DN tư nhân, 1.564 DN vốn đầu tư nước ngoài), có đến 87,2% DN cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”; chỉ có 11% DN cho biết “không bị ảnh hưởng gì” và gần 2% ghi nhận tích cực. Khối tư nhân, đặc biệt là ngành may mặc, thông tin truyền thông, sản xuất thiết bị điện bị tác động mạnh nhất, với các tỷ lệ lần lượt là 97%, 96% và 94%. Các khó khăn mà khối DN tư nhân gặp phải gồm: tiếp cận khách hàng (50%), dòng tiền (46%), lao động (38%) và chuỗi cung ứng (33%). Dịch COVID-19 đã gây xáo trộn rất nhiều hoạt động, kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN.

Theo kết quả khảo sát của VCCI và World Bank, để ứng phó với đại dịch, vượt qua khó khăn, có tới 92% doanh nghiệp tư nhân và 96% doanh nghiệp FDI cho biết đã thực hiện một hoặc nhiều biện pháp ứng phó. Cụ thể 57% DN tư nhân và 71% DN FDI thực hiện cấp đồ bảo hộ phòng dịch cho người lao động; 37% DN tư nhân và 40% DN FDI chủ động triển khai phương thức, mô hình làm việc mới, linh hoạt hơn; 20% DN tư nhân và 24% DN FDI dự trữ hàng hóa và nguyên vật liệu; có 13% DN tư nhân và 15% DN FDI đã tiến hành hoạt động đào tạo kỹ năng số cho người lao động... Cùng với nỗ lực của DN, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, tiền thuê đất, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay… đã góp phần gỡ khó cho DN.

Cần sự đồng bộ trong chính sách

Trong giai đoạn hiện nay, hỗ trợ cho DN vượt qua “cú đấm bồi” trở nên cấp bách hơn. Ngày 19-4-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NÐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Các DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong hơn 50 lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách này. Theo các chuyên gia, Nghị định 52 của Chính phủ có đối tượng áp dụng mở rộng hơn, thời gian giãn nộp kéo dài hơn so với trước, giúp các DN giảm bớt những khó khăn. Nhưng để DN có thể vượt qua khó khăn trong tình hình hiện nay, thì ngoài các gói hỗ trợ về tài chính, giãn, giảm thuế cho DN và người dân, cần giữ ổn định môi trường chính sách, tránh tăng thuế, phí trong thời gian này.

Song song đó, tín dụng ngân hàng cũng là nguồn động lực giúp DN trong hành trình vượt khó. Các địa phương đều chủ động triển khai kết nối ngân hàng - DN. Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ, lũy kế doanh số cho vay mới của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố từ ngày 23-1-2020 đến cuối tháng 5-2021 đạt 52.000 tỉ đồng cho hơn 8.800 khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay là 980 tỉ đồng cho hơn 800 khách hàng bị thiệt hại. Chi nhánh cũng tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Các tổ chức tín dụng cũng đang tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; thực hiện cắt giảm chi phí, lợi nhuận tập trung cho việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ cho người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo các DN, trong tình hình hiện nay, DN rất cần chính sách đồng bộ đến từ Chính phủ, các bộ, ngành và sự linh hoạt trong triển khai chính sách của các địa phương. Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty CP May Meko, TP Cần Thơ, cho biết: “Năm qua, công ty đã rất nỗ lực, dù có thời gian bị gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu, do các quốc gia giãn cách xã hội. Nhưng kết quả kinh doanh của năm 2020 vẫn rất khả quan. Còn sang các tháng đầu năm 2021 này, dù dịch bùng phát trở lại, nhưng may mắn là công ty có rất nhiều đơn hàng nước ngoài, phải đưa hàng xuất khẩu bằng máy bay để kịp đơn hàng”. Theo ông Gia, là DN ngành may mặc, cần nhiều lao động. Năm 2020, công ty nỗ lực giữ 1.300 công nhân dù rất khó khăn. Còn hiện nay, vừa phòng dịch, vừa thiếu công nhân, đơn hàng thì gấp, lao động nghỉ làm, công ty còn dưới 1.300 công nhân nên cũng đang gặp khó. “Rất khó tuyển dụng lao động trong tình hình hiện nay. Người trẻ giờ ít ai chịu làm công nhân may” - ông Gia cho hay.

Các DN cũng cho rằng, ngoài chính sách hỗ trợ cho DN về thuế, giảm lãi suất cho vay thì DN cũng rất cần sự chia sẻ của ngành chức năng trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Bởi diễn biến dịch đang rất phức tạp, khó khăn về vốn, thị trường... thì DN có thể xoay trở, nhưng phòng, chống dịch bệnh thì cần sự đồng hành của các cơ quan chức năng.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết