05/02/2014 - 20:37

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Công thương TP Cần Thơ năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014, nhiều ý kiến cho rằng, năm 2014 tình hình kinh tế thế giới và trong nước dự báo sẽ phục hồi tích cực hơn nhưng vẫn tồn tại nhiều rủi ro và chưa vững chắc. Các doanh nghiệp trong nước cần sự quan tâm hỗ trợ nhiều của ngành chức năng do còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là các sức ép cạnh tranh mới…

Cơ hội và thách thức

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, năm 2014 các nhà đầu tư nước ngoài sẽ quan tâm đến Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng, do các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đón đầu các lợi thế khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. Năm 2013, một số DN đã mở rộng, đầu tư mới sẽ làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp trong năm 2014. Tuy nhiên, nhiều yếu tố bất lợi còn tồn tại như: giá nguyên liệu đầu vào còn bất ổn, nguy cơ lạm phát tăng, chính sách tín dụng tuy được nới lỏng nhưng DN còn khó tiếp cận vốn… Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của DN sẽ có nhiều cơ hội mới khi TPP được ký kết, nhưng đồng thời DN cũng sẽ chịu sức ép cạnh tranh gay gắt hơn. Ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho rằng: "Tình hình sản xuất và xuất khẩu trong năm 2014 sẽ còn khó, kể cả đối với các sản phẩm xuất khẩu truyền thống và chủ lực của thành phố (như: gạo, cá tra…), do chưa khai thác được nhiều thị trường mới. Đơn cử, xuất khẩu gạo của ta chủ yếu tập trung ở thị trường châu Á và các nước lân lận, xuất đi các thị trường ở xa chưa nhiều. Hạn chế này cần phải sớm được khắc phục bằng việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm, thị trường mới có nhiều tiềm năng, với sự hỗ tích cực từ các ngành chức năng".

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TP Cần Thơ.

Từ thực tế hoạt động trong năm 2013 và dự đoán triển vọng kinh tế thế giới năm 2014, nhiều DN cũng bày tỏ, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN có phần lạc quan hơn trong năm 2014 nếu DN chủ động nắm bắt tốt các cơ hội và được sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả từ các ngành chức năng. Theo ông La Minh Hồng, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ (C.T.C), để vượt qua khó khăn, đứng vững trong thị trường thì không có một công thức chung cho tất cả các loại hình DN, mà mỗi DN cần đưa ra một chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mình. Tuy nhiên, dù có điều chỉnh hoặc thay đổi chiến lược, thì những yếu tố cơ bản của DN cần được chú trọng. Đó là đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ để giữ chân khách hàng, tái cấu trúc nâng cao năng suất, chất lượng toàn diện trong nội bộ DN để sẵn sàng cho giai đoạn thị trường phục hồi sau khủng hoảng, khó khăn… Ngoài ra, DN rất cần sự hỗ trợ kịp thời từ các ngành chức năng để bảo vệ và phát triển sản xuất trong tình hình cạnh tranh gay gắt hiện nay. Ông La Minh Hồng cho biết: "Chính phủ và các bộ ngành Trung ương và địa phương cần quyết liệt ngăn chặn hàng hóa bên ngoài nhập trái phép tràn lan vào Việt Nam, đặc biệt là hàng Trung Quốc. Hàng hóa nhập khẩu tiểu ngạch hay chính ngạch cũng đều phải kiểm tra chất lượng chặt chẽ. Đồng thời, ngăn chặn những hoạt động không bình thường của thương lái nước ngoài sang mua hàng thông qua con đường tiểu ngạch, như mua nông sản, hải sản với giá rất cao, không cần chất lượng và việc mua hàng này nhằm tạo ra cơn hút hàng, sốt giá một cách giả tạo trong một thời điểm nhất định, gây khó khăn cho DN trong nước và nền kinh tế". Quản lý tốt thị trường, chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng một cách hiệu quả để các DN làm ăn chân chính có điều kiện đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, DN cũng rất mong tiếp tục được hỗ trợ của Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh, nhất là cần có thêm ưu đãi về thuế, vốn vay và hỗ trợ trong kết nối cung cầu hàng hóa, phát triển thị trường tiêu thụ phẩm. Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty Cổ phần may Meko, cho biết: "Kinh tế thế giới khó khăn kéo dài từ năm 2008 đến nay đã gây nhiều bất lợi cho các DN trong nước. Ngoài ra, DN phải gánh thêm nhiều chi phí sản xuất đầu vào liên tục tăng thời gian qua do sự tăng giá của xăng dầu, điện, nước, tiền lương tối thiểu cho công nhân, tiền bảo hiểm… DN rất mong Nhà nước xem xét áp dụng mức thuế thu nhập DN phù hợp cho từng lĩnh vực khác nhau và ưu tiên giảm thuế cho DN sử dụng nhiều lao động để hỗ trợ giải quyết việc làm cho người dân".

Quyết tâm duy trì tăng trưởng

Năm 2014, ngành công thương TP Cần Thơ xác định phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp 97.600 tỉ đồng, tăng 12,51% so với năm 2013. Chỉ số phát triển công nghiệp phấn đấu tăng 8,2% so với năm 2013. Trong đó, công nghiệp chế biến 7,6%, sản xuất và phân phối điện, gas, nước tăng 27,5%. Về nội thương, ngành công thương đề ra mục tiêu đạt tổng mức luân chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ trong là 70.200 tỉ đồng, tăng 14,1% so với năm 2013. Đặc biệt, phấn đấu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trong năm 2014 là 1,65 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2013. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 1,55 tỉ USD, tăng 9,15% so với năm 2013; các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: gạo dự kiến xuất khẩu 1 triệu tấn; thủy sản 184 ngàn tấn; trứng vịt muối 11,8 triệu quả; may mặc dự kiến xuất khẩu đạt giá trị 105 triệu USD; nông sản và nông sản thực phẩm chế biến: 16 triệu USD…

Để đạt kế hoạch đề ra, ngành công thương thành phố xác định sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, khẳng định: Ngành công thương thành phố sẽ đề ra các kế hoạch cụ thể từng quý, từng tháng để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nhất. Đặc biệt, các cán bộ ngành công thương sẽ nỗ lực hết mình trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh". Trong đó, Sở Công thương thành phố xác định sẽ tham mưu UBND thành phố có những giải pháp hữu hiệu, dài hạn hỗ trợ DN, nông dân tiêu thụ sản phẩm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ tiếp tục tập trung ưu tiên vốn tín dụng cho sản xuất hàng xuất khẩu, cho DN vừa và nhỏ, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, DN trong nước sản xuất, chế tạo sản phẩm công nghiệp đạt tiêu chuẩn thay thế hàng nhập khẩu. Đẩy mạnh mời gọi đầu tư để nâng cấp, phát triển chợ truyền thống và các hệ thống thương mại. Tổ chức phát triển thị trường gắn với việc tiếp tục triển khai có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và tăng cường công tác quản lý thị trường, bình ổn giá. Tăng cường công tác cập nhật và phổ biến đến DN các cơ chế chính sách của Hiệp định TPP để giúp DN khai thác có hiệu quả các cơ hội mới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác ngành công thương TP Cần Thơ năm 2013 và triển khai kế hoạch công tác năm 2014, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống khẳng định, thành phố luôn quan tâm hỗ trợ các DN tháo gỡ khó khăn và phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng chí ghi nhận các kiến nghị của DN và chỉ đạo ngành công thương thành phố trong thời gian tới phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý thị trường, ngăn chặn kịp thời các hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. Đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa cho cả năm 2014, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2014. Đồng thời, hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh thông qua việc thực hiện các giải pháp nhằm giúp DN bán hàng có hiệu quả, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất và quản lý để tạo giá trị gia tăng mới, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Bài, ảnh: Khánh Trung

 

Chia sẻ bài viết