05/12/2018 - 19:30

Hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm 

Quá trình sản xuất, kinh doanh, vấn đề nâng cao năng suất, chất lượng (NSCL) sản phẩm, hàng hóa là yếu tố hết sức quan trọng, mang ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp (DN). Chính vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của DN, ngành chức năng TP Cần Thơ thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ để giúp DN tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập, cần sớm được các cơ quan quản lý nhà nước và DN chung tay tháo gỡ. 

DN chưa mặn mà

Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, giai đoạn 2016-2018, Ban Quản lý Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các DN nhỏ và vừa TP Cần Thơ đến năm 2020” (Dự án) giai đoạn 2016-2018 khảo sát và xét duyệt cho 44/45 DN đăng ký tham gia. Đến nay có 11 DN hoàn thành hợp đồng (ISO 9001, ISO/IEC 17025, VietGAP, chứng nhận hợp quy) và được Dự án giải ngân kinh phí hỗ trợ với tổng số tiền gần 524,3 triệu đồng. Ngoài ra, có 10 DN chuẩn bị hoàn thành hợp đồng, dự kiến giải ngân với số tiền là 535 triệu đồng. Ban Quản lý Dự án tổ chức các đoàn học tập, khảo sát thực tế mô hình tại tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Ninh Thuận và Lâm Đồng. Qua đó, Đoàn đã trao đổi về tình hình triển khai thực hiện Dự án tại các địa phương; chính sách hỗ trợ DN khi tham gia; cơ chế, thủ tục giải ngân cho DN khi hoàn thành chương trình...


DN luôn mong muốn đầu tư, nâng cấp máy móc, thiết bị để nâng cao NSCL sản phẩm. (Trong ảnh: Máy móc được trang bị tại Công ty cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa). Ảnh: MỸ THANH

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Dự án cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại. Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: Đa số DN đang rất cần được hỗ trợ vốn lớn để đầu tư thiết bị, máy móc, cơ sở hạ tầng; các chính sách miễn giảm thuế, các gói vay ưu đãi có lãi suất thấp... Do vậy, với định mức hỗ trợ kinh phí của Dự án tối đa 130 triệu đồng/DN như hiện nay không đáp ứng được nhu cầu của DN. Bên cạnh đó, thủ tục giải ngân cho DN còn khắt khe, rườm rà nên DN có tâm lý e ngại khi tham gia Dự án. Hiện nay mỗi Bộ, ngành có những chương trình hỗ trợ DN khác nhau nhưng chưa kết nối, phối hợp với nhau, nên việc hỗ trợ chỉ thực hiện riêng lẻ, trùng lắp, không toàn diện, hiệu quả tổng hợp không cao…

Những năm qua, nhận thức về nâng cao NSCL của DN được cải thiện, nhưng đa số DN tự xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ nâng cao NSCL bằng nguồn kinh phí tự chủ. Điều này cho thấy, các chương trình, dự án vẫn chưa có sự tác động sâu sắc đến DN. Theo phản ánh của ngành chức năng, một số DN vẫn chưa thực sự quan tâm đến những chính sách ưu đãi của địa phương và Trung ương. Do đó, khi triển khai chính sách hỗ trợ, DN thường không tìm hiểu thêm thông tin hoặc liên hệ lại với cơ quan nhà nước. Kết quả thực hiện Dự án cho thấy, số lượng DN đăng ký tham gia tăng theo từng năm. Tuy nhiên, kết quả DN nhận được hỗ trợ rất ít, chủ yếu do chưa hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu. Nhiều DN có ý tưởng kinh doanh khá tốt nhưng khi biến ý tưởng thành kế hoạch, dự án cụ thể thì lại rất hạn chế nên ngành chức năng chưa “mạnh tay” hỗ trợ…

Nới lỏng cơ chế, chính sách

Để việc triển khai Dự án có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu đề ra trong giai đoạn 2018-2020, ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho rằng, thành phố cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung, mục đích của các chương trình, dự án thuộc Chương trình quốc gia NSCL ở tất cả các cấp để DN thấy rõ đây là chương trình cấp quốc gia, mang tính hỗ trợ DN toàn diện và lâu dài. Ngoài ra, Dự án cần tăng mức hỗ trợ để  tạo sức hấp dẫn, thu hút cho DN tham gia. Bởi nhu cầu vốn đầu tư máy móc, công nghệ để cải thiện NSCL sản phẩm trước bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra là rất lớn.

Nhiều DN kiến nghị thành phố đổi mới cơ chế hỗ trợ theo hướng đơn giản hóa thủ tục, không để thủ tục thanh quyết toán trở thành rào cản trong quá trình triển khai Dự án. Ông Nguyễn Hoài Phong, Phó Giám đốc Công ty TNHH Trái cây Mekong, chia sẻ: “DN rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về mọi mặt. Để có những hợp đồng, đơn hàng tốt, chúng tôi phải có “cơ ngơi” khang trang, trang bị máy móc, hệ thống chế biến, đóng gói hiện đại. Đơn cử như, khi đàm phán hợp đồng khách hàng yêu cầu chúng tôi phải có công nghệ đáp ứng yêu cầu đưa ra thì mới ký hợp đồng. Lúc này, chúng tôi chỉ muốn sao có tiền thật nhanh mua máy móc, thiết bị để làm ra sản phẩm theo yêu cầu. Còn nếu chờ đến Nhà nước hỗ trợ theo quy trình thì mọi chuyện đã muộn, cơ hội đã qua rồi! Vì vậy, chúng tôi mong muốn Nhà nước hãy nới lỏng cơ chế, chính sách hoặc linh hoạt trong mọi tình huống để DN tiếp cận được hỗ trợ nhanh nhất, hiệu quả nhất”.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại nhiều DN đang sử dụng các thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu thì việc “cải tổ” một số khâu trong cả quy trình sản xuất vẫn không đủ sức để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì vậy, việc hỗ trợ phải thực hiện đồng bộ từ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ quản lý đến đổi mới thiết bị, công nghệ... “Bên cạnh việc hỗ trợ vốn, chứng nhận các sở ngành hữu quan cần tổ chức các buổi tập huấn về cách sử dụng vốn sao cho hiệu quả, quản trị DN, xây dựng thương hiệu… Ngoài ra, các buổi hội thảo, tập huấn cần đưa vào như những chủ đề về công nghiệp 4.0, những vấn đề DN thường va vấp hoặc gặp trở ngại… Có như thế, bài toán về nâng cao NSCL và khả năng cạnh tranh của DN mới được giải quyết triệt để” - bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Cần Thơ đề xuất.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết